Dư luận khen chê, xen lẫn cùng những định kiến, nhưng khán giả vẫn hồ hởi tự nguyện đến và tạo nên cơn sốt tại các phòng vé; "Cánh đồng bất tận" đã có được một đời sống riêng, khỏe mạnh trên màn ảnh.

 

Doanh thu, tất nhiên không phải là tất cả, nhưng nó lại là một thước đo quan trọng. Bởi đây là một trong những bộ phim Việt hiếm hoi không phát hành vào dịp Tết, không mua vui bằng những pha tấu hài mà chủ động tìm kiếm sự xúc động và nước mắt người xem…

1. Nương, cô bé ngây thơ nói "mẹ con nhìn nhau xa lạ sao lại mừng?". Cũng chính cô bé cho mẹ biết, hai chị em đã nhìn thấy cảnh lẽ ra không nên nhìn, mẹ ngoại tình với ông ba Tàu buôn vải. Và cũng Nương, trong hành trình khắc nghiệt dọc theo những cánh đồng không tên buồn đến chát lòng, trôi dạt cùng người cha luôn giận dữ và uất ức vì con gái quá giống mẹ, cùng cậu em luôn chảy nước mắt sống và luôn thiếu thốn yêu thương. Hành trình ấy, quá nhiều tủi cực, bất an. Và mông muội. Đến mức không biết được rằng mình đã lớn, rằng mình đang là một đứa con gái đẹp. Nếu không có sự xuất hiện của Sương, có thể cuộc đời của hai chị em Nương vẫn còn lênh đênh, vẫn còn đầy sợ hãi.

Cảm giác như có thể soi thấu cả cuộc đời, cả sự thiện tâm và những bất công, dối trá, đặc biệt là cái ác… qua sự trong sáng đến không tì vết của tâm hồn cô gái ấy. Nhìn thấy cha cô, Út Võ, đầy hậm hực và liên tục phả những cơn hận đàn bà qua việc đánh đuổi, gằn hắt cô con gái.

Nhìn thấy mẹ cô, người đàn bà đẹp có nụ cười sáng cả khúc sông, không chịu nổi cảnh nghèo mà nhẹ dạ rơi vào vòng tay của gã lái buôn. Người mẹ đáng trách ấy bỏ đi, để sau này Nương nhận ra một điều, rằng trẻ con đôi khi phải biết tha thứ cho những lỗi lầm của người lớn. Và bài học ấy cô sẽ dạy cho con mình, đứa con sinh ra không phải bởi tình yêu, nhưng nó sẽ được cô hứa là sẽ nuôi nấng nó trong tình yêu an lành.

Nhìn thấy em cô, cậu bé Điền từ yếu ớt cam chịu đến bùng nổ dữ dội, dìm chết cái ác trong dòng nước, vì muốn bảo vệ những gì được coi là yêu thương duy nhất của mình.

Nhìn thấy những góc sáng trong tâm hồn đã tổn thương và chai sạn của Sương, cô gái điếm phiêu dạt từ Bắc vào Nam. Nhìn thấy cả những quẩn quanh của kiếp người trong chiếc ghe nhỏ. Nhìn thấy những kẻ vô lương đang sống như cầm thú và chà đạp lên phẩm hạnh của cô gái yếu ớt không thể tự vệ.

Có thể nói, tâm hồn ấy như một tấm gương phản chiếu, cả cái tốt và cái xấu. Đến cuối cùng, trên cánh đồng bất tận, lòng vị tha và tình yêu thương đã đi cùng cô, bỏ lại cả những đớn đau uất hận trên đồng nước. Nương chính là hiện thân của tình yêu và sự trong sáng đến tận cùng. Nó đảm bảo được một điều, với tâm hồn ấy, cô sẽ tha thứ được những lỗi lầm và tổn thương mà con người gây ra cho nhau. Tha thứ được cho những kẻ gieo xuống đầu cô nỗi đau, dù nỗi đau quá lớn và quá dài…

Bộ phim, với giọng kể nghèn nghẹn như sắp bật khóc của Nương, với những biến cố đầy đau đớn của gia đình trôi dạt, giữa miền sông nước, với những cánh đồng không tên. Một vẻ đẹp trong đau đớn. Tất cả những biến cố mà họ không biết trước, không mong đợi.  Điền cứu cô gái điếm tên Sương ở chợ bờ sông và cả gia đình này đưa Sương theo dòng chảy của chiếc thuyền của ba cha con, trên hành trình không định trước. Và Sương đã đánh thức những khát khao, những đổi thay trong Điền và Nương. Và ở cả ông Võ, người cha đầy thù hận và giận dữ con cái. Nhưng, bi kịch nối tiếp bi kịch, những kẻ ác vẫn lẩn quất đâu đó trên những cánh đồng. Và đỉnh điểm, là Nương đã mất đi đời con gái, là cha cô đã bị đánh bầm dập và cảnh nhà tan nát. Chính ông đã phá bỏ mái nhà của mình để đi vào đời phiêu dạt. Và cũng chính ông phải trả giá, bằng những nỗi đau không dễ gì nguôi quên…

2. Có những hạt sạn ai cũng có thể nhìn thấy. Và nếu xét một cách công bằng, thì những mổ xẻ của một số khán giả, cho thấy họ quan tâm thực sự, họ mong chờ lớn vào sự ra mắt của bộ phim. Và có những khản giả cảm thấy bất mãn vì cái kết quá đẹp, khi Út Võ hàng ngày lái đò chở trẻ con đi học, là Nương ôm cái mầm sống trong bụng bằng sự thứ tha cao cả.

Nghe có phần khiên cưỡng. Nhưng Nguyễn Phan Quang Bình lý giải, anh muốn có hai cái kết trong phim. Với những khán giả thích một cái kết dữ dội, thì cảnh Út Võ kêu trời đã là một cái kết vừa đủ. Nhưng với những khán giả khác, họ cần một cái kết để giải tỏa và cái kết sau ấm áp ấy làm được điều đó. Tất nhiên, đó là lý giải của anh còn khán giả chấp nhận hay không là do từng cảm nhận. Và điều đó buộc đạo diễn phải tôn trọng.

Nguyễn Phan Quang Bình từng chia sẻ: "Bạn có biết điều gì khiến tôi khao khát làm bộ phim này không? Đó là ký ức về phim ảnh của tôi. Ngày đó, bố mẹ tôi, những trí thức nhà nước, xếp hàng đi xem phim ở rạp Tháng Tám, Hà Nội. Họ chờ để xem những bộ phim nghiêm túc. Tôi muốn làm bộ phim cho cả đối tượng trung niên ấy. Bởi vì hơn chục năm trở lại đây, phim ảnh đánh thẳng vào đối tượng thanh niên, hoặc là tuổi teen. Và khán giả trung niên đã mất thói quen tới rạp. Đã đến lúc, chúng ta cần mở rộng đối tượng khán giả của mình. Bởi vì phim ảnh với tôi không chỉ là chuyện lời lãi, nó còn là việc xây dựng một phong cách, một thói quen văn hóa. Nghe thì có vẻ hơi cao đạo, nhưng thực tình thì tôi đang nghĩ thế".

Quả tình, bộ phim mang theo tham vọng đó. Nhiều người chờ đợi bộ phim theo hướng phim "art house" sẽ thấy thất vọng. "Tôi không mưu cầu điều gì to lớn. Làm phim thương mại thì không phải, vì đề tài này đi ngược với xu hướng ăn khách bây giờ. Cũng không nghĩ rằng mình cần phải làm ra một bộ phim nghệ thuật. Mà tôi chỉ muốn làm ra một bộ phim mà tất cả khán giả cùng có thể xem. Thực tế thì tôi hoàn toàn có thể làm bộ phim theo hướng "art house" mà các đạo diễn thế hệ tôi đang theo đuổi. Dòng này Trần Anh Hùng, Bùi Thạc Chuyên... theo đuổi và họ đã có những góc nhìn riêng. Tôi lại thích kể một câu chuyện điện ảnh khá cổ điển" - Nguyễn Phan Quang Bình chia sẻ thêm.

Anh cũng cho rằng, việc khen chê của khán giả là bình thường. Nhưng anh tin khán giả sẽ yêu mến bộ phim. Anh chỉ muốn khán giả xem phim bằng một thái độ chia sẻ, mở lòng, vì như vậy họ sẽ cảm nhận được nhiều điều hơn, cả những điều ở phía sau những khung hình.

3.Theo khảo sát của Báo Vnexpress, 80% khán giả được hỏi trả lời yêu thích bộ phim "Cánh đồng bất tận". Suất chiếu chính tối thứ sáu, ngày 29/10 tại cụm rạp trung tâm quận 1, TP HCM (Galaxy Nguyễn Du), "Cánh đồng bất tận" thực sự cháy vé, nhiều khán giả tỏ ra tiếc nuối và đành xếp hàng mua vé cho những ngày sau. Tính đến hết ngày 29/10 (sau một tuần công chiếu), doanh thu của bộ phim trên toàn quốc là 6,5 tỷ đồng. Đó là một con số kỷ lục dành cho phim nghệ thuật. Và đó cũng là một hiện tượng thú vị của thị trường chiếu bóng. Bởi, hiếm có bộ phim nào của Việt Nam lại rơi vào tình huống éo le như vậy. Bị giới phê bình mổ xẻ những điểm yếu ngay từ buổi công chiếu ra mắt, tạo nên làn sóng gây xôn xao trên mạng internet nhưng lại không hề bị ảnh hưởng tới doanh thu tại phòng vé.

Có những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của "Cánh đồng bất tận". Đó là một phim chuyển thể từ một tác phẩm văn học nổi tiếng, được đầu tư lớn và có dàn diễn viên ngôi sao như Dustin Nguyễn, Đỗ Hải Yến, Tăng Thanh Hà... Thế nhưng, điểm nhấn về diễn xuất của bộ phim là Lan Ngọc, nữ diễn viên trẻ với vai diễn chính đầu tiên. Đây được coi là một thành công của bộ phim…

Tạo được sức hút từ rạp chiếu là việc khó khăn với bất cứ bộ phim Việt Nam nào. Thế nên, dù có thể sẽ có những nhận định nghiêm khắc hơn về chất lượng nghệ thuật của bộ phim, nhưng không thể phủ nhận "Cánh đồng bất tận" đã tạo được một cơn sốt. Và nói như một khán giả, đồng thời cũng là một nhà báo, ít nhất bạn sẽ không cảm thấy tiếc tiền khi bỏ ra mua vé để xem bộ phim này...

 

                                                                                          Theo CAND

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục