NSƯT Phan Phúc với cây đàn violin năm14 tuổi

NSƯT Phan Phúc với cây đàn violin năm14 tuổi

Người nghệ sĩ già, bé nhỏ và lặng lẽ trong căn phòng cũ kỹ nằm khuất sâu con ngõ nhỏ Hà Nội. Mọi thứ đều nhuốm bụi thời gian. Chỉ trừ những kỷ niệm về Bác Hồ và về âm nhạc.

 
Ông là nghệ sĩ kéo đàn violin ngồi ở vị trí số một dàn nhạc do Bác Hồ chỉ huy cách 50 năm trước, trong bức ảnh nổi tiếng “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn” của nhà báo Lâm Hồng Long.


Trong cuộc trò chuyện về những nghệ sĩ chơi trong dàn nhạc giao hưởng quốc gia những ngày đầu tiên, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tình cờ nhắc đến tên ông - NSƯT Phan Phúc - như chứng nhân hiếm hoi còn sót lại của dàn nhạc thời non trẻ mà tự hào ấy.


Và lần theo địa chỉ mà nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân để lại, tôi tìm đến ngôi nhà khuất trong ngõ nhỏ số 5 phố Trần Phú. Nghệ sĩ Phan Phúc đón chúng tôi với vẻ thân tình giản dị. Vợ ông, NSND Tuyết Mai - phát thanh viên nổi tiếng của Đài Tiếng nói Việt Nam thời kỳ đầu-hiện đang ốm. Căn phòng nền xi-măng lỗ chỗ vết lồi lõm, cánh cửa gỗ bé nhỏ, mộc mạc im lìm trong nắng chiều hiu hắt. Chỉ sáng lên một góc là bể cá ngoài hiên dưới giếng trời. Hòn non bộ nước chảy róc rách. Vài con cá nhỏ bơi lội tung tăng. Cây mai vàng nở những nụ hoa lẻ loi cuối mùa.



Bức ảnh “Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn”-
NSƯT Phan Phúc ngồi hàng đầu, bên trái.


Gia tài quý giá của ông, có lẽ là cuốn album. Trong đó, để ở vị trí trang trọng là bức ảnh đen trắng nổi bật hình ảnh Bác Hồ, quần nâu áo vải, dép cao su quen thuộc, tay phải cầm đũa chỉ huy. Phía sau Bác là cả một dàn nhạc hàng trăm nhạc công và diễn viên hợp xướng ngồi trật tự hàng lối.


Ông ngồi ở vị trí đầu bè (bên trái, ngay sau lưng Bác), kéo violin, mắt ngước nhìn Bác, say sưa và tươi cười.


Nửa thế kỷ đã trôi qua.


Ông kể: Đó là vào năm 1960. Bộ Văn hóa và TP Hà Nội khi đó mở đêm dạ hội tại Vườn Bách Thảo, chào mừng Đại hội Đảng lần thứ ba vừa họp xong. Dường như, đó là một cuộc “ra quân” biểu dương lực lượng của tất cả các loại hình nghệ thuật nước nhà dẫu còn non trẻ. Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam khi đó mới thành lập chưa đầy một năm, gần như lần đầu tiên ra mắt đông đủ và biểu diễn trước công chúng. Sắp đến giờ biểu diễn, các nhạc công và diễn viên trong dàn hợp xướng có đến vài trăm người đã chỉnh tề. NSƯT Phan Phúc khi đó là Nhạc trưởng của dàn nhạc, đang đứng chăm chú xem lại tổng phổ và chuẩn bị cho người chỉ huy dàn nhạc thì bất ngờ Bác Hồ đi tới. Theo sau Bác là các đại biểu quốc tế.


“Quá ư giản dị trong chiếc áo vải sáng màu và quần nâu quen thuộc, chân đi dép cao su, Bác bước đến bên tôi và nhẹ nhàng bảo “cháu ngồi xuống”. Thế rồi cũng nhẹ nhàng như thế, Bác bước lên bục chỉ huy, cầm cây đũa mà tôi đã chuẩn bị sẵn, truyền lệnh tới cả dàn nhạc: “Bây giờ Bác và các cháu cùng biểu diễn bài ca Kết đoàn”. Bất ngờ, nhưng khi Bác vung đũa thì cả dàn nhạc và hợp xướng cùng cất lên giai điệu lời ca bài hát Kết đoàn, mở đầu cho chương trình dạ hội chào mừng thành công Đại hội Đảng”.


Có nhiều nhà báo và nhiếp ảnh gia khi đó đã kịp ghi lại hình ảnh đáng nhớ này. Nhưng bức ảnh của nghệ sĩ-nhà báo Lâm Hồng Long với góc máy ấn tượng, làm nổi bật hình ảnh Bác Hồ ở tiền cảnh. Làm nền cho hình ảnh giản dị và tỏa sáng của Bác là cả một dàn nhạc với hàng trăm nhạc công - vốn là những nghệ sĩ đầu tiên trong Dàn nhạc giao hưởng quốc gia đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và một dàn hợp xướng sáu hàng (kỷ lục của các dàn hợp xướng). Hàng trăm thanh niên, sinh viên ưu tú của Hà Nội đã tham gia dàn hợp xướng này.


Một bức ảnh đã đi vào lịch sử.


Đối với NSƯT Phan Phúc, đó là một kỷ niệm không thể quên. Nhưng khoảnh khắc lịch sử đến trong đời nghệ sĩ, có lẽ chẳng phải tình cờ.


Đó không phải là lần đầu tiên ông được gặp Bác Hồ. Mười năm trước đó, ở chiến khu Việt Bắc, ông là một trong những diễn viên của Đội thiếu sinh Vệ quốc quân, Cục Chính trị Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là Đoàn văn công gồm các em ở lứa tuổi thanh thiếu niên do nhạc sĩ Đỗ Nhuận phụ trách, đã đến chúc thọ Bác Hồ 60 tuổi. Khi đó ông là một thiếu niên 16 tuổi. Trong cuốn album ông còn giữ lại, có những bức ảnh Bác Hồ đón đoàn, cho kẹo, nghe hát, ngồi giữa chụp ảnh chung với các cháu, giản dị như một người ông.



Đội Thiếu sinh Vệ quốc quân chúc thọ Bác Hồ 60 tuổi
tại chiến khu Việt Bắc (NSƯT Phan Phúc ngồi thứ hai bên trái).


Còn trong ký ức của người nghệ sĩ già, những sự kiện của ngày sinh nhật Bác cách đây 60 năm hãy còn rõ ràng như một cuốn phim quay chậm. Từ chỗ Đội thiếu sinh Vệ quốc quân ở, ông cùng với các bạn phải đi một đoạn đường dài để đến nơi Bác làm việc ở chiến khu. Từ xa Bác Hồ ra đón các cháu, dẫn vào nơi ở của Người. Mừng sinh nhật Bác, Phan Phúc đại diện cho đội tặng Bác cây sáo trúc do nhạc sĩ Đỗ Nhuận tự khoét. Sau đó, đoàn lần lượt biểu diễn chương trình hòa tấu các bản nhạc nước ngoài và những bài hát Việt Nam với các nhạc cụ: mandolin, violin, guitar, acoordeon, violoncelle... Rồi tiếp đến là các vở nhạc kịch thiếu nhi “Con chim kháng chiến” (Đỗ Nhuận), “Lớp học vùng tề” (Trúc Lâm).


NS Phan Phúc là cây violin chủ chốt của Đội Thiếu sinh Vệ quốc quân khi đó, đã độc tấu các khúc nhạc như "Phiên chợ Ba Tư" của Ketèlbey, "Serenade" của Schubert...


Nhiều vị lãnh đạo trong Chính phủ và Mặt trận đến chúc thọ Bác. Để đáp lễ, Bác ứng khẩu bài thơ:


Sáu mươi tuổi còn xuân chán
So với ông Bành vẫn thiếu niên
Ăn khỏe ngủ ngon làm việc khỏe
Trần mà như thế kém gì tiên...


Buổi trưa hôm sau, cả đội được ăn cơm cùng Bác. Bữa cơm có món bí ngô do tự tay Bác trồng. Sau đó cả đoàn được ra chụp ảnh chung cùng Bác. Bác còn cho cả đội 200 đồng và dặn Trưởng đoàn về mua gà và giống cây tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn cho các cháu. Bác dặn các đội viên phải đoàn kết giúp đỡ nhau học tập rèn luyện tốt để sau này trở thành những cán bộ giỏi phục vụ đất nước.


Câu chuyện của ông hôm nay vẫn khiến người nghe cảm nhận được không khí thân tình ấm áp. Ông kể, thiếu nhi thì nghịch ngợm. Ngồi cạnh Bác Hồ nhiều cậu thò tay vuốt râu của Bác. Bác hiền lành nhìn các cháu và cười tươi.


Các đội viên trong Đội Thiếu sinh Vệ quốc quân khi đó, sau này đã trở thành những nhạc công, nghệ sĩ chủ chốt của nền nghệ thuật nước nhà. Đó là các NSND Trần Quý, NSND Đoàn Long, NSƯT Huy Luân, nhạc sĩ Đỗ Nhự (em của nhạc sĩ Đỗ Nhuận)... Một số là cán bộ cao cấp của quân đội, một số khác trở thành những nhà giáo tiêu biểu của ngành giáo dục.



Cây violin số 1, Nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng
quốc gia Việt Nam, giờ đã vào tuổi “xưa nay hiếm”.


Gần 10 năm sau, nghệ sĩ Phan Phúc đã là cây violin nổi tiếng. Sự xuất hiện của ông trong bức ảnh để đời của nhà báo Lâm Hồng Long chẳng phải sự tình cờ.


Ông được đào tạo tại Bulgari và Trung Quốc. Cùng thời với ông có NSND Trọng Bằng, NSND Quang Hải, NSND Trần Quý, NSND Tạ Bôn, nhạc sĩ Hoàng Việt, nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung, NSƯT Bích Ngọc... Đó là thế hệ nghệ sĩ tài năng và được đào tạo bài bản, tài sản quý giá của nền âm nhạc nước nhà. Ông là Nhạc trưởng đầu tiên (không phải chỉ huy dàn nhạc) của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam.


Nhưng đó là một câu chuyện dài mà ông, người nghệ sĩ tự nhận mình là “không có gì đáng nói”, đã chưa muốn kể.
 
 
                                                                                    Theo ND

Các tin khác


Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Thành phố Hòa Bình: Tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho ĐV-TN

Ngày 21/3, Trung tâm Chính trị thành phố Hòa Bình phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và Thành Đoàn Hòa Bình tổ chức tọa đàm "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh viên” (ĐVTN) trên địa bàn thành phố. Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy Hòa Bình, cấp ủy, chính quyền và đông đảo ĐVTN trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục