Phan Huyền Thư (giữa), một trong số các nhà 
làm phim trẻ của Hãng.

Phan Huyền Thư (giữa), một trong số các nhà làm phim trẻ của Hãng.

Hầu hết các hãng phim đều có chung một bài toán khó là nhân lực, tuy nhiên, đối với Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương, các nhà quản lý đang phải đau đầu bởi chỉ chưa đầy chục năm nữa, khi các nhà làm phim kỳ cựu đến tuổi về hưu, khoảng trống về nhân lực vốn đã rộng lại càng bị kéo giãn. Hiện nay, Hãng đã đang dùng nhiều hình thức để có thể thu hút được nhiều nhất nguồn nhân lực trẻ về làm việc cho Hãng.

 
Thiếu  hẳn một thế hệ 


Bà Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Hãng cho biết: “Đến năm 2015, thế hệ già hầu như về hưu hết. Đội ngũ trẻ làm phim hiện nay đang bị  hẫng hụt. Hãng đang phải tính đến việc bổ sung nhân lực trẻ, lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng dần để có thể tiếp nối thế hệ  đi trước”.


Sự thiếu hụt này là hệ quả của thời kỳ mới bỏ bao cấp, chuyển sang tự hạch toán. Thời kỳ đó, để giảm bớt chi phí và sức ép về quỹ lương, Hãng đã phải đưa ra giải pháp là không nhận thêm người. Và bây giờ, hậu quả là thiếu hụt cả một thế hệ kế tiếp, sau lứa những nghệ sĩ, nhà làm phim hay người làm công tác kỹ thuật, kinh tế nay đã ngoài 50 tuổi. Bà Phạm Thị Tuyết cho hay, hiện nay Hãng chỉ có lứa ngoài 50 và trên dưới 30, chứ không có thế hệ ngoài 40. Điều này đang gây khó khăn cho nhiều hoạt động của Hãng, từ sáng tạo nghệ thuật cho đến kỹ thuật. Phòng kịch bản của Hãng chỉ có vài người, nhưng phải “chạy” cho đủ số đầu phim của Hãng. Đó là chưa tính đến việc duyệt kịch bản ngày càng chặt chẽ hơn, tỷ lệ nghịch với số người viết mỏng, cho nên Hãng luôn lâm vào tình trạng “ăn đong” kịch bản – khâu mở đầu rất quan trọng của quá trình làm phim.


Thiếu người làm, trong khi sáu tháng đầu năm lo kịch bản, sáu tháng cuối năm lo làm phim, thì đến giai đoạn hậu kỳ, gánh nặng quá tải đổ dồn lên khối kỹ  thuật, kinh tế và những người làm công tác phục vụ.


Trong khi đó, công tác đào tạo tại chỗ, vốn được coi như một giải pháp bổ sung hiệu quả, lại rất khó thực hiện, bởi không có kinh phí. Là đơn vị hoạt động phục vụ chính trị và tuyên truyền, hoạt động kinh doanh không có lãi, vì thế Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương khó có nguồn kinh phí để gửi người ra học ở nước ngoài, hoặc gửi người đi học tại các trường. Nhân lực của Hãng chủ yếu chỉ trông chờ vào việc nhận sinh viên từ các trường xin về, không chủ động được trong công tác đào tạo. Mà đặc thù của phim tài liệu lại không giống những ngành khác: để có một tác phẩm, phải mất một thời gian dài trải nghiệm trong thực tế.


Bà Tuyết bày tỏ: “Đầu vào không có người tài, chỉ tầm tầm, tìm được người có năng lực vượt trội là rất khó, cho nên điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đội ngũ lao động tại Hãng”.  


Thêm vào  đó, thu nhập của người làm phim tài liệu cũng không cao, do phần lớn phim được thực hiện theo đặt hàng của Nhà nước, và cũng chỉ có từng đó phim được cấp kinh phí. Những hoạt động khác, đơn vị phải tự lo.


Một nghịch lý là Hãng phim là cái nôi để phát triển nghề, rất nhiều NSƯT, NSND, những nhà làm phim tên tuổi đã được tôi rèn và thành danh từ nơi này, và đây cũng là nơi có quy trình thực hiện phim tài liệu đầy đủ và bài bản nhất. Những người làm phim trẻ mong muốn phát triển nghề, thì con đường thuận lợi nhất là phải về Hãng. Tuy nhiên, do thu nhập chưa cao, nếu không muốn nói là thấp hơn nhiều so với những nơi khác, nên phần lớn các sinh viên tốt nghiệp Đại học sân khấu điện ảnh không đầu quân về đây. 


Những tia sáng


Để phần nào bù đắp dần những thiếu hụt này, Hãng phim Tài liệu và khoa học trung ương đang mở rộng cửa đối với những bạn trẻ mới ra trường muốn theo nghề một cách nghiêm túc và sâu. Bà Phạm Thị Tuyết cho biết, số lượng nhà làm phim trẻ cũng như cán bộ thuộc các mảng kỹ thuật, kinh tế… được nhận về nhiều trong ba năm gần đây. Hiện nay, số người trẻ của Hãng chiếm khoảng 20% quân số, và con số này, theo lời bà Tuyết, sẽ tiếp tục tăng lên để bù vào chỗ những người nghỉ hưu hiện tại và vào ba năm tiếp theo, có như vậy mới lấp được chỗ trống.


Hãng cũng đã mạnh dạn giao cho lớp trẻ làm phim, ban đầu dưới sự hỗ trợ của các nhà làm phim có kinh nghiệm. Bà Tuyết cho hay: “Phải cho lớp trẻ thử nghiệm làm phim để họ học hỏi được kinh nghiệm, có như vậy mới thành công ở những năm tiếp theo, từ đó để họ hình thành, khẳng định phong cách riêng của mình”. Bà Tuyết cho biết, hiện nay Hãng đã bắt đầu có một số gương mặt trẻ như các đạo diễn Phan Huyền Thư, Trịnh Quang Tùng, Bùi Phương Thảo, Nguyễn Thu Hằng...


Đạo diễn Vương Khánh Luông, một nhà làm phim thuộc thế hệ 5x cho biết, trong dự án phim mới của mình về sinh viên Việt Nam thời nay, anh sử dụng kịch bản của một tác giả rất trẻ, là Nguyễn Thu Hằng, mới tốt nghiệp K25 của trường Đại học Sân khấu điện ảnh. Vương Khánh Luông là đồng đạo diễn, hỗ trợ cho nhà làm phim trẻ Nguyễn Thu Hằng, và anh cho biết cô sinh viên trẻ này đang rất hứng thú với dự án. Thu Hằng cùng với Phương Thảo là hai đạo diễn trẻ nhất của Hãng. Phương Thảo mới ra trường, nhưng đã giành giải Cánh diều bạc 2009 cho bộ phim “Khi không thể vượt qua chính mình”, do chính cô viết kịch bản và cùng đạo diễn Trịnh Quang Tùng thực hiện. Đây cũng là kịch bản đầu tiên của nữ tác giả trẻ này.


Đạo diễn Vương Khánh Luông chia sẻ: “Đây là một sự kiện rất mới và hấp dẫn tại Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương, bởi thông thường phải một người làm rất lâu rồi mới có kinh nghiệm viết kịch bản và làm phim. Các quay phim cũng đầu quân về đây tương đối nhiều, bởi cuối cùng họ cũng nhận ra rằng đây là mảnh đất rất tốt cho phim tài liệu. Đó cũng là mong muốn của chúng tôi đối với lớp trẻ, mong họ sớm trưởng thành và sớm có những tác phẩm hay”.


Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các đạo diễn, nhà  làm phim trẻ, Hãng cũng bước đầu hợp tác với một số  tổ chức, đơn vị nước ngoài để đào tạo tại chỗ trở lại. Phái đoàn Wallonie &Bruxells gần đây đã phối hợp tổ chức các lớp huấn luyện tại Hãng về đạo diễn, quay phim… Tháng 9 năm nay, theo chương trình hợp tác, đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng người Bỉ Thierry Michel sẽ sang Việt Nam hướng dẫn, đào tạo một khóa học ngắn hạn cho các biên kịch, đạo diễn Việt Nam. Viện trưởng Viện Goethe tại Hà Nội, sau thành công của Tuần phim tài liệu quốc tế lần 2, cũng bày tỏ ý muốn hợp tác giúp Hãng trong công tác đào tạo làm phim.


Tất cả  những điều này, đang cùng nhau thắp lên những ngọn lửa hy vọng  cho điện ảnh tài liệu Việt Nam.
 
                                                                              Theo Báo Nhandan

Các tin khác


Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục