Việc người dân làng Kim Văn (Hà Nội) cho rằng bộ phim Huyền sử thiên đô đã “làm sai lệch lịch sử” qua việc xây dựng nhân vật Công chúa Cúc Phương - một vị thần được thờ phụng ở làng - đã tiếp tục xới lên vấn đề luôn được người làm phim sử quan tâm: có thể hư cấu đến mức nào để tránh bị phản ứng - điều thường gặp khi một phim sử Việt ra mắt.

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn: “Hư cấu thế nào là tùy góc độ quan điểm”

Báo Văn Hóa ngày 6.7 đăng sự việc người dân làng Kim Văn (phường Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) không đồng tình với những hư cấu về công chúa trong phim Huyền sử thiên đô. Theo lịch sử, sau khi Long Việt bị sát hại, Công chúa Cúc Phương vẫn ôm xác Long Việt khóc và nhiếc mắng Long Đĩnh. Tức tối vì bị sỉ nhục, Long Đĩnh sát hại luôn công chúa… Vậy nên, họ cho rằng không thể có chuyện như phim Huyền sử thiên đô làm: Công chúa Lê Cúc Phương cùng với Đào Cam Mộc, Lý Công Uẩn cưỡi ngựa từ Hoa Lư ra Thăng Long (vào ngày tháng năm nào, tại sao lúc bấy giờ lại có chuyện một nàng công chúa, thường là bị cấm cung, cưỡi ngựa cùng 2 người đàn ông suốt bao chặng đường…). Và họ thắc mắc không biết nhà làm phim xây dựng nhân vật này đã dựa vào tư liệu nào?

 
Cô Cầm trong phim Long Thành cầm giả ca - đạo diễn Đào Bá Sơn, một nhân vật có nhiều tình tiết hư cấu - Ảnh: Hãng phim Giải Phóng

Về thắc mắc này, nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết: “Ngay cả những gì người dân làng Kim Văn biết được về Công chúa Lê Cúc Phương, ngoài thông tin ít ỏi như sử đã viết (không ghi ngày mất), cũng chỉ là những sự tích, sự tích này có thể xem như một huyền sử. Vì sự tích thì không thể gọi là chính sử. Phim của chúng tôi cũng là huyền sử, truyền đạt tinh thần của huyền sử”.

“Khi xem phim lịch sử trong nước, đa số từ nhà làm phim đến khán giả và cả giới phê bình đều quan tâm đến sự kiện, trang phục, binh khí, đạo cụ, bối cảnh quay... có “đúng lịch sử” không, mà ít ai bàn đến nội dung phim, trong khi vấn đề quan trọng nhất vẫn là nội dung câu chuyện. Không chỉ đề tài về lịch sử mà tất cả những đề tài khác đều phải có câu chuyện thật hay, thật hấp dẫn” - Nguyễn Quốc Hưng - đạo diễn phim Ngọn nến hoàng cung

Theo Nguyễn Mạnh Tuấn, ông hư cấu dựa trên nguyên tắc: thứ nhất, đừng “đụng chạm” những nhân vật mà hậu duệ của họ vẫn còn; thứ hai, chính sử nói chính xác rồi thì mình không được hư cấu. Còn ở góc độ quan điểm, thì không có giới hạn trong hư cấu. “Ví như, nhân vật Tào Tháo, có người gọi anh hùng, có người cho là gian hùng; hay Võ Tắc Thiên, trong lịch sử nếu nhìn nhận dưới góc độ phong kiến thì là người có tội, nhưng ở góc độ hiện đại thì là người có công… Tùy quan điểm”. Như vậy, với nhân vật Lê Cúc Phương, khi người ta trình bày vấn đề thuộc về quan điểm, phải nhìn vấn đề có tính chất quan điểm chứ không thể dựa vào biên niên sử để nhận xét. Ông nói: “Tất nhiên, người xem có lý của họ, và với chúng tôi, đó là phản ứng dễ thương. Còn người viết, người trong nghề thì sẽ hiểu và thấy vấn đề này là chuyện bình thường”.

Nhà văn Nguyễn Quang Thân: “Thật khó nói giới hạn của hư cấu”

“Người viết, người làm phim hào hứng bỏ công sức ra vì giành được quyền sáng tạo, nhu cầu muôn thuở và không gì so sánh được của mỗi nghệ sĩ. Người đọc hay khán giả xem tiểu thuyết hay phim vì muốn được cảm nhận cái độc đáo của nghệ sĩ. Nếu không có gì mới, không đưa lại cảm hứng bất ngờ nào so với những gì khô khan trong sách giáo khoa thì người ta sẽ bỏ ra khỏi rạp hay gấp sách lại.

Thật khó nói cái giới hạn của hư cấu. Chỉ nên giới hạn ở điều luật xuất bản sách hay phim là đủ. Điều nên được khích lệ là nhờ có tác phẩm sáng tạo mà lịch sử, nhất là những bài học lịch sử được sống lại, được bàn bạc và đó là cách tốt nhất để phát triển tới tương lai từ bài học quá khứ.

Không được nhìn nhận một cách mới mẻ là nỗi bất hạnh của lịch sử. Còn gì buồn hơn nếu công chúng không bàn luận về sử ta mà chỉ trầm trồ sử Tàu, sử Hàn?

 
Công chúa Lê Cúc Phương (ngồi) - trong phim Huyền sử thiên đô - Ảnh: W.S

Đạo diễn Đào Bá Sơn: “Phim lịch sử phải tôn trọng lịch sử”

Một phim lịch sử hay chắc chắn phải hội đủ 3 điều kiện: thứ nhất là khả năng, tài năng của người làm phim; thứ hai là sự hiểu biết, tri thức; thứ ba là sự tôn trọng lịch sử của chính những người làm phim và phải có tâm trong góc độ nhìn nhận lịch sử. Tôi cũng cho rằng: trong một bộ phim lịch sử không thể có sự hư cấu quá mức, bắt buộc phải tôn trọng chi tiết, sự kiện lịch sử. Trên cơ sở đó, người làm phim chỉ được quyền có sự hư cấu nhất định, nhưng phải nằm trong khuôn khổ để không tạo ra sự phi lý khiến người xem cảm thấy không chấp nhận được.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: “Phải xác định thể loại trước đã”

Vừa qua, Hội Điện ảnh VN có tổ chức lớp học ngắn ngày về làm phim lịch sử cổ trang do các chuyên gia Trung Quốc (đạo diễn, quay phim, nhà sản xuất) sang giảng. Họ đã nói rất rõ (và bản thân tôi cũng thấy chí lý) rằng: biên độ để được phép hư cấu như thế nào và bao nhiêu là đủ trong một phim lịch sử trước hết phụ thuộc vào sự xác định về thể loại ngay từ đầu của nhà sản xuất và nhóm tác giả bộ phim.

Có 3 thể loại sau: 1- Chính sử (70% sự thật lịch sử, 30% hư cấu). Thể loại này phải phản ánh hoàn toàn trung thực như lịch sử, nhân vật lịch sử như nó vốn thế. Không được bóp méo và xuyên tạc. Đương nhiên nói vậy không có nghĩa bị buộc phải làm đúng theo lịch sử mà vẫn được phép và phải sáng tạo, nếu không phim sẽ xơ cứng. 2- Nửa lịch sử, nửa hư cấu (nửa thật nửa giả). Dựa vào sự thật, nhân vật lịch sử hoặc sự kiện lịch sử khoảng 50% nhưng cạnh đó được quyền hư cấu 50%. 3- Hư cấu. Sự thật lịch sử, nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử chỉ khoảng 30%, còn lại 70% là hư cấu. Thể loại này dùng cho dã sử và những giai thoại lịch sử…

Các chuyên gia cho biết đa phần các đạo diễn Trung Quốc thích làm thể loại thứ ba này hơn. Sự tự do phóng túng trong sáng tạo được thỏa sức bay bổng hơn. Ví dụ như chùm phim của Trương Nghệ Mưu: Anh hùng, Hoàng Kim Giáp… làm theo thể loại này. Dù sao thì đây cũng chỉ “khoanh vùng” có tính tương đối nhưng là những khái niệm cơ bản để người làm phim lịch sử “định vị” được chút nào đó khi thực hiện một dự án phim.

 

                                                                Theo Báo Thanhnien

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục