Những cổ vật khai quật trái phép được người dân cất giữ rất kín đáo và bí mật.

Những cổ vật khai quật trái phép được người dân cất giữ rất kín đáo và bí mật.

(HBĐT) - Chiều cuối tháng 5 oi ả, trên đường đi làm về, tôi bắt gặp một đám đông đang tập trung đào bới, tìm kiếm trên bãi đất trống. Tôi nhanh chóng hiểu ra rằng đây là một bãi khai thác đồ cổ trái phép. Ngay lập tức, trong đầu tôi xuất hiện ý nghĩ cần phải nhanh chóng thực hiện bài viết về vấn đề này để các cơ quan chức năng kịp thời vào cuộc.

 

Nhưng làm thế nào để có thể tiếp cận, tác nghiệp? Trước mắt tôi là hơn trăm thanh niên mồ hôi nhễ nhại với cuốc, xẻng, dao, thuốn… Chỉ một ánh đèn plash loé lên, tất cả đống “vũ khí” kia sẽ nhằm thẳng vào tôi. Sau một hồi quan sát, phân tích, tôi quyết định “muốn bắt cọp thì phải vào hang”.

 

Trời về chiều, đám thợ săn đồ cổ lục đục vác dụng cụ ra về, í ới hẹn nhau sang mai “chiến đấu” tiếp. Tôi biết, mình có một đêm chuẩn bị cho chuyến tác nghiệp đặc biệt này. Ngày mai, tôi sẽ “đi buôn đồ cổ”!

 

Trăn trở với “vai diễn”, tôi chỉ có một đêm để viết kịch bản, làm đạo diễn và kiêm luôn cả diễn viên chính. Kiến thức thật phong phú kiến thức về đồ cổ là điều đầu tiên tôi nghĩ đến. Về đến nhà, vội vàng xong bữa cơm tối, tôi bắt đầu xới tung các trang web có liên quan đến đồ cổ để mò mẫm thông tin về lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với bản thân. Đầu tiên là những đặc điểm cơ bản nhất, khái quát nhất để có thể phân biệt đồ cổ của từng thời kỳ thông qua hình dáng, hoạ tiết, nước men... Tiếp đến, tôi nghiên cứu cách phân biệt đồ cổ thật - đồ cổ giả qua độ dày bóng của men ngọc, những điểm lấm chấm đen hay nâu của ô - xít sắt tiết ra từ bên trong qua thời gian, thêm nữa là mô týp về hoa văn bằng bút sắt (hay tre) ẩn chìm trong men. Lục tìm thêm một số thông tin về những bãi đồ cổ đã từng được khai quật tại Hoà Bình, những loại đồ cổ phổ biến tại Hoà Bình. Cuối cùng là tìm hiểu về giá cả của một số đồ theo từng niên đại trên thị trường hiện nay. Càng tìm hiểu, càng say mê, thế giới đồ cổ đã thực sự cuốn hút tôi đam mê chứ không chỉ đơn thuần là phục vụ cho “vai diễn”. Đang còn mải mê với những Tống, Lý, Trần, Lê... mà không hay một đêm đã qua nhanh, gà gáy sáng. Kiểm tra lại pin máy ảnh, bật máy ghi âm ở chế độ tự động ghi liên tục 24 tiếng, thay trang phục bảnh bao, vẫy một chiếc taxi, hít một hơi thật sâu để lấy tinh thần, tôi lên đường đi săn đồ cổ!

 

Trời còn mờ sáng mà đã có lố nhố người đào, người xúc trên bãi. Một số tay buôn từ Hải Phòng, Hà Nội... đang xôn xao bàn tán về những món đồ mua được hôm qua. Biết mình “non” về mọi mặt nên trước các tay buôn đồ cổ lâu năm này, tôi sắm trọn vai con của một “quan xã’ mới bán đất lại có máu mê đồ cổ nên tập tành đi buôn, săn vài món về trưng chơi. Sau vài câu hỏi dò xét, các tay buôn dần cởi mở “chỉ bảo” cho tôi về những gì đã và đang diễn ra ở bãi đồ cổ này: khai thác từ bao giờ, chủ yếu là đồ thời nào, giá cả ra sao.... Những cái gật gù, bình luận có vẻ như rất “am hiểu” của tôi về các món đồ khiến cho họ càng tin tưởng và kéo tôi đi cùng vào bãi, tránh được hàng trăm ánh mắt soi mói, dò xét của cả bãi khai thác đồ cổ trái phép đang vào ngày cao điểm.

 

Giữa bãi đồ cổ ngổn ngang những mô đất, mảnh vỡ, hố sâu, thoáng qua tôi một chút rùng mình. Nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, tôi tiến đến nhặt những mảnh vỡ lên, ngắm nghía, xuýt xoa bình luận, tiếc rẻ . Rồi đi tới các hố khai thác, chăm chú theo dõi họ thuốn tìm, xúc đào đất. Mỗi khi có một nhóm đào được món đồ gì đó là họ lại reo lên, cả bãi bỏ cuốc xẻng lao đến. Cùng các tay buôn khác, tôi hăm hở xem xét, bình. Dù xấu hay đẹp, nguyên vẹn hay đã bị sứt mẻ thì hễ cứ đồ nào moi lên là sẽ được các tay buôn nhanh chóng tranh nhau gom mua hết. Cả một ngày lang thang ở bãi, tôi tận mắt chứng kiến đủ thứ đồ với đủ thứ hình dáng, màu men được moi lên và nhanh chóng được định giá. Tôi bắt đầu sốt ruột vì đã có kha khá thông tin nhưng vẫn chưa kịp ghi lại hình ảnh và cũng chưa có món đồ nào thực sự quí hiếm, cao giá mà mới chỉ phổ biến ở mức dưới 10 triệu đồng.

 

Kiên nhẫn đó là đức tính cần có số 1 nếu ai đó muốn buôn đồ cổ! Và tôi đã kiên nhẫn chờ đến khi mặt trời lặn, theo chân những nhóm thợ, về tận nhà họ để xem những món đồ mà theo họ quảng cáo là “rất quí, chờ được trả giá cao mới bán”. Những thứ tôi được chiêm ngưỡng thực sự khiến tôi bất ngờ. Đó là những chiếc âu, ang men ngọc thời Lê còn nguyên vẹn cả hình dáng và nước men. Lấy lí do cần nghiên cứu thêm vì các món đồ này đều có giá khá cao, tôi xin chụp lại ảnh về để xem xét. Có trong tay ảnh cận các món đồ quí, ảnh nhóm thợ khai thác bên món đồ đào được, tôi yên tâm rút lui.

 

Được sự chỉ bảo, tạo điều kiện của lãnh đạo phòng, Ban biên tập, tôi nhanh chóng hoàn thành bài viết phản ánh về tình trạng khai thác đồ cổ trái phép kèm theo đầy đủ ảnh minh hoạ, các đoạn băng ghi âm lời nói của từng nhân vật. Sau khi bài viết được đăng tải, các ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, kịp thời chấn chỉnh sai phạm, bảo vệ cổ vật là tài sản Quốc gia, trả lại sự ổn định an ninh chính trị - trật tự xã hội cho địa phương.

 

Thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành “vai diễn”, tôi nghiệm ra rằng, đối với phóng viên, “nhập vai” là một hình thức tiếp cận để khai thác thông tin cầu kỳ nhất, phức tạp nhất, nguy hiểm nhất nhưng cũng là thú vị nhất. Với một số vấn đề nhạy cảm, trái pháp luật... thì nhập vai sẽ giúp cho bài viết thêm chân thật và sinh động. Ngoài ra, nhập vai tạo cho phóng viên cơ hội học hỏi, tìm tòi kiến thức về muôn mặt đời sống, rèn luyện bản lĩnh và thoả sức vận dụng sáng tạo mọi kĩ năng nghiệp vụ.

 

                                                                                      Ngọc Minh

 

                                                                                    

Các tin khác


Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Thành phố Hòa Bình: Tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho ĐV-TN

Ngày 21/3, Trung tâm Chính trị thành phố Hòa Bình phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và Thành Đoàn Hòa Bình tổ chức tọa đàm "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh viên” (ĐVTN) trên địa bàn thành phố. Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy Hòa Bình, cấp ủy, chính quyền và đông đảo ĐVTN trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục