(HBĐT) - Dân tộc Tày ở huyện Đà Bắc có những quy định rất chặt chẽ trong các nghi thức tâm linh cũng như các mối quan hệ trong việc quản lý dòng tộc và xã hội. ở bất cứ chế độ nào, luật tục đó cũng không hề thay đổi. Trong phạm vi bài viết này, chỉ xin đề cập đến luật tục về bảo vệ và phát triển rừng.

 

Theo các tài liệu cổ viết bằng chữ Tày, rừng được chia thành nhiều loại:

Loại thứ nhất là rừng đầu nguồn (tiếng Tày gọi là động ngước): Là nơi trú ngụ của thần rồng. Theo quan niệm của người xưa, đây là vị thần có nhiệm vụ cho nước sản suất và sinh hoạt, chính vì vậy, rừng đầu nguồn rất linh thiêng và được bảo vệ nghiêm ngặt. Hàng năm, vào mùa khô hạn (thường là tháng 2 âm lịch), những dòng họ lớn được quản lý rừng đầu nguồn phải làm lễ cúng ở cạnh mó nước bằng đôi vịt, con lợn hoặc đôi gà để cầu xin “thần ngước” làm nước sớm cho bà con cày ruộng (“Xọ nắm phận lông hày na cá, xọ nắm phá lông hày na mua”, nghĩa là xin nước mưa với Thần xuống làm mạ, xin nước trời cho bà con làm mùa kịp thời vụ). Ngoài ra, việc khai thác gỗ ở những khu rừng này được nghiêm cấm hoàn toàn vì nếu đổ cây sẽ làm thần tức giận, ảnh hưởng đến việc cung cấp nước thường xuyên. Đặc biệt là những cây sanh, cây si hàng ngàn năm tuổi có hình thù cổ quái được coi là “nhà” của thần (“Cọ hay mương phá, cọ bá mương bộn, máy pện khộn, côn pện nuột, phít lốt bàu pện hắm”, nghĩa là cây đa ở mường trời, cây si là của thượng đế ban cho, có râu như cụ già, cấm chặt phá).

 

Loại thứ hai là rừng thiêng (tiếng Tày là động nài): Tương truyền là những nơi xưa kia hổ, báo thường đem người, trâu, bò và các loại gia súc khác đến đó để ăn thịt và để lại những bộ phận không thể sử dụng được. Những cây mọc lên trên khu rừng này hầu hết thuộc nhóm 3, nhóm 4 như: trò chỉ, nghiến nghệ, đinh, lim, ...  thường rất đẹp, thẳng tắp. Tuy nhiên, phía dưới tán cây, thực bì lại mỏng và đi lại dễ dàng tạo nên một không gian lạnh lẽo, ghê rợn. Tại một số nơi trong huyện Đà Bắc, động nài lại ở ven suối sâu có các hang động và thác nước, là nơi trú ngụ của thú dữ (như xóm Tằm, xã Trung Thành) nên càng tạo thêm vẻ linh thiêng, huyền bí. Gỗ ở đây không ai dám khai thác, kể cả chặt cây to khoét làm quan tài vì họ cho rằng oan hồn những người chết không toàn thây hiện hình thành các chủng loại gỗ quý. Chúng tôi được may mắn tham quan một khu rừng thiêng của người Thái Đen ở Mường Lò (Yên Bái) thuộc loại rừng thiêng quốc gia được bảo vệ theo luật tục người Thái rất có hiệu quả.

 

Loại rừng thứ ba gọi là “lầu lẻ”: Thực ra là nơi canh tác nương rẫy trước kia của đồng bào Tày nhưng từ ngày phá hoang làm ruộng nước (cách nay chừng 5 thế kỷ), rừng đang tái sinh và có xu hướng trở về thời hoang sơ. Tuy nhiên, do việc giao đất, giao rừng của Nhà nước thực hiện chưa chặt chẽ nên thường xảy ra tranh chấp và bị khai thác bừa bãi nhiều lần trong nhiều năm nên việc khôi phục lại rất khó khăn.

 

Loại thứ tư là “thắm nụ, thắm họn”: Là khu rừng có các động vật quý hiếm như don, nhím, dơi, chuột hang, rùa vàng... Những cánh rừng này thường có nhiều núi đá và hang động kỳ vĩ (như hang Nghịt, Thằm Luông, hang Chiêu Vĩ thuộc xã Đoàn Kết). Rừng có nhiều cây si, cây sanh và một số loài cây mọc chênh vênh trên vách đá có lẽ đến vài nghìn năm tuổi, thiên hình vạn dạng. Luật cũ quy định: Khi đi săn bắt tuyệt đối không phát quang, không chặt những cây có quả và loại cỏ mà thú dùng làm thức ăn vì làm như vậy chúng sẽ chạy đi chỗ khác hoặc tìm đến ăn lúa, hoa màu của người, không được phá bỏ những cây sống trên vách đá  vì chúng là những vị thuốc quý cho người và động vật rừng, là cây vườn có chủ. (“Cháu dù huối hóng chóng nói, động luộng thắm...”, ý muốn nói tới thần rừng, thần núi trong các hang đá).

 

Loại thứ năm là “pà động sông cốt”: Tức những nơi xa khu dân cư còn nguyên nét hoang sơ như: khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh nằm trên địa bàn các xã Đồng Chum, Đoàn Kết, Đồng Ruộng, cũng là nơi đầu nguồn con suối Sổ, suối Nhạp... có nhiều cá, tôm, ếch quý hiếm, có loại ếch nặng tới 3 lạng. Luật cũ quy định tránh săn bắt chúng vào mùa sinh sản (“nha kin xịa xày, báy kịn hăng”, nghĩa là không ăn cả trứng, bắt cả ổ con non).

 

Luật tục người Tày Đà Bắc còn quy định: Việc khai thác ở rừng cộng đồng không được tận diệt, nhất là những cây quý hiếm (“pắm máy nha xịn cốc, váy lốc hớ pụn lặng”, nghĩa là chặt cây không nên sát gốc, để chồi non cho lứa sau).

 

Đó là luật xưa, bây giờ, tất cả các loại rừng kể trên đều bị tàn phá nặng nề bất chấp luật lệ. ở giai đoạn trước, người dân phá rừng để làm nương vì thiếu lúa, gạo ăn nhưng về sau, do các nhu cầu sử dụng gỗ ở miền xuôi tăng đột biến nên rừng càng cạn kiệt. Mọi người đều biết lâm tặc không phải ai khác chính là người địa phương, tuy nhiên, việc hưởng lợi lại là các đầu nậu gỗ. Khi không còn cây to để chặt, họ tận thu đào cả gốc như trò chỉ, bách sanh, ngù hương..., những cây dược liệu quý lần lượt bị khai thác tận diệt, một số đại gia còn múc cả những sanh hàng ngàn năm tuổi đem về xuôi làm cây cảnh công trình trang trí cho riêng mình. “Thần ngước” cũng đã bắt đầu nổi giận khi không còn cung cấp đủ nước cho bà con sản xuất và sinh hoạt. Chúng tôi không muốn nói tới yếu tố mê tín dị đoan trong Luật tục người xưa nhưng rõ ràng, sự trừng phạt của rừng là hiện hữu một khi môi trường thiên nhiên tiếp tục bị tàn phá mà không thể ngăn chặn.

 

Với những gì người xưa đã làm, nên chăng các cơ quan bảo vệ và phát triển rừng cần tìm hiểu về văn hóa Tày, nhất là luật tục về bảo vệ rừng để giáo dục bà con có ý thức tự giác bảo vệ rừng như ông cha thời xưa, nhất là vùng dân tộc có chữ viết như người Tày Đà Bắc.

 

                                          Lường Đức Chôm

                       (Trung tâm HTCĐ xã Trung Thành - Đà Bắc)

Các tin khác


Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục