"Tôi muốn lưu lại hình ảnh của một Hà Nội tảo tần, lam lũ, một Hà Nội chưa bị đô thị hóa, chưa hiện đại hóa cấp tập như bây giờ. Tôi biết, nhiều người còn vương vấn, khôn nguôi nhớ về một Hà Nội trầm lắng, ân tình, tuy xô bồ vất vả, nhưng cũng rất bao dung, hiền hòa" - Phạm Nhuệ Giang nói về bộ phim truyện nhựa "Tâm hồn mẹ" do chị làm đạo diễn.

 

Gần 9 năm sau thành công của "Thung lũng hoang vắng", chỉn chu học tiếng Anh, tiếng Pháp, dạy điện ảnh cho sinh viên yêu điện ảnh, làm phim truyền hình, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang đã quay trở lại với dự án phim truyện nhựa "Tâm hồn mẹ". Hơn 20 năm ấp ủ ý tưởng, sau lần đầu tiên "chạm trán" truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, vài năm cày cục viết kịch bản, xin kinh phí, tới giờ, Nhuệ Giang đã đủ sức để khởi quay tác phẩm mới nhất của mình, ngay tại Hà Nội vừa kịp vào tiết đông chớm lạnh.

PV: Thưa đạo diễn Nhuệ Giang, công bằng mà nói, "Tâm hồn mẹ" không phải là truyện ngắn được nhắc đến nhiều của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Vậy tại sao chị vẫn bảo lưu quyết tâm chuyển thể điện ảnh, khi mà tới giờ, không mấy ai còn nhớ tới câu chuyện này nữa?

Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang: Ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc với "Tâm hồn mẹ", đâu như từ cuối thập niên 80, thế kỷ XX, tôi đã cực kỳ ấn tượng với những điều mà nhà văn gửi gắm. Tình mẹ, tâm hồn mẹ, bản năng làm mẹ luôn thường trực trong mỗi người đàn bà, dù người đàn bà đấy mới chỉ là một bé gái còn quá ít tuổi. Câu chuyện của hai đứa bé, một trai một gái, một mồ côi mẹ, một ít nhận được sự quan tâm của mẹ mình luôn trở đi trở lại trong tôi. Hơn 20 năm qua, tôi chỉ đợi khi thuận buồm xuôi gió, là sẽ đẩy ý tưởng này lên thành kịch bản điện ảnh và bắt tay làm phim.

PV: Dù sao, trong phim của chị vẫn có người quen. Đấy là diễn viên Hồng Ánh. Xem ra, thiếu Hồng Ánh thì không thành phim của Phạm Nhuệ Giang sao?

Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang: Chọn được diễn viên ý hợp tâm đầu, hiểu cách làm việc của đạo diễn là điều vô cùng may mắn. Hồng Ánh là một diễn viên giỏi nghề, cũng là ngôi sao đúng nghĩa. Lâu nay cô ấy bận học, mải tham gia sân khấu kịch, chưa trở lại với điện ảnh. Đây cũng là cơ hội tốt để Hồng Ánh xuất hiện trên màn ảnh rộng. Hơn nữa, lần này, tôi còn mời cả Trương Minh Quốc Thái, một nam diễn viên điển trai, ăn khách của phía Nam đóng cặp với Hồng Ánh. Tuy nhiên, vai diễn của Hồng Ánh trong "Tâm hồn mẹ" cũng không chiếm vị trí quan trọng. Tôi đã dồn sự tập trung cho hai đứa trẻ, hai diễn viên nhí chưa quá 10 tuổi.

Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang và chồng, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân.

PV: Chỉ đạo diễn xuất cho thiếu nhi luôn là một thách thức cực lớn của các đạo diễn. Được biết, "Tâm hồn mẹ" lại thu âm đồng bộ. Chị có phép mầu gì để hai em bé kia vào vai thật tự nhiên, sinh động và còn đảm bảo kỹ thuật?

Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang: Bản thân câu chuyện phim đã ngấm vào các em bé, và chúng được tập để sống cùng cảm xúc của các nhân vật. Một điều này nữa, dù là trẻ con, nhưng đã làm diễn viên, bản thân các bé đều có sự mẫn cảm và khả năng bắt chước khá điêu luyện. Nói chung, với tôi, chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên thiếu nhi hay người lớn, cũng không có gì khác biệt nhau, bởi đơn giản, chúng tôi cùng làm, cùng trao đổi và cùng lắng nghe nhau.

PV: Vâng. Chị là đạo diễn có duyên với trẻ con. Ngay từ phim nhựa đầu tiên chị làm, "Bỏ trốn", đã xoay quanh thân phận đám trẻ con. Trong phim này, chồng chị, NSƯT Nguyễn Thanh Vân đảm nhiệm vai trò gì?

Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang: Anh Vân không làm phó cho tôi, cũng không phải cố vấn, mà làm giám đốc sản xuất. Phần việc đó phải bao quát hơn, chi tiết hơn, phải lo lắng đến rất nhiều khâu, tiền bạc, hậu cần, kỹ thuật, nói chung luôn bận rộn. Ở nước ngoài, hay với các nhà làm phim tư nhân, vai trò Giám đốc sản xuất là rất quan trọng.

PV: Chị đã chọn bãi giữa sông Hồng hay các khu phố cổ Hà Nội chật chội làm bối cảnh cho phim của mình. Chị muốn nhắn gửi điều gì đó sao?

Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang: Tôi muốn lưu lại hình ảnh của một Hà Nội tảo tần, lam lũ, một Hà Nội chưa bị đô thị hóa, chưa hiện đại hóa cấp tập như bây giờ. Tôi biết, nhiều người còn vương vấn, khôn nguôi nhớ về một Hà Nội trầm lắng, ân tình, tuy xô bồ vất vả, nhưng cũng rất bao dung, hiền hòa. Đấy là bối cảnh cho cô bé con thể hiện "Tâm hồn mẹ" của mình.

PV: Đến lúc nào, khán giả sẽ được thưởng thức bộ phim của chị?

Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang: Bây giờ chúng tôi đang ở công đoạn quay phim, mất chừng một tháng. Nhưng thời gian làm hậu kỳ mới lâu. Tôi hy vọng sẽ xin được tài trợ, để làm hậu kỳ ở nước ngoài, những nơi có kỹ thuật hiện đại nhất. Sớm nhất cũng phải sang năm, sau Tết "Tâm hồn mẹ" mới có thể khởi chiếu.

PV: Cảm ơn chị và chúc cho bộ phim sớm ra mắt công chúng.


                                                                                 Theo CAND

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục