Quang cảnh lễ hội.

Quang cảnh lễ hội.

Ngày 18/9, Lễ hội Việt Nam 2011 ở Nhật Bản đã bế mạc trong không khí sôi động và để lại ấn tượng lớn trong lòng bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.

 

Bà Aumaporn Futrakul, Phu nhân Đại sứ Thái Lan tại Nhật Bản, nói: “Lễ hội này đã được tổ chức rất tốt. Đây là cơ hội tốt để tôi hiểu hơn về văn hóa và nghệ thuật ẩm thực của Việt Nam. Chúng tôi rất thích các chương trình nghệ thuật hôm nay và nhất là màn trình diễn áo dài Việt Nam”.

Trong khuôn khổ lễ hội, đoàn nghệ thuật của Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam và nghệ sỹ đàn T’rưng Kumiko của Nhật Bản đã giới thiệu với người dân “xứ sở hoa anh đào” các điệu múa và âm nhạc truyền thống của Việt Nam. Các ca sỹ chuyên nghiệp của hai nước như Hồ Quỳnh Hương, Hiền Thục, Noo Phước Thịnh và các ban nhạc Nhật Bản như Gypsy Queen và Unica đã cống hiến hết mình và đem lại bầu không khí náo nhiệt cho lễ hội.

Không khí lễ hội trở nên tưng bừng hơn với các trò chơi như nhảy sạp của Việt Nam và trò chơi Tachidonburi của Nhật Bản. Trong khi đó, màn trình diễn áo dài của nhà thiết kế Võ Việt Chung cũng đem lại ấn tượng khó quên đối với những khách thăm quan. Đây là trang phục dân tộc truyền thống của Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè Nhật Bản.

Không chỉ những người nước ngoài, lễ hội này là kỷ niệm đẹp đối với những người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật Bản. Chị Triệu Bảo Hoa, cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ đang học tiếng Nhật ở thủ đô Tokyo, nói: “Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự lễ hội văn hóa của Việt Nam tại Nhật Bản. Đây là cơ hội tốt để chúng ta quảng bá văn hóa và nghệ thuật ẩm thực của chúng ta ở đất nước mặt trời mọc. Hôm nay, tôi rất tự hào vì được mang trên mình chiếc áo dài Việt Nam. Tôi rất vui được sống trong không khí lễ hội của Việt Nam. Tôi có cảm giác đây là ở Việt Nam chứ không phải ở Nhật Bản”.

Là một trong những nghệ sỹ Nhật Bản đã từng phục vụ tại các lễ hội trước đây, nhạc sĩ Aki của ban nhạc Gypsy Queen tâm sự: “Tại lễ hội này, chúng tôi đã trình diễn cùng với các ca sĩ và đoàn nghệ thuật nổi tiếng của Việt Nam. Nhật Bản vừa trải qua đợt thảm họa động đất-sóng thần lịch sử. Do vậy, chúng tôi muốn cùng với các nghệ sĩ Việt Nam mang lời ca tiếng hát để xoa dịu nỗi đau của những người dân vùng bị thảm họa, đồng thời kết nối tình cảm giữa hai dân tộc.

Nguyên Thượng nghị sỹ Matsuda Iowa, đồng Trưởng ban Tổ chức Lễ hội phía Nhật Bản, nói: “Sau trận động đất và sóng thần và sự cố hạt nhân, chúng tôi đã nhận được sự khích lệ và hỗ trợ chân tình của chính phủ và nhân dân Việt Nam. Tôi thực sự cảm ơn tình cảm quý báu đó. Tôi cảm nhận rõ Việt Nam và Nhật Bản đã cùng chia sẻ những suy nghĩ, tình cảm chân thành với nhau. Do đó, chủ đề của lễ hội năm nay nói về mối liên kết tình cảm giữa nhân dân hai nước”.

Ông Iowa nói: “Tôi rất vui mừng nhận thấy cho đến nay, nhân dân hai nước chúng ta đã cùng tìm hiểu, giúp đỡ lẫn nhau, cùng chia sẻ vui buồn với nhau đến mức thân thiết như vậy. Cùng với sự vui mừng đó, chủ đề của lễ hội năm nay nhằm hướng tới tương lai. Tôi tin tưởng rằng qua lễ hội này, nhân dân hai nước sẽ hiểu nhau hơn và mối quan hệ giữa nhân dân hai nước sẽ phát triển bền chặt hơn”.

Đánh giá về lễ hội này, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình, đồng Trưởng ban Tổ chức Lễ hội phía Việt Nam, nói: “Chúng ta có thể thấy rằng lễ hội lần này đã thành công tốt đẹp khi chứng kiến bầu không khí náo nhiệt và sự tham gia đông đảo của các bạn bè Nhật Bản và cộng đồng người Việt Nam ở đây. Theo tôi, sự thành công lần này nhờ sự chuẩn bị chu đáo kết hợp với sự hỗ trợ từ trong nước bằng việc cử sang các đoàn nghệ thuật và nghệ sĩ, sự hợp tác của một số tỉnh thành và các đơn vị có liên quan. Sự chuẩn bị chu đáo đã tạo ra bầu không khí náo nhiệt cho lễ hội và giúp nhiều người Nhật quan tâm và tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa và ẩm thực của Việt Nam”.

Các nghệ sỹ của hai nước đã đóng góp vào thành công của Lễ hội Việt Nam 2011 tại Nhật Bản. Ca sĩ Shinon của ban nhạc Gypsy Queen của Nhật Bản nói: “Tôi đã sang Việt Nam 11 lần. Ấn tượng về Việt Nam của tôi là người Việt Nam rất thân thiện, chăm chỉ và đặc biệt là rất hiếu khách. Chúng tôi mong muốn lời ca tiếng hát của các bạn Việt Nam và của chúng tôi sẽ hòa quyện vào nhau tại lễ hội này để thúc đẩy hơn nữa tình cảm hữu nghị và quan hệ hợp tác giữa hai nước và là chiếc cầu nối giữa các bạn trẻ của hai dân tộc”.

Là một nghệ sỹ Việt Nam tham gia chương trình này, nghệ sỹ ưu tú Hồng Kỳ của Nhà hát Tuổi trẻ tâm sự: “Ngay từ khi xuống sân bay tôi đã cảm thấy tình cảm tốt đẹp của người dân Nhật Bản dành cho các nghệ sĩ Việt Nam. Tôi nhận thấy môi trường ở Nhật Bản rất sạch đẹp, người dân chấp hành luật lệ giao thông rất nghiêm túc. Cảm nghĩ đầu tiên của tôi về Nhật Bản là người dân rất thân tình và có tính kỷ luật cao”.

Cùng ngày, Đại sứ Nguyễn Phú Bình đã đến thăm quan các gian hàng của một số địa phương bị tàn phá nặng nề bởi thảm họa vừa qua như các tỉnh Fukushima, Miyagi và Iwate. Bên cạnh đó, Đại sứ cũng tặng quà lưu niệm cho thành phố Asahi – nơi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm vào đầu tháng 6/2011. Thay mặt thành phố Asahi, Thị trưởng Tadanao Akechi bày tỏ sự cảm ơn sự giúp đỡ và tình cảm tốt đẹp của chính phủ và nhân dân Việt Nam giành cho người dân thành phố.

Trong hai ngày diễn ra lễ hội, các quán ăn Việt Nam ở thủ đô Tokyo và các tỉnh phụ cận trong vùng Kanto đã giới thiệu cho khách tham quan về các đặc sản của đất nước như phở và gỏi cuốn. Nhiều nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm ở lễ hội này. Trong khuôn khổ lễ hội, Ban Tổ chức đã phát động chiến dịch bình chọn vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên của thế giới.

Xem chùm ảnh về buổi bế mạc lễ hội,
ở đây./.

 

                                                             Theo TTXVN

Các tin khác


Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Thành phố Hòa Bình: Tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho ĐV-TN

Ngày 21/3, Trung tâm Chính trị thành phố Hòa Bình phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và Thành Đoàn Hòa Bình tổ chức tọa đàm "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh viên” (ĐVTN) trên địa bàn thành phố. Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy Hòa Bình, cấp ủy, chính quyền và đông đảo ĐVTN trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục