Nhạc Việt trong thời điểm có nhiều mảng tối lại sáng lên câu chuyện tình người. Ngày càng nhiều hơn những nghệ sĩ tham gia hoạt động xã hội trên khắp miền quê hương.

Mỹ Tâm (trái) với người dân Krông Bông  - Ảnh: P.T.N.

Chỉ cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột, thủ phủ Tây nguyên, chừng 60km, lại sở hữu hai điểm du lịch nổi tiếng - vườn quốc gia Chư Yang Sin và thác Krông Kmar, người dân huyện Krông Bông (Đắk Lắk) xứng đáng có một đời sống thoải mái về kinh tế, nhất là khi thủy điện Krông Kmar hứa hẹn làm thay đổi đời sống cộng đồng khu vực này. Thực tế không phải như vậy.

Khi những người bạn trong chương trình “Nâng bước ngày mai” (dự án thiện nguyện do ca sĩ Mỹ Tâm và Quỹ Mỹ Tâm Foundation khởi xướng cách đây ba năm) tìm đến Krông Bông xế trưa 11-6, hơn 200 hộ gia đình thuộc các xã Chư Pui, Chư Đrăm... đã đợi sẵn trong cái nắng đổ lửa của Tây nguyên với “hành trang” là cuốn sổ hộ nghèo và tấm thẻ nhận quà cứu trợ.

Một triệu đồng cho mỗi phần quà có thể không là con số lớn đối với người đô thị, nhưng lại là điều không thể tưởng tượng được đối với nhiều cư dân nơi đây. Chẳng trách sao sau khi nhận được tiền, có bác đã xin đổi lại vì “cái này (tờ bạc 500.000đ) đâu phải tiền”. Thậm chí khi đã được giải thích, bác vẫn cương quyết xin đổi thành tiền 10.000, 20.000 đồng vì “không biết xài tiền lớn”.

H’Duynh Niê (Buôn Chàm B, Chư Đrăm) thì cuộn tiền thành một cục nhỏ xíu gói vào mấy lần vải nhét trong áo. Chị bảo để dành chữa bệnh cho con - cậu bé chỉ mới 6 tuổi không may bị dị tật không có xương sườn. Y Tinh thì nhất quyết không cho ai vác giùm bao gạo vì sợ mất. Hỏi cha đâu, Tinh lắc đầu: “Không biết!”. Mới 9 tuổi, em phải đóng vai người đàn ông lao động giúp mẹ, nuôi em. Vừa vác vừa ôm những gói quà, Tinh lầm lũi bước.

Còn với những đứa trẻ đen nhẻm, khét nắng tại Trường tình thương Nụ Hồng (Vạn Giã, Khánh Hòa), ngày tết thiếu nhi là một khái niệm không hiện hữu. Điều chúng biết là bỗng nhiên được nhận quà từ những nghệ sĩ nhóm thiện nguyện Việt Nam Ngày Mai trong chuyến công tác xã hội của nhóm hồi đầu tháng 6. Những món quà nho nhỏ ấy không trị giá bằng tiền mà mang ý nghĩa của bao nhiêu ngày khỏi phải lang thang kiếm sống, bao nhiêu ngày không phải bữa đói bữa no.

Tết thiếu nhi càng không có trong ký ức của hơn 100 học sinh thiểu năng Trường Hoa Phong Lan (Đà Lạt) hay những đứa trẻ bại não tại làng trẻ em Hoa Mai (Gò Vấp, TP.HCM). May mắn là nhiều em vẫn còn biết cười, ôm lấy các anh chị ca sĩ đã nhiều lần đến thăm, vui chơi, múa hát với mình. “Đó là nụ cười hồn nhiên nhất tôi từng nhìn thấy” - ca sĩ Phương Kiều xúc động nói. Ca sĩ Phương Trang tính toán: “Catsê vài trăm ngàn mình chê ít, đâu ngờ chỉ 10.000 đồng thôi đã đủ để các em sống qua được một ngày”.

Hầu hết nghệ sĩ khi được hỏi đều có những đáp án chung cho hành động của mình - chia sẻ. Có khác chăng là cách thực hiện và những điểm đến. Quang Dũng về quê nhà Bình Định làm chương trình ca nhạc và trích doanh thu trao cho Trung tâm Xã hội người già neo đơn và trẻ khuyết tật Phù Cát.

Các nghệ sĩ tham gia chương trình “Mái ấm biên cương” (tối 17-6) chung sức gây quỹ dựng nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo. Sáng 20-6, Nguyễn Phi Hùng cũng đã đến Trung tâm Nuôi trẻ mồ côi, tàn tật TP.HCM phát sữa cho các em. “Đến lúc nào đó nghệ sĩ sẽ tự nhiên nhìn thấy trách nhiệm cộng đồng của mình. Chia sẻ, đó là cách để mình tập sống tốt hơn” - anh nói.

Sẽ không có thư cảm ơn, tấm bằng khen nào đẹp hơn những lưng áo ướt đẫm mồ hôi, từng gương mặt sạm đi vì nắng của các nghệ sĩ. Vẻ ngoài của những người của công chúng luôn là điều quan trọng cần được giữ gìn, song chính tâm hồn họ sẽ giúp họ đứng vững trong lòng khán giả qua thời gian.

                                                                            Theo Báo Tuoitre

Các tin khác


Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Thành phố Hòa Bình: Tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho ĐV-TN

Ngày 21/3, Trung tâm Chính trị thành phố Hòa Bình phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và Thành Đoàn Hòa Bình tổ chức tọa đàm "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh viên” (ĐVTN) trên địa bàn thành phố. Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy Hòa Bình, cấp ủy, chính quyền và đông đảo ĐVTN trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục