Thời gian gần đây, ngành nhập khẩu và phát hành phim trong nước xôn xao với vụ kiện tập thể lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh của Việt Nam (VN). 6 doanh nghiệp kinh doanh rạp chiếu phim trong nước đã đưa đơn kiện Công ty TNHH Truyền thông Megastar vì lạm dụng vị thế để chèn ép, thâu tóm thị trường, gây ảnh hưởng lớn đến kinh doanh của các đơn vị khác. Cục Quản lý cạnh tranh sau khi nhận đơn khiếu kiện đã chính thức ra quyết định điều tra sơ bộ vào ngày 12-5…

 

Phim Avatar do Megastar nhập khẩu.

Các doanh nghiệp khiếu kiện nói gì?

Nội dung kiện được tóm tắt như sau: Megastar đã lạm dụng vị thế thống lĩnh trên thị trường chiếu và nhập phim ngoại để thao túng thị trường điện ảnh VN, chèn ép các doanh nghiệp chiếu phim trong nước, buộc các doanh nghiệp chiếu phim phải tuân theo những điều kiện bất lợi mà Megastar đơn phương áp đặt.

6 đơn vị làm đơn khiếu kiện là Công ty cổ phần phim Thiên Ngân, Công ty cổ phần Sài Gòn Điện ảnh, Công ty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội, Công ty cổ phần Điện ảnh 212, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Đồng Nai, Công ty cổ phần Truyền thông điện ảnh Sài Gòn, đã nhiều lần yêu cầu Megastar đàm phán để giải quyết nhưng đơn vị này không hề có sự phản hồi.

Đầu tháng 4-2010, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VH-TT-DL và Cục Điện ảnh đã tổ chức một cuộc họp với các bên có liên quan, nhưng Megastar vẫn không có động thái gì. Ngày 17-3, tập thể 6 doanh nghiệp chiếu phim đã ủy quyền cho luật sư gửi đơn khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương.

Trong đơn kiện, các doanh nghiệp nêu rõ 3 vấn đề: Megastar lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường áp đặt giá hàng hóa dịch vụ bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng (cụ thể Megastar áp đặt giá thuê phim dựa trên mức phí tối thiểu là 25.000 đồng/mỗi người xem); buộc các doanh nghiệp muốn có phim “ăn khách” của Megastar phải thuê thêm phim khác; buộc các doanh nghiệp thực hiện thêm một số nghĩa vụ không nằm trong hợp đồng như phải chiếu phim ở các phòng chiếu mà Megastar chọn.   

Ông Nguyễn Thiên Thao, Giám đốc của 2 doanh nghiệp cùng đứng tên khiếu kiện là Công ty cổ phần Sài Gòn Điện ảnh và Công ty cổ phần Điện ảnh 212, cho biết cụm rạp Cinebox của ông vốn được coi là cụm rạp dành cho giới trẻ, sinh viên, học sinh và người lao động vì giá vé ở rạp khá mềm. Tại đây, giá vé cao nhất là 45.000 đồng/vé, còn trung bình là 35.000 đồng/vé, chưa kể còn nhiều chương trình khuyến mãi với giá vé dành cho học sinh, sinh viên là 30.000 đồng/vé, ngày “Happy day” (thứ ba, tư) là 25.000 đồng/vé. “Với mức giá mà Megastar áp đặt thì sau khi trừ mọi chi phí, rạp buộc phải nâng giá vé lên 50.000 đồng/vé mới có lời. Khán giả của Cinebox không chấp nhận giá đó, chúng tôi buộc phải hạn chế lấy phim của Megastar, trừ những phim nào thật lớn.

Trước đây Cinebox chuyên chiếu phim của Visonet nhập, nhưng từ khi có sự xuất hiện của Megastar, Visonet đã ngưng nhập phim vì không cạnh tranh nổi. Do không lấy phim của Megastar nên rạp không đủ phim chiếu. Kế hoạch của Cinebox tới đây sẽ nhập một số phim để chiếu tại hệ thống rạp… Thị trường phân chia nhiều phân khúc khác nhau. Nếu Megastar chọn hình thức kinh doanh cao cấp thì Cinebox sẽ là trung cấp với giá vé vừa phải. Mỗi phân khúc có đối tượng khán giả riêng và mỗi rạp có chính sách giá riêng, đừng áp đặt giá vé của mình cho người khác…” – ông Thao nói.  

Trả lời trên một số báo, ông Trần Cảnh Tuệ, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Đồng Nai, cho biết đã phải đóng cửa một trong hai rạp chiếu phim, rạp còn lại hoạt động cầm chừng vì không có điều kiện nâng cấp rạp đạt tiêu chuẩn Hollywood theo yêu cầu của Megastar càng không thể thu một ngày mấy triệu đồng tiền lãi để đóng cho họ. “Vì thế, chúng tôi không được chiếu những bộ phim bom tấn của đơn vị này nhập. Trong khi đó, những hãng sản xuất trong nước được Megastar yêu cầu, nếu đưa phim vào hệ thống phát hành của họ thì không được đưa cho những đơn vị nhỏ như chúng tôi. Vậy là chúng tôi không còn phim để chiếu” , ông Tuệ than vãn.

Thực chất sâu xa của vụ kiện?

Một trong số 6 doanh nghiệp kiện tiết lộ: thực chất các doanh nghiệp kinh doanh rạp đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi sự khống chế của Megastar, đó là lý do khiến họ đồng ý tham gia vụ kiện, song sâu xa hơn cả thì đây vốn là cuộc chiến giữa hai đối thủ Megastar và Thiên Ngân. Cả hai đơn vị này đều là những đơn vị lớn trong lĩnh vực nhập khẩu phim.

Trước khi có sự xuất hiện của Megastar, Thiên Ngân đã được xem là đơn vị nhập khẩu phim mạnh nhất. Tuy nhiên, ngay khi bước vào thị trường Việt Nam, bằng mối quan hệ và khả năng tài chính của mình, Megastar đã dành được sự ưu ái của hầu hết studio lớn của Mỹ, đánh bật Thiên Ngân ra khỏi danh sách bạn hàng đến từ Việt Nam… “Ngay cả Thiên Ngân cũng đã có lần áp đặt giá vé cho các rạp khi lấy phim của Thiên Ngân. Tuy nhiên, sau đó họ đã hủy quy định này vì cho rằng nó vi phạm luật cạnh tranh…” – nguồn tin cho biết.

Đó là chưa kể suốt trong thời gian qua, theo thông tin ngoài luồng từ một số nhân viên của hai công ty này thì mâu thuẫn đã âm ỉ từ lâu. Thực tế đã từng có chuyện đôi bên hợp tác không sòng phẳng, cũng từng có chuyện Galaxy loại phim của Megastar ra khỏi rạp trước hạn hợp đồng và để trả đũa, Megastar cũng đẩy phim Galaxy ra khỏi cụm rạp mình ngay cùng thời điểm. Mọi việc sau đó đã được giải quyết êm thấm. Tuy nhiên, cái sự “bằng mặt không bằng lòng” thì có lẽ chưa giải quyết được!

Phóng viên Báo SGGP đã liên lạc với bà Minh Ngọc, Phó giám đốc của Công ty cổ phần phim Thiên Ngân, nhưng bà từ chối trả lời và cho biết đã ủy quyền cho luật sư.

Ý kiến của Cục Điện ảnh

Dù là đơn vị quản lý nhà nước trực tiếp song Cục Điện ảnh lại chỉ giữ vai trò trung gian hòa giải. Ông Lê Ngọc Minh, Cục phó Cục Điện ảnh, cho biết đã bàn giao công việc cho ông Khuất Duy Tân, Trưởng phòng phổ biến phim của cục giải quyết. Theo ông Tân, Cục đã tổ chức hai cuộc họp với đôi bên và đang chờ Megastar thương thảo lại. “Chúng tôi tổ chức cuộc họp để lắng nghe đôi bên trình bày. Dưới góc độ đơn vị quản lý nhà nước, cục mong muốn các bên ngồi lại bàn bạc để xây dựng một thị trường điện ảnh bình đẳng, cùng phát triển. Còn việc Megastar có vi phạm luật hay không thì đó là việc mà Cục Quản lý cạnh tranh sẽ kết luận…”, ông Tân nói với chúng tôi.

Trước những vấn đề “nóng sốt” như vậy nhưng Megastar vẫn hoàn toàn im lặng. Khi các báo đồng loạt đưa tin về 6 doanh nghiệp kiện, một nhân viên phụ trách công việc tiếp xúc báo chí của Megastar cho biết, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Megastar đang tham dự LHP Cannes nên không có mặt ở VN để trả lời thắc mắc của báo chí. Tuy nhiên, ngay cả khi ông này đã quay về thì “câu trả lời” vẫn là sự im lặng. “Ông ấy nói rằng đang làm việc với Cục Quản lý cạnh tranh nên chưa đưa ra được thông tin trọn vẹn. Megastar sẽ rất sẵn lòng làm việc với cơ quan truyền thông sau khi mọi thứ đã rõ ràng…” – cô nhân viên truyền đạt lại như thế.

 

                                                                                    Theo SGGP

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục