LTS: Vì mang “nỗi buồn tiểu tư sản” mà 40 năm sau khi ra đời, Hướng về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Dương mới được hát công khai trên sân khấu

 
Hà Nội ơi! Hướng về thành phố xa xôi/ Ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi/Hà Nội ơi, phố phường dài ánh trăng mơ/ Liễu mềm nhủ gió gây thơ/ Thấu chăng lòng khách bơ vơ/ Hà Nội ơi nước hồ là ánh gương soi/ Nắng hè tô thắm đôi môi/ Thanh bình tiếng guốc reo vui... (Hướng về Hà Nội).
 
Nhạc sĩ Hoàng Dương, tên đầy đủ là Ngô Hoàng Dương, con trai của nhà văn Trúc Khê - Ngô Văn
Triện. Ông là một nghệ sĩ đàn cello, người có công đầu xây dựng bộ môn cello, khoa đàn dây tại
Nhạc viện Hà Nội và nhận được các danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, phó giáo sư. Ảnh: C.T.V
 
Trước khi Hà Nội được giải phóng, tôi hoạt động cách mạng tại Đội Tuyên truyền Văn nghệ Thành bộ Hà Nội. Khoảng năm 1953– 1954, chiến tranh nổ ra hết sức quyết liệt, đội tuyên truyền của tôi thường xuyên phải tránh né sự truy đuổi của quân thù.
 
Đêm đêm, từ ngoại thành nhìn về nội thành Hà Nội thấy những quầng sáng thẳm xa, nỗi nhớ Hà Nội cháy điên cuồng trong trái tim hai mươi tuổi của tôi. Đó còn là nỗi nhớ người yêu, một thiếu nữ Hà thành xinh như mộng. Khó có thể diễn tả hết cảm xúc của những ngày ấy, nó buồn bã, da diết...
 
Và thế là vào một đêm đạn bom tơi bời, trong nỗi nhớ vô bờ, tôi như bị ma ám, ngồi vào bàn viết liền một lúc hai lời của Hướng về Hà Nội.
 
Những ca từ, giai điệu cứ tự nhiên bật ra như không phải tôi mà là một “tôi” nào đó viết. Hà Nội ơi... không chỉ là tiếng gọi quê hương, mà còn như một lời gọi bật ra trong tim với người yêu Hà Nội. Đẹp kinh khủng. Nó chưng cất tất cả nỗi nhớ về Hà Nội trong những năm tháng kháng chiến.
 
Viết xong hai lời, tôi vẫn tiếc, vẫn muốn viết nữa vì cảm xúc cứ tuôn chảy. Bài hát hoàn tất rất nhanh, sau đó tôi gửi cho anh Hoàng Trọng, một người bạn, một người anh mà tôi hết sức thân thiết.
 
Hoàng Trọng đưa cho Kim Tước hát. Sau năm 1954, anh ấy mang bài hát vào Sài Gòn.
 
“Bản án” nỗi buồn tiểu tư sản
 
Tôi không được nghe Kim Tước hát trên sân khấu. Khi tôi về, Hà Nội đã giải phóng. Trong cái không khí sục sôi ấy, người ta hát vang những ca khúc sôi động chào đón ngày thủ đô giải phóng chứ không nhớ tới những ca khúc buồn.
 
Tôi cũng lao vào những hoạt động chuẩn bị chào đón quân giải phóng về tiếp quản thủ đô. Hà Nội lúc ấy đầy hào khí, thậm chí tôi cũng không nghĩ về bài hát này nữa. “Nỗi buồn tiểu tư sản” không phù hợp với hoàn cảnh lúc ấy, bài hát cũng không được biểu diễn công khai một thời gian dài nhưng ở những nơi khác, người ta vẫn hát Hướng về Hà Nội.
 
Sau Kim Tước đến Duy Trác, Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Mai Hương, Thái Hiền, Tuấn Ngọc..., những giai điệu của ca khúc vẫn âm ỉ cháy trong lòng những người yêu Hà Nội.
 
Một lần, một nhà báo ngoại quốc có hỏi tôi, ai là người hát Hướng về Hà Nội đầu tiên. Tôi trả lời: Kim Tước. Họ đã đến tận nhà Kim Tước tại Mỹ để hỏi và cô ấy bảo đúng vậy. Kim Tước cho biết vẫn còn giữ được cuốn băng thu âm đầu tiên bài hát này. Thú thật, tôi rất muốn có được một bản sao cuốn băng đó mà không biết bằng cách nào.
 
Một lần, nhà thơ Quang Dũng của Tây tiến đến chơi với tài tử Ngọc Bảo. Sau khi nghe Ngọc Bảo hát Hướng về Hà Nội, Quang Dũng đã nhờ Ngọc Bảo nhắn với tôi rằng, ông rất muốn tôi đến chơi.
 
Mấy ngày sau tôi tìm đến, Quang Dũng đã ôm chầm lấy tôi và nói: “Cảm ơn Dương, mặc dù mới được gặp cậu lần đầu nhưng tâm hồn của chúng ta đã rất giống nhau. Tớ cảm nhận được rất nhiều sự đồng điệu trong đó”. Sự đồng điệu của tâm hồn những người tiểu tư sản lãng mạn “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” gần giống với “Nước hồ là ánh gương soi/ Nắng hè tô thắm đôi môi/ thanh bình tiếng guốc reo vui”.
 
Chưa gặp lại người em gái Hà Nội
 
Bốn mươi năm sau khi ra đời, những năm cuối cùng của thế kỷ XX, Hướng về Hà Nội đã được hát công khai trên sân khấu. Ông Đình Quang, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin lúc ấy, ký vào tờ giấy phép mấy chữ “được phép lưu hành”.
 
Sau này, các ca sĩ trong nước: Lê Dung, Quang Thọ, Ánh Tuyết, Thu Hà, Hồng Nhung, Lan Anh, Quang Dũng... cũng đều đã thử hát Hướng về Hà Nội.
 
Tôi vui, vì không chỉ các nghệ sĩ lớp trước mà cả thế hệ trẻ hôm nay cũng yêu bài hát này. Trong chương trình Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam, Thu Hà bảo tôi: “Cháu yêu bài này lắm”. Tôi rất cảm động vì Hà hát rất xúc cảm. Những phút giây như thế, tôi đã coi là hạnh phúc lắm rồi, đã không còn gì phải băn khoăn nữa.
 
Nếu tiếc thì chỉ có thể tiếc là tôi đã không còn cơ hội nào gặp lại người em gái Hà Nội của mình. Sau ngày thủ đô được giải phóng, tôi trở về thì cô ấy hình như đã cùng gia đình đi vào Nam. Sau năm 1975, tôi vào Sài Gòn cố đi tìm nhưng tuyệt nhiên không có một chút thông tin gì để có thể tìm gặp lại người con gái năm xưa ấy.
 
Ca từ đều là hình ảnh có thật
 
ở Hà Nội có “tiếng guốc reo vui” vì nữ sinh mang guốc đi học chứ không đi dép. Vào những chiều tan trường, áo dài nữ sinh bay phấp phới, đẹp vô cùng. Hà Nội lúc ấy mười mấy vạn dân, cứ nghe ai hát, tôi lại thấy không gian xưa trở về, vượt qua mọi thời gian.
 
Tất cả ca từ đều là hình ảnh có thật được thơ mộng hóa, những ai sinh ra và lớn lên ở Hà Nội những năm đó đều thấy thực đến mức nào.
 
Có thể vì không hiểu được điều này nên nhiều ca sĩ hải ngoại, không biết vô tình hay cố ý hát sai lời. Tôi viết “thanh bình tiếng guốc reo vui” thì họ hát “thanh bình tiếng hát reo vui”. trường hợp khác, “đắm say chờ những kiếp sau”, nó đẹp, thơ mộng thế mà họ đổi lại rất tầm thường “đắng cay chờ những kiếp sau”; thậm chí còn đổi  “hãy tin ngày ấy anh về” thành “cứ tin ngày ấy anh về”. Nghe cứ như đấm vào tai người khác!

 

                                                                               Theo NLĐ

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục