Cuộc thi viết về đề tài "Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" lần này đã thu hút được một số lượng lớn các tác phẩm dự thi của nhiều cây bút trẻ, dù ít dù nhiều, họ đã làm nên không khí văn chương sôi nổi và đa diện cũng như một cách nhìn mới với một đề tài vốn được coi là dành cho những nhà văn lão làng.

 

Cuộc thi viết về đề tài "Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an, NXB Công an nhân dân phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trong 3 năm 2007-2010 đã nhận được 165 tác phẩm truyện, ký tham gia dự thi và chọn lựa được 16 tác phẩm vào chung khảo. BTC cũng đã "điểm mặt" được 2 giải nhất, 4 giải nhì, 4 giải ba và sẽ tổ chức trao giải vào cuối tháng 12/2010.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ba nhà văn trẻ: Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Đình Tú và Di Li, những người đã tham gia và đoạt giải trong cuộc thi này.

- Thưa các anh chị, một trong những đề tài xưa nay vốn được coi là địa hạt của các nhà văn lão làng là đề tài Vì An ninh Tổ quốc, cách gọi ngắn gọn là đề tài hình sự, thì nay được tận dụng và khai thác rất đa dạng dưới mọi góc nhìn của các nhà văn trẻ. Các anh chị đã tìm hiểu và gắn bó với đề tài này như thế nào?

- Nguyễn Đình Tú: Tôi vốn là người học luật và công tác ở một cơ quan bảo vệ pháp luật cho nên, tôi có những ám ảnh trong lịch vực này. Không chỉ hình ảnh của những người thực thi pháp luật như Công an, Tòa án, Viện kiểm sát và những chiến công, những hy sinh thầm lặng của họ tôi đã được chứng kiến, và thậm chí, từng là người trong cuộc, cho nên việc viết ra nó chỉ là vấn đề thời gian.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú.

- Di Li: Tôi thích những câu chuyện ly kỳ, hồi hộp, có tính logic cao của thể loại trinh thám và đúng lúc Trại Hoa Đỏ ra đời thì cuộc thi "Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" của Bộ Công an và NXB CAND phối hợp với Hội Nhà văn cũng bắt đầu thu hút bản thảo tham dự. Tác phẩm của tôi may mắn rơi vào đúng vào dịp ấy. Và nhà văn Trần Thanh Hà là biên tập viên của NXB đã khuyên tôi nên đăng ký tham dự. Trại Hoa Đỏ từ lúc còn là ý tưởng chưa có nhân vật Cảnh sát hình sự Phan Đăng Bách. Chị Hà có nói rằng tôi nên đưa thêm tuyến nhân vật này vào cho phù hợp với nội dung cuộc thi. Và hình tượng chiến sĩ Phan Đăng Bách ra đời trong tác phẩm của tôi.

- Nguyễn Xuân Thủy: Tôi dường như có duyên nợ với lực lượng Công an. Ở lĩnh vực báo chí tôi cũng cộng tác từ khá lâu với Báo An ninh thế giới. Ngoài ra khi ngành "có việc" tôi cũng hay được mời tham dự. Còn việc đến với cuộc thi tiểu thuyết và ký về đề tài "Vì bình yên cuộc sống" cũng là một sự tình cờ. Bắt đầu là khi Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn phát động cuộc thi, nhà văn Trần Thanh Hà đã có lời mời. Tôi thấy cũng có khá nhiều tác giả trẻ tham gia như Di Li, Đỗ Doãn Hoàng, Nguyễn Văn Học... Nhà văn Nguyễn Đình Tú đã rủ tôi tham gia và giục làm đề cương ngay, và thế là tôi quyết định nhập cuộc với đề tài Internet và những hệ lụy từ nó.

- Có nghĩa cuộc thi là một cú hích quan trọng để các tác phẩm dài hơi của các anh chị ra đời sau những nhu cầu tự thân của nghề viết?

- Nguyễn Đình Tú: Chính xác đó là một cú hích. Tôi là người được mời tham gia viết về các cuộc vận động sáng tác trong lực lượng Công an như tham gia viết về đề tài giao thông, ma túy, nhưng đó chỉ là những bài viết nhỏ lẻ. Cuộc thi làm một cú hích để tôi có cơ hội viết những cuốn tiểu thuyết dài hơi của mình.

- Nguyễn Xuân Thủy: Viết với tôi luôn là một nhu cầu tự thân. Còn việc nó "cộng hưởng" với một cuộc thi nào đó thì càng tốt. Các cuộc thi cũng có vai trò tích cực, chẳng hạn như nếu chưa nhận lời tham dự cuộc thi thì có thể tôi sẽ làm việc chậm hơn, ì ạch hơn, còn khi đã nhận lời thì mình sẽ tăng phần trách nhiệm, thúc đẩy mình, nhắc mình chăm chút cho tác phẩm. Cuộc thi có tác dụng kích thích, như một đích đến đặt ra ở phía trước, nhưng khi viết, không gian sáng tạo của nhà văn không vì thế mà bị ảnh hưởng.

- Di Li: Thậm chí trước đó tôi còn xa lạ với các cuộc thi. Còn nhớ vài năm trước tôi gửi hai truyện lên Tòa soạn Văn nghệ Quân đội chỉ để được in báo, không ngờ lại rơi vào cuộc thi, và tôi được một giải. Tôi vẫn nói đùa rằng mình rất có duyên với lực lượng vũ trang nhân dân (cười). Trước giờ, Công an và Quân đội là hai lĩnh vực hoàn toàn xa lạ đối với tôi.

- Viết về đề tài An ninh để vừa đáp ứng tiêu chí cuộc thi, vừa để là một tác phẩm văn chương không phải dễ. Những tác phẩm của các anh chị đã được khai thác ở khía cạnh như thế nào về tình hình tội phạm trong sự hư cấu của văn chương?

- Nguyễn Xuân Thủy: Mỗi nhân vật tiểu thuyết đều có một thân phận. Tôi quan tâm đến tính người của nhân vật, hành trình tha hoá, hành trình đến với cái ác của nhân vật, cũng đồng nghĩa với việc nhân vật trở thành tội phạm. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình đang viết một cuốn sách hình sự cả thì sẽ thành công. Tôi luôn coi yếu tố hình sự gần như là một công cụ trong quá trình sáng tạo. Việc tiếp xúc với các phạm nhân đang thụ án, trò chuyện với họ cho tôi thấy rằng, ranh giới giữa việc phạm tội hay không phạm tội là cực kỳ mong manh. Bất cứ ai đều có thể trở thành tội phạm, vì thế, việc vào tù chẳng phải là một điều gì ghê gớm. Có yếu tố may rủi mang tên số phận vượt lên mọi ranh giới của đạo đức và luật pháp.

Nhà văn Di Li.

- Di Li: Ba tuyến vụ án trong tiểu thuyết của tôi liên quan đến nhiều vụ án mạng. Tôi tập trung khai thác khá kỹ về tâm lý tội phạm và một số kỹ thuật hình sự, tất nhiên là dựa trên tính chất hư cấu của văn học. Tuy nhiên cho đến giờ tôi cũng mừng vì chưa có bất kỳ lời phê bình nào về phần kỹ thuật hình sự trong tác phẩm của tôi.

- Nguyễn Đình Tú: Đó là một thách thức lớn đối với hầu hết các nhà văn khi tham gia viết đề tài hình sự. Điều quan trọng là muốn đạt được chất lượng văn học, đòi hỏi nhà văn phải xây dựng được những nhân vật điển hình. Trong tác phẩm "Phiên bản" tôi mã hóa hình ảnh của các chiến sĩ Công an nhân dân là vầng trăng. Đó là hình ảnh tượng trưng cho cái thiện để mỗi khi đối thoại, những tên tội phạm nhận ra một phần lương tri để thức tỉnh.

- Trong ba năm cuộc thi diễn ra, các anh chị đã có kỷ niệm gì sâu sắc về lực lượng Công an trong quá trình tham gia trại viết cũng như trong quá trình hoàn thiện tác phẩm?

- Di Li: Ngoài cuộc thi này tôi còn tham dự cuộc thi do Công an TP Hà Nội tổ chức. Trong những lần đi thực tế thì có một số đồng chí Công an coi tôi là nhà văn viết về ngành. Điều này thật thú vị. Tôi đã tham gia hai trại sáng tác ở Đà Lạt (2009) và Nha Trang (2010), thực sự thấy cảm động vì nhà xuất bản rất quan tâm đến tinh thần sáng tác của người viết.

- Nguyễn Đình Tú: Trong lần đi trại viết ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) tôi đã đến ba trại giam, đặc biệt là có một phân khu dành cho các nữ phạm nhân, sau này, trong "Phiên bản" của tôi có hình tượng của những nữ tù nhân này. Tôi cho rằng, các trại viết cực kỳ quan trọng bởi thông qua các đợt đi thực tế, các nhà văn sẽ tìm hiểu được một cách tường tận cách điều tra, phá án, đánh án của các chiến sĩ Công an, bởi vậy, những trang viết của mình sẽ sâu sắc hơn.

- Nguyễn Xuân Thủy: Có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất là tôi đã được cùng với các nhà văn khác đi thực tế tại một số trại giam của Bộ Công an khi dự trại sáng tác tại Sầm Sơn. Tôi thực sự bị ám ảnh khi tiếp xúc với tội phạm vị thành niên trong những vụ án có liên quan đến Internet. Nhiều em coi việc giết người nhẹ như lông hồng với những lý do vô cùng lãng xẹt. Dù phạm tội giết người nhưng khi bị bắt ngồi trong trại giam rồi các em vẫn không một chút băn khoăn tự vấn. Đau lòng hơn, nạn nhân bị giết trong một số trường hợp lại chính là người thân, ông bà, bố mẹ của bị cáo. Sự vô cảm trước cái ác đã ở mức báo động. Chính từ sau cánh cửa nhà tù, tôi đã cảm nhận được sức mạnh của Internet, của game bạo lực đã làm biến dạng con người ghê gớm như thế nào. Cảm nhận đó đã hỗ trợ tôi trong việc xây dựng hình tượng nhân vật chính trong "Sát thủ online".

- Trân trọng cảm ơn các anh chị!

 

                                                                                     Theo CAND

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục