Nói về tương quan, tỷ lệ giữa các tác phẩm VHVN được dịch ra một số tiếng nước ngoài và tác phẩm văn học thế giới được giới thiệu tại VN, thì: tính đến năm 2007, đã có khoảng 13.700 tác phẩm văn học của thế giới được dịch ra tiếng Việt và xuất bản tại VN. Cũng trong thời gian ấy, chỉ có khoảng 570 tác phẩm VHVN được dịch và xuất bản ở một số nước trên thế giới; tiêu biểu là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, thơ Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh,...; tiếp đó là một số tiểu thuyết của các nhà văn: Vũ Trọng Phụng, Nguyên Ngọc, Hữu Mai, Bảo Ninh và một số tác giả viết về đề tài chiến tranh.

Trên thị trường sách của ta hiện nay, cứ 100 cuốn sách văn học được bày bán, thì có 25 sách dịch của thế giới. Chỉ căn cứ vào tương quan, tỷ lệ này, mà nhiều nhà văn, dịch giả nước ta đề nghị: Phải có một “chiến lược quảng bá VHVN ra nước ngoài” để tránh tình trạng dịch tác phẩm VHVN một cách tự phát, manh mún; bên cạnh đó, phải xây dựng một quỹ dịch VHVN ra thế giới. Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN, đề xuất: “Cần phải hình thành một trung tâm dịch thuật của Hội Nhà văn, chuyên trách các khâu chọn lựa tác phẩm, biên dịch, hợp tác xuất bản và quảng bá VHVN ra nước ngoài”.

Tuy nhiên, trong đời sống văn học hiện nay, vấn đề chính yếu để giới thiệu VHVN ra nước ngoài sao cho có hiệu quả thì quá hiếm hoi số nhà văn nước ta quan tâm đến. Đấy là chất lượng đích thực của các tác phẩm VHVN; hay nói khác đi-là sự hấp dẫn của VHVN đối với độc giả nước ngoài. Sự thật thì chất lượng đại trà của tác phẩm VHVN hiện đại và đương đại còn nhiều yếu kém. Thế nhưng, không hiểu sao, còn nhiều nhà văn xứ ta lại không nhận chân được sự thật này? Nhiều nhà văn rất ngộ nhận về giá trị tác phẩm của mình và một vài tác phẩm của bạn bè (người mà họ ưa thích!). Ngay trong hội nghị quốc tế nói trên, một số nhà văn VN còn khăng khăng khẳng định về giá trị của các tác phẩm VHVN (đương đại): “Ta đã có chuông rồi. Vấn đề là ở người đánh chuông và người nghe chuông mà thôi”!

Chỉ có rất ít nhà văn thừa nhận những tồn tại của VHVN đương đại. Xin nêu ra một vài ví dụ. Nhà văn Bảo Ninh (người có tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài) trong lời bình về truyện ngắn “Con chó xấu xí” của nhà văn Kim Lân, đã viết: “Nhà văn Kim Lân viết không nhiều, tự đùa mình là Lãn Ông, vậy mà chúng ta, hỡi ôi, chúng ta tràng giang đại hải, chúng ta hì hục sản xuất văn chương, nhưng một chút gì của “Con chó xấu xí” thôi, chúng ta cũng không thể có. Chúng ta ráo riết làm mới, làm lạ, mắm môi mắm lợi tự cao tự đại, phô trương sự tối tân và thời thượng của những kiệt tác chúng ta sản xuất ra, nhưng chúng ta vẫn cứ vô cùng cũ và nhạt, hoàn toàn không thể bì được với văn chương chậm rãi, khề khà, nhà quê mà vừa xiết bao chân thực, vừa vô cùng thâm thúy, lại thiết tha và sâu đậm lòng nhân, tình yêu thương con người và đất nước, tình yêu ngôn ngữ Việt của một nhà văn thực tài như Kim Lân” (Báo Văn nghệ Trẻ, số 4+5+6, ấn phẩm đặc biệt Xuân Bính Tuất - 2006, tr. 2). Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì nói thẳng thắn, có phần “bạo miệng” về sáng tác và phê bình văn học của ta: “Tôi thấy nhìn chung sinh hoạt văn học ở VN mình không được tự nhiên lắm và ở ta không có những nhà nghiên cứu văn học hoặc phê bình văn học thực sự uyên bác, giỏi giang, có uy tín ...Tôi thấy nền văn học VN thực sự đáng thương” (Báo Giáo dục & Thời đại, thứ ba, ra ngày 28/01/2003, tr. 7)! Riêng tôi- một giảng viên Ngữ văn Đại học Hải Phòng, cho phép tôi nói thật điều này: VHVN qua các thời kỳ, nhất là văn học đương đại- rất ít tác phẩm hay! Nhiều tác phẩm có tính nhân văn, nhưng thiếu tính nghệ thuật; thường sa vào sự đơn giản, khuôn mẫu, gò bó, gượng ép theo một mục đích nào đó. Các nhà văn, nhà thơ và nhà nghiên cứu văn học nước ta cần phải nhìn thẳng vào thực trạng này. Xin đừng ngộ nhận, đừng tự huyễn hoặc quá mức về văn học nước mình. Đối với ngành giáo dục-đào tạo, vì chất lượng VHVN như thế, cho nên rất khó cho người biên soạn SGK Văn học các cấp; giáo viên không hứng thú giảng dạy hầu hết các tác phẩm VHVN, còn HS-SV thì phần đông không thích học Văn.

Tác phẩm VHVN có thực sự hay, thực sự có giá trị, thì mới được dịch giả VN và nước ngoài giới thiệu ra thế giới, mới được độc giả nước ngoài yêu thích, đón nhận! Đấy là điều cốt lõi để hội nhập văn học, để quảng bá VHVN với bè bạn năm châu. Tại Hội nghị quốc tế giới thiệu VHVN (2010), nhiều nhà văn, dịch giả nước ngoài nói chân thành rằng: Nước họ chỉ biết đến VN qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ; còn các tác phẩm VHVN thì “khá xa lạ” với người đọc của đất nước họ. Thẳng thắn và cởi mở, GS Chúc Ngưỡng Tu (Trung Quốc), nói: Để có nhiều tác phẩm VHVN được giới thiệu và dịch ra nước ngoài, thì trước hết, đó “phải là những tác phẩm hay và mang đậm sắc thái của dân tộc VN”! Ta nên lắng nghe những ý kiến chân tình của bè bạn quốc tế. Còn những lời lẽ ngoại giao, chỉ “khen” rồi ngoảnh mặt đi, nhiều khi lại rất nguy hại! Tôi nhớ, nhà thơ-nhạc sĩ lừng danh Văn Cao đã nói một câu ý nhị mà rất sâu sắc: “Những bó hoa trao tặng nhiều khi lại làm chết người được tặng hoa”!

Đã qua hai lần hội nghị quốc tế giới thiệu VHVN ra nước ngoài, (từ năm 2002 đến nay), mà VHVN còn “khá xa lạ” với bạn bè quốc tế, điều đó khiến ta phải suy ngẫm rất nghiêm túc về vấn đề tổ chức dịch thuật, về quảng cáo, về lãi lỗ trong khâu xuất bản, về thị hiếu của độc giả từng quốc gia; nhưng cốt lõi là về chất lượng đích thực, giá trị đích thực của các tác phẩm VHVN nói chung và VHVN đương đại nói riêng. Tác phẩm văn học chung quy cũng là một thứ sản phẩm hàng hóa (hàng hóa tinh thần). Đừng để như nhiều sản phẩm thương mại của VN bán ra nước ngoài mà thiên hạ kêu là kém chất lượng, kém cả mẫu mã, là mất vệ sinh, là bán phá giá và có nhiều gian lận, ví như cá ba-sa và các thực phẩm đông lạnh chẳng hạn! Thế thì còn gì là lòng tự tôn và tự hào dân tộc?

Một số các tác phẩm VHVN được đánh giá là “hay”, được giải thưởng này nọ ở xứ ta - thì cũng mới chỉ là “hay” và là giải thưởng của “đẳng cấp VN”! Đâu dễ so sánh với những tác giả lớn, tác phẩm đồ sộ, nổi tiếng của thế giới, như của văn học các nước Pháp, Anh, Trung Quốc, nhiều nước châu Mỹ và các nước khác! Cố nhiên, điều đó không có nghĩa là ta không dịch, không giới thiệu VHVN ra nước ngoài. Thế nhưng, muốn được người ta yêu thích, tìm đọc và bỏ tiền ra mua sách trước hết phải ở chất lượng cao và sức hấp dẫn của tác phẩm văn học. Chuông đi đấm nước người phải thật sự là chuông khánh, chuông chính hiệu. Bởi thế, sự nỗ lực phấn đấu của các nhà văn VN để có nhiều tác phẩm hay, là điều hết sức cần thiết.  

                                                                                 Theo Báo SKĐS

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục