Giã từ sắc đỏ của phượng vĩ, giã từ tiếng ve gọi hè với nắng vàng biển xanh. Một năm học mới bắt đầu và một lần nữa mọi người lại bắt đầu rạo rực đón Tết Trung thu.

Tết Trung thu đã về trên vùng đảo nhỏ với những tiếng cười rộn rã, giòn tan của lũ trẻ. Trước ngày rằm nửa tháng, tất cả đều chộn rộn, nô nức dán những chiếc đèn lồng với nhiều loại giấy màu xanh đỏ của tuổi học trò. Tháng 8 mùa thu với sắc cốm vàng rực, với cái nắng dịu nhẹ và từng ngọn gió thoảng đưa. Vui nhất là đón Tết Trung thu, được tha hồ chơi, tha hồ ăn bánh kẹo và chìm trong những điệu múa lượn vòng của các đội lân. Niềm vui đó, nét đẹp đó chắc chắn đều được cất giữ trong trang nhật ký của mỗi người thuở ấu thơ.

Tết Trung thu của chúng tôi ngày trước tuy nghèo nhưng vui lắm. Mỗi đứa chỉ được một gói bánh nhỏ và mỗi cây đèn Trung thu tự chế. Cứ đến gần ngày rằm là làng trên xóm dưới gọi nhau đến cây đa đầu làng sinh hoạt và nhận bánh.

Tết về qua từng ánh mắt trong veo của tuổi thơ. Tết Trung thu hôm nay thì quá hiện đại với những món đồ chơi vui mắt, với những chiếc đèn lồng rực rỡ. Dù là con nhà nghèo cũng được bố mẹ mua cho một chiếc đèn lồng thật đẹp để khoe với chúng bạn.

 Đêm trung thu.

Tết Trung thu đến với mọi nhà, mọi người. Từ những đứa trẻ được chăm sóc chu đáo cho đến những đứa trẻ mồ côi, lang thang cũng được những món quà, gói bánh từ những vòng tay nhân ái, điều đó như truyền thêm sức mạnh về niềm vui sống cho chúng. Và đó cũng là một trong những cử chỉ về tình đời, tình người để cảm hóa được những số phận bất hạnh trong cuộc đời.

Là một xã nghèo của huyện đảo Lý Sơn - tỉnh Quảng Ngãi, ở đây, điều kiện sống còn khó khăn hơn so với đất liền. Nhưng cứ mùa Trung thu đến, trẻ em vẫn được yêu thương, sinh hoạt vui vẻ với thầy cô, bạn bè. Tuy không được bố mẹ chở đi dạo phố, không được ngắm nhìn xe cộ nườm nượp qua lại, nhưng các em vẫn được trọn niềm vui trong dịp Trung thu này theo kiểu… đón Trung thu của trẻ nghèo vùng đảo. Những chiếc vỏ ốc biển đủ hình dáng và màu sắc được chúng phơi khô từ trước và ngày Trung thu, chúng sẽ cho những cây đèn sáp vào, thế là có những chiếc đèn lồng bằng ốc biển tuyệt đẹp và đầy sáng tạo, cứ lấp lánh trên bờ biển quê hương. Và cứ thế, niềm vui đến với mỗi gia đình trên đảo.

Trăng lên. Trẻ em cùng nắm tay nhau vui múa bên chiếc cầu tàu quen thuộc của đảo. Trẻ em và người lớn đều có cách đón Trung thu khác nhau. Ánh trăng tròn tỏa sáng cả một vùng đảo. Những đứa đi làm nơi xa về vào dịp Trung thu, chúng mang những hộp bánh xen lẫn những lời chúc từ đất liền lên đảo. Mang ra cầu tàu, người có chia cho kẻ không, thế là từng miếng bánh thơm thảo đậm tình người được nhấm nháp trong niềm vui đón Trung thu. Vài ba con vịt được chặt nhỏ gói kỹ trong lá chuối cũng được dọn ra, người người đều chung tay, chung đũa, để thưởng thức cái ngon của hương làng cùng với vẻ đẹp của chị Hằng.

Mùa Trung thu năm nay, tôi ở lại trên đảo. Thay vì đón niềm vui trong khung cửa hẹp của gia đình và sự tẻ nhạt của đô thị, tôi tìm đến cái dư vị lắng đọng, sự ấm áp vui tươi của vùng quê nghèo trên đảo. Trung thu năm nay với tôi thật ý nghĩa. Tôi sẽ không thể quên được hình ảnh của những đứa trẻ nhỏ trên đảo quấn quýt bên tôi như một bầy chim non. Và tôi cũng không quên được hương vị của những con vịt đảo thơm lừng bên chén muối tiêu…

Đêm buông xuống. Sóng biển rì rào vỗ vào bờ. Ánh trăng chiếu xuống bàng bạc trên những con sóng nhấp nhô. Và bài hát của lũ trẻ hòa cùng với nhịp sóng biển như muốn tô đẹp thêm cho bức tranh Trung thu trên đảo: “Đêm Trung thu em rước đèn đi chơi…”.

 

                                                                          Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh huyện Cao Phong năm 2024

Ngày 11/4, UBND huyện Cao Phong tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh năm 2024. Tham gia liên hoan có 10 đoàn với trên 300 diễn viên là dân quân, thanh niên, học sinh các xã, thị trấn trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục