Công chúng Hà Nội đang nô nức xem triển lãm Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Lịch sử là một dòng chảy không ngừng. Quy hoạch này để lại dấu ấn gì cho mai sau, sao cho xứng danh một thành phố ngàn năm văn hiến?

 

Tầm nhìn của người xưa

 

Hơn 1000 năm trước, Đức Vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Quyết định này đã mở ra một trang sử mới trong lịch sử Đại Việt. Định đô ở chính trung tâm đồng bằng Bắc Bộ đã tạo đà cho sự phát triển rực rỡ của văn minh Đại Việt. Sau khi kinh đô được chuyển tới Thăng Long, tứ trấn của Thăng Long dần được hình thành. Tứ trấn Thăng Long gồm: Trấn Đông - Đền Bạch Mã, trấn Tây - đền Voi Phục, trấn Nam - đền Kim Liên, trấn Bắc - đền Trấn Vũ. Đó có thể coi là 'quy hoạch' đầu tiên của thủ đô, giới hạn không gian văn hoá của Thăng Long.

Từ bốn 'cột mốc' này, các trấn ven Thăng Long hình thành và phát triển. Xứ Đông là đất Hải Dương, Hải Phòng ngày nay, địa danh nhiều lần thay đổi nhưng được biết đến nhiều nhất với danh xưng đất Hải Đông. Xứ Nam có vùng đất căn bản là Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, quen gọi là trấn Sơn Nam. Xứ Đoài, xứ Bắc, có lẽ không cần phải bàn nhiều vì những danh xưng này đã quá nổi tiếng. Tứ trấn là bốn vùng đất bao bọc lấy kinh thành. Theo ngôn ngữ đương đại, thì cách đây ngàn năm, đã có sự quy hoạch về 'vùng thủ đô', khi có sự phân biệt rạch ròi giữa bốn xứ này, với các xứ khác của đất nước. Điển hình của việc phân định này là dưới triều Trần, trong các khoa thi, có phân biệt giữa 'kinh Trạng nguyên' và 'trại Trạng nguyên'. Việc 'quy hoạch' này, trải ngàn năm sau, vẫn giữ nguyên giá trị. Bốn vùng đất đó, không được chia tách một cách ngẫu nhiên mà dựa trên căn cứ vào nhiều yếu tố văn hoá - kinh tế xã hội. Tứ trấn chính là bốn tiểu vùng văn hoá tồn tại mãi đến sau này.

Ngay trong thời phong kiến, các khu vực của kinh thành Thăng Long được phân định những chức năng khác nhau. Khu phố cổ, tập trung các nghề thủ công. Khu làng trại (các phường Ngọc Hà, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Nhật Tân...) trồng rau, hoa, các loại nông sản phục vụ cho nhu cầu đô thị. Các làng ven kinh đô cũng hình thành các nghề, thường đem bán phục vụ nhu cầu thị dân vào dịp chợ phiên.

Sau một thời gian mất vị trí kinh đô, Hà Nội lại trở thành thủ phủ của Đông Dương khi Việt Nam chịu sự quản lý của người Pháp. Cho đến giờ, quy hoạch của người Pháp và việc thực thi quy hoạch đó vẫn được giới kiến trúc sư trong và ngoài nước đánh giá cao. Khu vực phố cổ vẫn tiếp tục được bảo tồn. Không gian của thành phố được mở rộng với hai khu vực mới, đó là khu vực Ba Đình ngày nay, và khu vực phía Nam khu phố cổ. Từ một thành phố với hai khu vực chính là Hoàng thành và phố cổ, Hà Nội được mở rộng, trở thành một đô thị hiện đại. Dấu ấn rõ nét nhất của Hà Nội 'mới', là sự hài hoà giữa các toà nhà, với thiên nhiên.

Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm đánh giá rằng, người Pháp đã khai thác tối đa cây xanh - mặt nước, tạo dấn ấn riêng cho Hà Nội, không giống bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Giữa những toà nhà lớn, luôn có những khoảng không gian cây xanh hay mặt nước tạo nên một nhịp điệu xanh. Người Pháp luôn tận dụng khoảng không để tạo ra những vườn hoa. Ngay cả những không gian không lớn, kẹt giữa các con phố, vẫn có những vườn hoa như vườn hoa Cửa Nam, vườn hoa Diên Hồng (Con Cóc)...

Người Pháp đã rời Hà Nội gần sáu thập kỷ. Cho dù đó là thời kỳ chúng ta là thuộc địa, thời kỳ chịu ách đô hộ, nhưng dấu ấn kiến trúc, quy hoạch đô thị của người Pháp đối với thành phố là không thể phủ nhận, là những di sản có tính trường tồn.

 

Chúng ta sẽ để lại gì cho mai sau?

 

Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua. Người ta có thể đặt nhiều hy vọng khi định hướng Hà Nội trong tương lai sẽ là một đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại. Nhưng nhìn chung, có thể nhận thấy, điểm chủ yếu của Quy hoạch vẫn là 'chữa cháy' cho những vấn đề đang tồn tại bức xúc, trong đó, điển hình là ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường...

Theo quy hoạch, quy mô dân số Hà Nội đến năm 2015 đạt 7,2-7,3 triệu người. Năm 2020 khoảng 7,9-8 triệu người và năm 2030 khoảng 9,2 triệu người. Thực tế, theo kết quả tổng kiểm tra định kỳ hộ khẩu năm 2010 của Công an Thành phố Hà Nội, tính đến ngày 30-10-2010, toàn thành phố có 1.702.552 hộ, 6.913.161 nhân khẩu (trong đó, nhân khẩu cư trú tại nơi đăng ký thường trú (KT1) là 5.915.796 nhân khẩu). So với thời điểm tháng 10-2009, dân số ở 29 quận, huyện, thị xã tăng 78.625 hộ (4,8%) và 175.596 nhân khẩu (2,6%).

Nếu giữ vững tốc độ này, mỗi năm, trung bình dân số Hà Nội tăng tương đương với việc có thêm hẳn... một huyện. Việc Hà Nội tiếp tục là nơi thu hút các luồng dân cư khiến tốc độ gia tăng cơ giới luôn ở mức chóng mặt sẽ tiếp tục gây áp lực lên cơ sở hạ tầng. Rất có thể tốc độ gia tăng dân số sẽ nhanh chóng biến quy hoạch trở nên lạc hậu.

Để giảm tải, Hà Nội sẽ phát triển khu đô thị vệ tinh. Song, liệu đô thị vệ tinh có đủ sức hút để giảm tải dân số cho trung tâm hay không cũng là câu hỏi lớn. Bên cạnh đó, các đô thị này hiện phần lớn nằm ở khu vực ngoại thành. Việc phát triển các khu đô thị, thu hút dân cư, khiến nhiều chuyên gia lo ngại sẽ phá vỡ quy hoạch nông nghiệp của thành phố. Bởi đã thành tiền lệ, ở đâu có đô thị, ở đó có sốt đất. Cơn sốt bán đất ruộng ngoại thành từng bùng phát và chưa thể khẳng định nó không tái phát.

Có thể coi vành đai xanh là điểm nhấn lớn nhất trong quy hoạch thủ đô. Nhưng đã có nhiều câu hỏi đặt ra ngay khi Quy hoạch được trưng bày. Đến năm 2030, đất xây dựng đô thị chiếm hơn 28% diện tích tự nhiên, 70% diện tích đất tự nhiên còn lại của thành phố được dành cho không gian xanh. Nhưng từ ý tưởng đến thực tế lại là một khoảng cách.

Tại đồ án Quy hoạch chung Thủ đô đang được trưng bày công khai tại Cung quy hoạch Kiến trúc, chúng ta biết, toàn bộ vành đai xanh mong muốn thực hiện như trong Đồ án Quy hoạch rõ ràng đang có những điểm dân cư đan xen. Đó là các làng thuộc huyện Đan Phượng, Thạch Thất, Chương Mỹ…Tuy nhiên, liệu chúng ta đã tính hết việc cư dân ở đây sẽ tiếp tục phát triển, các công trình sẽ tiếp tục được xây dựng để đáp ứng nhu cầu dân sinh. Như thế, cùng với thời gian, tương lai của vành đai xanh, rất có thể sẽ là những... điểm dân cư chi chít.

Nếu hỏi bất kỳ người dân thủ đô chờ đợi gì ở sự phát triển của thành phố, ta sẽ có câu trả lời khá thống nhất. Không phải là tốc độ tăng trưởng, không phải là những con số thống kê... Đó là ra đường không bị tắc, đó là được hít thở không khí trong lành, đó là vỉa hè không bị lấn chiếm, xả rác, đó là các di tích lịch sử văn hoá không bị phá hoại, lấn chiếm, đó là được hưởng thụ các giá trị văn hoá, các dịch vụ... chất lượng cao. Nói một cách hoa mỹ, đó là chất lượng cuộc sống được nâng cao, người dân chờ đợi một thành phố có tính nhân văn.

Lịch sử đến năm 2050 không dừng lại, mà vẫn sẽ tiếp tục. Diện mạo thành phố ra sao phụ thuộc vào chúng ta hôm nay. Nó bắt đầu từ việc giải toả tắc đường, giải toả lấn chiếm vỉa hè…

Chúng ta được thừa hưởng một Hà Nội văn hiến từ các triều đại phong kiến, một đô thị Hà Nội văn minh, với kiến trúc, quy hoạch hài hoà với tự nhiên của người Pháp. Nhưng từ bản quy hoạch soi lại lịch sử của thành phố, chúng ta không thể không đặt ra câu hỏi, chúng ta sẽ để lại dấu ấn gì cho mai sau?

 

                                                                       Theo Báo Nhandan

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục