Lắng nghe các ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm của các nhà văn, Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Văn Hiếu đánh giá cao hoạt động của Chi hội Nhà văn Công an, trong đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ góp phần xứng đáng vào công tác chính trị, tư tưởng của lực lượng Công an. Nhiều tác phẩm văn học, báo chí có tính nhân văn, tính chiến đấu cao, có giá trị, được quần chúng yêu mến và đón nhận.

 

Ngày 24/6, tại trụ sở Tổng cục XDLL - CAND, Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Đại hội Nhà văn khu vực Chi hội Nhà văn Công an, nhiệm kỳ IV (2010 - 2015). Tới dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Trung tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL - CAND, Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an; Thiếu tướng Đặng Thái Giáp, Cục trưởng Cục Công tác Chính trị, Bộ Công an.

Nhà văn Đỗ Kim Cuông, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo Đại hội nhà văn lần thứ VIII; nhà thơ Trần Đăng Khoa, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam; đại diện lãnh đạo Văn phòng Tổng cục XDLL - CAND; đại diện các ban, h ội đồng của Hội Nhà văn Việt Nam, cùng 31 nhà văn là hội viên Chi hội Nhà văn Công an đã tham dự.

Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.

Mở đầu chương trình, nhà văn Đỗ Kim Cuông, thành viên Ban Chỉ đạo Đại hội Nhà văn khóa VIII đã thông báo Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII và các quy chế tiến hành đại hội.

Đại hội đã nghe báo cáo tổng kết nhiệm kỳ III của Chi hội Nhà văn Công an, do nhà văn Văn Phan trình bày, nêu rõ: Là một chi hội nghề nghiệp về văn học, những người viết văn trong lực lượng Công an đang vừa sáng tác, vừa đảm trách nhiệm vụ nòng cốt trong guồng máy báo chí, truyền thông, văn nghệ, xuất bản trong lực lượng Công an, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục, góp phần vào công cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự và xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh.

Từ chỗ chỉ có 24 hội viên trong nhiệm kỳ II, đến nhiệm kỳ III, Chi hội đã phát triển tăng lên 32 hội viên, bổ sung thêm một lực lượng sáng tác hùng hậu cho Chi hội. Trong thời gian chưa đầy 6 năm của nhiệm kỳ III, Chi hội đã phối hợp với Báo CAND, NXB CAND tổ chức được 9 trại sáng tác về đề tài "Bảo vệ an ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống" với 270 lượt nhà văn trong và ngoài lực lượng tham gia. Trong đó đã tổ chức 16 cuộc đi thực tế cho các nhà văn tại các đơn vị Công an cơ sở, giúp các nhà văn trong và ngoài lực lượng hiểu sâu hơn về hoạt động của lực lượng Công an, để có những tác phẩm phản ánh sinh động về chủ đề an ninh trật tự, được nhân dân và cán bộ, chiến sĩ đón nhận.

Kết quả trong nhiệm kỳ, đã có trên 100 tiểu thuyết, hơn 250 truyện, ký vừa và ngắn, hơn 40 kịch bản sân khấu, kịch bản phim truyện, phim truyền hình và hàng trăm bài báo đã được thực hiện, trong đó có 60 cuốn sách được xuất bản và hàng trăm bài báo đã được in. Nhiều nhà văn đã có tác phẩm xuất bản khá đều, như các nhà văn, nhà thơ: Hữu Ước, Phan Quế, Hồng Thanh Quang, Hà Văn Thể, Nguyễn Hồng Thái, Nguyễn Xuân Hải…

Các nhà văn trong nhiệm kỳ đã có 3, 4 đầu sách được xuất bản, như nhà văn Lương Sỹ Cầm, Nguyễn Như Phong, Từ Kế Tường, Đinh Quang Tốn, Văn Phan, Vũ Xuân Tửu, Khổng Minh Dụ, Trần Hữu Tòng… Đặc biệt trong nhiệm kỳ III, ở lĩnh vực phê bình văn học, nhà văn Đinh Quang Tốn đã đạt giải thưởng của Hội Nhà văn với tác phẩm "Tản mạn nghiệp văn", đã đóng góp vào thành tựu chung của Chi hội…

Báo cáo của Chi hội Nhà văn Công an đã đề ra phương hướng hoạt động của nhiệm kỳ tới, tập trung đẩy mạnh hoạt động với tinh thần tự chủ, năng động phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, để phát huy khả năng của chi hội và từng hội viên, nâng cao kiến thức nghề nghiệp, chất lượng sáng tác. Trong đó, hướng đến tiếp tục mở các trại sáng tác văn học và các hoạt động thiết thực, như tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, giao lưu, đi thực tế tại các đơn vị, nhằm phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, con người mới điển hình. Có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời cho các tác phẩm có chất lượng tốt về đề tài "Vì An ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống"… 

Tại Đại hội, thay mặt BCH Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội đã cảm ơn Bộ Công an đã chăm lo cho đội ngũ nhà văn Công an, gần 20 năm qua đã kiên trì một đề tài "Vì an ninh trật tự và bình yên cuộc sống" và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt, nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá rất cao loạt bài trên Báo CAND, Văn nghệ Công an, ANTGCT, ANTG tuần, đấu tranh với những tư tưởng sai trái diễn ra trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, đã góp phần làm sáng rõ chân lý của Đảng ta trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, góp phần làm lành mạnh đời sống văn học nghệ thuật của nước nhà. 

Nhà thơ Hữu Thỉnh đã trình bày tinh thần của dự thảo "Báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ 2005-2010 và phương hướng nhiệm vụ phát triển văn học nhiệm kỳ 2010-2015" của Hội Nhà văn Việt Nam. Trong đó khẳng định nền văn học của chúng ta là nền văn học yêu nước, dân tộc, dân chủ và nhân văn. Chúng ta đang sống ở trung tâm của công cuộc đổi mới, mảng đề tài an ninh trật tự hiện đang chiếm một vị trí quan trọng, mũi nhọn, đấu tranh cho một xã hội lành mạnh. Nền văn học của chúng ta luôn bền bỉ bảo vệ các giá trị dân tộc, không ngừng đấu tranh chống sự xâm lăng của các nền văn hóa tiêu cực, ngoại lai, trái với thuần phong, mỹ tục, và nền văn học cũng đang được dần hiện đại hóa, thể hiện ở sự năng động, bắt kịp tiến bộ thời đại. Tuy nhiên, hoạt động văn học nghệ thuật hiện nay cũng đang phải đối mặt với thách thức. Đó là thị trường và văn hóa mạng đang kéo văn học xuống nghiệp dư hóa; vấn đề chính sách, cơ chế cũng là vật cản đối với sự phát triển của văn học.

Lắng nghe các ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm của các nhà văn trong chi hội, Trung tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá cao hoạt động của Chi hội Nhà văn Công an trong thời gian qua, trong đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ góp phần xứng đáng vào công tác chính trị, tư tưởng của lực lượng Công an. Nhiều tác phẩm văn học, báo chí có tính nhân văn, tính chiến đấu cao, có giá trị, được quần chúng yêu mến và đón nhận.

Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu đặc biệt biểu dương chi hội đã đa dạng hơn trong việc tổ chức các trại sáng tác, những chuyến đi cơ sở để các nhà văn, đội ngũ cộng tác viên trong và ngoài lực lượng thâm nhập thực tế, hiểu và viết nhiều hơn về lực lượng Công an.

Gợi ý về hoạt động của Chi hội Nhà văn Công an trong nhiệm kỳ tới, đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh: Nhà văn Công an luôn phải xác định là chiến sĩ của lực lượng vũ trang nhân dân, sẵn sàng lao vào cuộc chiến trên tinh thần của người chiến sĩ Công an. Đề tài chủ yếu phải hướng tới là an ninh trật tự, vì bình yên cuộc sống. Các tác phẩm văn học của nhà văn Công an phải mang tính chiến đấu, phản bác lại những luận điệu của các thế lực thù địch, các quan điểm sai trái. Đồng thời chi hội phải tạo được một đội ngũ cộng tác viên viết về an ninh trật tự đông đảo hơn nữa; làm sao để tổ chức hội là địa chỉ tin cậy của các nhà văn, khích lệ, tạo điều kiện, hỗ trợ họ trong sáng tác và phổ biến tác phẩm.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh với Ban Chấp hành Chi hội Nhà văn Công an, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Ảnh: Trang Dũng.

Đại hội cũng đã bỏ phiếu tín nhiệm giới thiệu 2 đại biểu của Chi hội Nhà văn Công an ứng cử vào BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII là nhà văn Hữu Ước và nhà thơ Hồng Thanh Quang.

Đại hội cũng bầu ra BCH Chi hội Nhà văn Công an nhiệm kỳ IV gồm các nhà văn, nhà thơ: Hữu Ước, Ngôn Vĩnh, Phùng Thiên Tân, Thái Kế Toại, Hồng Thanh Quang. Thay mặt BCH Chi hội nhiệm kỳ mới, Thiếu tướng, nhà văn Hữu Ước khẳng định sẽ cố gắng cùng với các thành viên chi hội cải tiến hoạt động, để chi hội thực sự là cầu nối, tạo điều kiện cho các hội viên phát triển.

Nhà thơ Khổng Minh Dụ: Cần loại bỏ tư tưởng lệch lạc

Hiện tại đang xuất hiện tư tưởng lệch lạc trong một số người hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Giải quyết vấn đề này là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong nhiệm kỳ tới của Hội Nhà văn Việt Nam và Chi hội Nhà văn Công an. Quan hệ giữa Chi hội Nhà văn Công an với Hội Nhà văn Việt Nam cần gắn bó hơn nữa, động viên, khích lệ kịp thời các tác giả, tác phẩm hay.

Nhà văn Phùng Thiên Tân: Chuẩn bị đầu ra cho tác phẩm

NXB CAND và Cục X15 đang xin kinh phí của Bộ để đảm bảo đầu ra cho các nhà văn Công an. Nguồn tiêu thụ quan trọng là các thư viện, tủ sách phục vụ chăm lo đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Qua khảo sát, trong toàn lực lượng CAND có 75 thư viện và trên 4.000 tủ sách, các nhà văn có thể yên tâm về đầu ra cho các tác phẩm của mình.

Nhà văn Từ Kế Tường: Đầu tư cho các tác phẩm có chiều sâu

Hoạt động của Chi hội trong nhiệm kỳ tới cần tạo điều kiện kết nạp đội ngũ nhà văn trẻ, phát hiện tài năng để giới thiệu kết nạp làm hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Việc đầu tư sáng tác là khâu quan trọng, nên đầu tư có chiều sâu cho tác giả viết về lực lượng Công an. NXB CAND cũng nên có Quỹ bù lỗ cho các nhà văn viết về mảng đề tài này.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam:

Đổi mới toàn diện tổ chức, phương thức hoạt động hướng đến hội viên

PV: Mảng đề tài an ninh trật tự từ lâu được xem là thế mạnh của các nhà văn trong lực lượng CAND. Ông có đánh giá gì về đóng góp của Chi hội Nhà văn Công an về mảng văn học này?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Đây đúng là thế mạnh của các nhà văn Công an. Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá cao sự đóng góp của các tác phẩm về mảng đề tài này trong việc đấu tranh, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Tuy nhiên viết về mảng văn học an ninh, chúng ta mới chỉ khai thác được tiềm năng của nó thôi. Sắp tới đây, chúng tôi hy vọng các nhà văn Công an bám sát thực tiễn cuộc sống, tích lũy vốn sống, có nhiều sáng tác mới hơn nữa. Đặc biệt phát hiện các tài năng mới bổ sung cho đội ngũ sáng tác Công an.

Cuộc vận động viết bút ký, tiểu thuyết về đề tài bình yên cuộc sống do Hội Nhà văn Việt Nam và NXB CAND tổ chức cách đây 2 năm, đến nay đã thu được các kết quả tốt đẹp, có 160 tác phẩm ký, tiểu thuyết tham gia. Đó là số lượng tác phẩm có thể nói là chưa từng có từ trước đến nay, chúng tôi hy vọng đây sẽ là mùa gặt hái mới về mảng đề tài văn học Công an.

Để có nhiều tác phẩm xuất sắc, đội ngũ sáng tác của lực lượng Công an cần được bồi dưỡng ở trên 2 phương diện: Thứ nhất, đi sâu vào thực tiễn cuộc sống, tìm hiểu nguồn năng lượng lớn là thực tiễn đời sống của lực lượng Công an trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại, đặc biệt là trong sự nghiệp giữ gìn an ninh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Thứ hai, hết sức coi trọng về nghiệp văn: tổ chức các hội thảo, thảo luận về những vấn đề mới trong sáng tác tác phẩm, đề tài về an ninh, vừa nâng cao được vốn sống vừa nâng cao được nhận thức cho mình.

PV: Để có thêm nhiều tác phẩm có giá trị, Hội Nhà văn Việt Nam có hỗ trợ gì khích lệ lực lượng sáng tác thuộc Chi hội Nhà văn Công an trong nhiệm kỳ tới?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Hội Nhà văn Việt Nam suy nghĩ: giữ gìn an ninh cuộc sống là một chủ đề lớn của văn học Việt Nam. Chi hội Nhà văn Công an là lực lượng nòng cốt của Hội Nhà văn Việt Nam, do đó chúng tôi sẽ hợp tác với Bộ tốt hơn nữa, tổ chức các cuộc thi văn học, tổ chức đầu tư đặt hàng để các nhà văn có điều kiện tập trung cho các tác phẩm tiêu biểu, dài hơi. Bồi dưỡng những cây bút trẻ từ lực lượng Công an, bổ sung vào đội ngũ sáng tác.

PV: Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ VIII đang tới gần. Lực lượng sáng tác cả nước rất kỳ vọng vào sự đổi mới hoạt động của Hội. Ông có thể cho biết sơ qua những nét mà BCH Hội phác ra cho nhiệm kỳ mới?

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Đổi mới rất nhiều về tổ chức, phương pháp tổ chức Đại hội VIII của Hội Nhà văn. Xây dựng Hội Nhà văn Việt Nam trở thành địa chỉ văn hóa, hoạt động chuyên nghiệp. Phấn đấu, sáng tạo những tác phẩm hay có giá trị cả về tư tưởng, nghệ thuật, có tác dụng sâu sắc để xây dựng con người có tâm hồn, lẽ sống. Đưa toàn bộ bộ máy của Hội Nhà văn Việt Nam hoạt động chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ, có tâm huyết với sự nghiệp phát triển văn học, ứng xử tốt đẹp với các tài năng văn chương. Tổ chức của Hội sẽ gọn nhẹ, năng động, bớt chồng chéo, hướng về cơ sở, cho hội viên và vì hội viên.

 

                                                                                    Theo CAND

Các tin khác


Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục