Người Việt Nam, ai chẳng có một Hà Nội trong trái tim, dù đó là những người không sinh ra và lớn lên trên mảnh đất ngàn năm văn hiến này.

 
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Tất Bình có "may mắn được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đã tròn 1000 năm tuổi", vì thế, tình yêu của anh với Hà Nội dường như càng mãnh liệt và có nhiều điều kiện để thể hiện hơn: "Hà Nội trong quá khứ đến với tôi chỉ là trong tưởng tượng qua thông tin lịch sử. Còn Hà Nội ngày nay hiện hữu trong tôi gần gũi, thân thương, đổi thay hằng ngày, luôn là nguồn cảm hứng trong nghiệp nhiếp ảnh mà tôi đã và đang yêu thích, theo đuổi". Với Tất Bình, mỗi góc phố, mỗi hàng cây, mỗi con đường của Hà Nội đều thân thuộc đến lạ... hình ảnh nào anh cũng muốn níu giữ, chụp bao nhiêu cũng thấy là chưa đủ, chưa diễn tả hết được vẻ đẹp của Hà Nội.


Tất Bình đến với nhiếp ảnh khá sớm, kể từ năm 1976 anh đã bắt đầu "hoạt động nhiếp ảnh", nhưng mãi cho đến năm 1984, mới chạm ngõ "nhiếp ảnh nghệ thuật" bằng tác phẩm đầu tay "Chân dung người thợ", được đánh giá cao. Kể từ đó, Tất Bình làm nghề không chỉ còn đơn thuần mang tính thông tin, tuyên truyền, mà có thêm một thú vui là săn tìm những khoảnh khắc đẹp.


Cái "nghề" lại gắn với cái "nghiệp" nên con đường đến với ảnh nghệ thuật của Tất Bình khá suôn sẻ. Trong chặng đường nhiếp ảnh đã qua, Tất Bình đã giành được gần 20 giải thưởng lớn nhỏ, cùng nhiều tác phẩm ảnh được chọn triển lãm tại các cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế. Với những thành tích của mình, Tất Bình đã được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phong tặng tước hiệu "Nghệ sĩ Nhiếp ảnh xuất sắc" và Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh Quốc tế phong tặng tước hiệu "Nghệ sĩ Nhiếp ảnh quốc tế".


Giờ đây, khi đã ở tuổi 55, niềm say mê nhiếp ảnh của anh vẫn chưa hề vợi bớt. Những khi có thời gian rảnh, với chiếc máy ảnh làm bạn đồng hành, Tất Bình lại hào hứng lên đường. Hằng năm, anh đều cố gắng dành thời gian để đi xa, mỗi chuyến đi là mỗi lần cảm xúc được hâm nóng để có được những tác phẩm ảnh nghệ thuật đẹp dâng hiến cho đời.


Riêng với Hà Nội, Tất Bình luôn luôn có cảm xúc: Từ Hồ Gươm đến Hồ Tây trong sương sớm, lúc chiều tà, rồi Văn Miếu - Quốc Tử Giám với những hàng bia tiến sĩ mang dấu ấn ngàn năm, cột cờ Hà Nội vươn mình kiêu hãnh trong nắng thu, một Hà Nội đang thay da đổi thịt với những tầm cao mới của các khu chung cư, tòa nhà cao tầng hiện đại, bên một Hà Nội trầm mặc của những Ô Quan Chưởng, của những mực tầu giấy đỏ, của các lễ hội chứa đựng bản sắc văn hóa đất kinh kỳ như Hội Gò Ðống Ða, Hội Gióng... Và cứ thế, Hà Nội hôm qua, Hà Nội hôm nay dần dần hiện lên trong ảnh của Tất Bình.


Mới đây (ngày 17-8-2010), NSNA Tất Bình giới thiệu với công chúng Thủ đô triển lãm ảnh cá nhân mang tên "Hà Nội trong tôi" với mong muốn đây là "món quà nho nhỏ chào mừng sự kiện lớn của đất nước, của Thủ đô". Anh cho biết, ý tưởng làm triển lãm đến khá bất ngờ: "Nhóm nhiếp ảnh Hồng Hà - nơi tôi là một thành viên, định làm một triển lãm ảnh về Hà Nội mừng Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng những ảnh anh em trong nhóm gửi đến Ban chủ nhiệm thấy không được như ý, nên quyết định thôi không triển lãm nữa. Sau đó NSNA Ðinh Quang Thành và Lại Diễn Ðàm đã đưa ra gợi ý triển lãm cá nhân của chính Tất Bình về Hà Nội".


Ðã chụp rất nhiều về Hà Nội, nhiều giải thưởng nhiếp ảnh anh có được cũng là về Hà Nội, nhưng Tất Bình vẫn lo rằng ảnh của mình "không thể mô tả hết muôn vẻ đời sống xã hội, cái đẹp, chất thơ và sự hào hùng của mảnh đất 1000 năm văn vật". Tuy nhiên, khi được bạn bè khuyến khích, động viên, vậy là... làm! Từ 300 file ảnh tự chọn, tự cho là được để rồi cuối cùng còn lại 90 ảnh triển lãm - đủ thấy sự cẩn thận của người nghệ sĩ.


Tuy nhiên, nếu được xem các bức ảnh tại "Hà Nội trong tôi" thì sẽ thấy cái điều anh lo lắng là... hơi quá! Hà Nội trong ảnh của Tất Bình hiện lên có cả quá khứ và hiện tại. 90 bức ảnh về Hà Nội được trưng bày trong triển lãm là 90 khoảnh khắc, 90 ký ức vốn trước đây là của riêng người nghệ sĩ, giờ đã trở thành góc nhìn trong ký ức, có thể, của nhiều người yêu Hà Nội.
 
 
                                                                                       Theo ND

Các tin khác


Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục