Có sáng tạo nhưng không được xa lạ, đậm chất dân tộc nhưng phải mới mẻ - đó là tiêu chí lớn nhất của cuộc thi "Tác phẩm múa các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất" vừa diễn ra tại Hà Nội. Cuộc thi là một trong những nỗ lực của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam (VN) nhằm tìm kiếm các tác phẩm múa đặc sắc cho dòng múa dân gian dân tộc, thực hiện đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa văn nghệ VN tiên tiến, đậm đà bản sắc.

Sáng tạo và hội nhập bằng chất liệu dân tộc

Nghệ thuật múa chuyên nghiệp Việt Nam từ ngày ra đời luôn tự hào bởi những tác phẩm múa mang đậm bản sắc văn hóa, đặc trưng cho các dân tộc. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, theo đánh giá của giới chuyên môn, nghệ thuật múa nước ta có dấu hiệu phát triển thiên lệch theo hướng đa dạng hóa, táo bạo hơn, lai căng nhiều hơn. Xuất hiện nhiều tác phẩm múa đương đại chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những phong cách, sắc thái, thậm chí cả chất liệu ngôn ngữ rất xa lạ, có nguồn gốc từ các nước châu Âu, châu Mỹ, hay Trung Quốc, Australia... Một số người cho rằng, sự lai căng này là lẽ đương nhiên trong thời hội nhập. Nhưng nghệ thuật múa chuyên nghiệp của một dân tộc không thể phát triển theo hướng lai tạp để rồi hòa tan như vậy được. Nền nghệ thuật ấy cần được phát triển trên nền tảng văn hóa dân tộc, được sáng tạo từ nguồn chất liệu âm nhạc - vũ đạo đã được kết tinh và tồn tại lâu đời cùng các tộc người Việt. Đây là tâm nguyện, cũng là định hướng mà những người làm nghệ thuật múa phải đi tới. Vì những lý do đó mà cuộc thi "Tác phẩm múa các dân tộc VN" lần thứ nhất có một tiêu chí, thể lệ đặc biệt: Các tác phẩm dự thi đều phải được sáng tác dựa trên một chất liệu cụ thể, xuất phát từ nền văn hóa của một tộc người cụ thể và phải mang bản sắc riêng của tộc người đó mà không được trộn lẫn với các tộc người khác.

 Men tình (Tác phẩm đoạt giải A) - Biên đạo NSƯT  Kim Chung và Quỳnh Dương.

Tôn vinh những tác phẩm không lai căng

Theo nhận xét của NSND Ứng Duy Thịnh, một trong những thành công lớn nhất của cuộc thi là chất liệu múa dân gian các dân tộc được thể hiện trong một số tác phẩm tuy phản ánh ở những dáng vẻ, đường nét khác nhau nhưng đã mang một diện mạo, một cách biểu đạt tương đối mới; nhịp độ, tiết tấu, ngôn ngữ đã mang hơi thở mới, gắn liền với hiện thực đời sống. Các điệu múa dân gian của các dân tộc qua tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ đã được tái hiện với những hình ảnh mới hơn, đậm nét hơn, mang yếu tố kỹ thuật hơn, chuyên nghiệp hơn nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của mình. Tác phẩm Kháp ông trâu (giải A) của biên đạo Nguyễn Văn Dũng (Đoàn nghệ thuật Quân chủng Hải quân) lấy cảm hứng từ chất liệu múa của người Kinh đã giành được cảm tình từ cả khán giả lẫn ban giám khảo bởi những cố gắng tìm tòi sáng tạo nhưng vẫn rất gần gũi trong ngôn ngữ biểu đạt, khiến người xem dù bị lôi cuốn bởi động tác múa hiện đại nhưng vẫn nhận ra màu sắc văn hóa gắn liền với lễ hội chọi trâu nổi tiếng của cư dân đồng bằng Bắc Bộ. Hay tác phẩm Đêm trăng bên cối gạo mới được Phan Duy Hưng (Đại học VHNT Quân đội) sáng tác dựa trên nguồn chất liệu của một lễ hội rất độc đáo: lễ hội linh tinh tình phộc của đồng bào Kh'Mú vùng Trung du Bắc Bộ đã mang đến những cảm hứng mới lạ cho khán giả...

Tác phẩm gây tranh cãi

Đặc trưng văn hóa không thể trộn lẫn của một dân tộc cụ thể hàm chứa trong tác phẩm là tiêu chí được Ban giám khảo cuộc thi coi trọng hàng đầu. Chính vì vậy mà tại cuộc thi, tác phẩm Nữ thần đen của biên đạo trẻ Trần Ly Ly tuy rất hấp dẫn và lôi cuốn, thu hút sự chú ý đặc biệt của khán giả bởi sự mạnh mẽ về tiết tấu, sự sáng tạo về động tác, sự đầu tư về âm nhạc nhưng vẫn không đoạt được giải thưởng nào. Nữ thần đen được Ban giám khảo cho là "lai căng", hỗn tạp trong ngôn ngữ thể hiện, "màu sắc" dân tộc thiếu đậm đặc. Những động tác múa lắc đầu, lắc tóc thể hiện nét hoang dại của đồng bào dân tộc Tây Nguyên dù kết hợp nhuần nhuyễn với âm nhạc của Nguyễn Cường vẫn bị coi là quá hiện đại, giống kiểu múa của thổ dân châu Úc. Tác phẩm đã gây ra một cuộc tranh cãi về cái gọi là "tính dân tộc" cũng như những tiêu chí để xác định tính dân tộc - tính hiện đại trong múa Việt Nam.

Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 4 giải A, 5 giải B và 11 giải C cho 20 tác phẩm xuất sắc nhất trong số 44 tác phẩm được lựa chọn từ 75 đề cương, kịch bản đăng ký tham dự của 59 tác giả đến từ mọi miền đất nước. Các tác phẩm mới này sẽ góp phần làm phong phú thêm cho các chương trình biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp trong những năm tới, đáp ứng nhu cầu thưởng thức múa ngày càng tăng của công chúng. Đây cũng sẽ là hành trang để ngành múa VN tiến vào hội nhập sâu rộng với thế giới mà không sợ bị trộn lẫn, hòa tan.

                                                                               Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục