Chỉ với một chiếc Ipad nhỏ gọn thế này, bạn đã có trong tay cả một giá sách đồ sộ để đọc ở mọi lúc, mọi nơi.

Chỉ với một chiếc Ipad nhỏ gọn thế này, bạn đã có trong tay cả một giá sách đồ sộ để đọc ở mọi lúc, mọi nơi.

Không ít người tỏ ý ngạc nhiên khi đánh đồng hai khái niệm “cứng – mềm” với sách bìa cứng – bìa mềm, vốn theo nguyên tắc xuất bản sẽ không bao giờ xuất hiện trên thị trường ở cùng một thời điểm. Chỉ tới khi được ông Trần Xuân Phương – Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ trực tuyến Vinapo giới thiệu chi tiết, cử tọa mới hiểu “cứng – mềm” trong trường hợp này để chỉ sách in truyền thống và sách điện tử (hay còn gọi là E-book). Hiện tại, Vinapo là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam chính thức phát hành E-book có bản quyền.

 

Sách điện tử - loại hình xuất bản mới đầy tiềm năng ở Việt Nam

Như vậy, ngoài cách thức chạy ra hiệu sách, bỏ tiền để “rinh” về cuốn sách còn thơm mùi mực in, độc giả có thể truy cập vào địa chỉ www.alezaa.com, tự tạo cho mình một tài khoản chỉ với một vài thao tác (dễ nhất là nạp một tấm thẻ cào điện thoại trả trước bất kỳ, chọn thanh toán bằng các phương thức khác nhau như Visa/Master/Amex Card, ATM, Internet Banking, SMS Banking, Alezaa card… cũng khá đơn giản) và nhấn lệnh Mua.

Kết quả, chỉ với 1/3 giá bìa bản cứng, chiếc Ipad hoặc Amazon Kindle (hoặc máy tính hay bất kỳ một thiết bị trợ giúp kỹ thuật số cá nhân) của bạn đã ngay lập tức sở hữu trọn vẹn tác phẩm với những lợi thế mà sách in thông thường không có được. Gọn nhẹ, có thể tinh chỉnh về cỡ chữ, màu sắc và các thao tác tuỳ theo sở thích của người đọc, tự động dàn trang, đọc được trên nhiều thiết bị điện tử thông dụng (PC, laptop, các thiết bị cầm tay và smart phone), được tích hợp trên nhiều hệ điều hành: Window, Mac, Linux, iOS, Android, Blackberry, WebOS…, E-book giúp độc giả có những trải nghiệm tuyệt vời với cảm giác như đọc một cuốn sách giấy, lật giở từng trang. Hình ảnh, audio, video được tích hợp vào e-book trên tương tác thời gian thực nên rất trực quan, sống động.

Về vấn đề bảo vệ tác quyền tác phẩm, ông Phương khẳng định: “Alezaa Reader sẽ bảo vệ tác quyền sách điện tử thông qua việc mã hóa và các phương thức chống sao chép hiện đại. Tất cả các chi phí từ đường truyền, thuế, phí dịch vụ... chiếm 30% giá bìa trên Alezaa. Còn lại 70% giá bìa sẽ chia 50/50 giữa nhà sách và tác giả”.

Một đặc điểm nổi bật khác của sách điện tử chính là khả năng lưu trữ không giới hạn của nó. Vì thế, E-book đang trở thành một trào lưu văn hoá đọc mới trên thế giới. Theo thống kê của hãng bán lẻ trực tuyến Amazon (Mỹ) thì cứ 100 cuốn sách giấy bán ra thì có tương ứng 143 cuốn sách điện tử được người đọc tiếp cận.

Ngay sau khi Alezaa góp mặt vào thị trường xuất bản VN, một số nhà xuất bản trong nước cũng rục rịch lên kế hoạch xuất bản sách điện tử. Theo bà Nguyễn Lệ Thủy (Công ty CP Sách Alpha), hiện Alpha Books cũng đang hợp tác cùng một số đơn vị như FPT, Vinapo, Vega, Vietgrid, FutureMedia… để chuyển đổi các bản sách đã xuất bản của công ty sang dạng sách điện tử.

Những nỗ lực hướng tới một thị trường sách điện tử có bản quyền hợp pháp của các đơn vị xuất bản trong nước kể trên là rất đáng trân trọng. Bởi tại VN, theo thống kê mới nhất của Vụ Thư viện, số người đọc sách thường xuyên hiện chỉ chiếm 30%, số thỉnh thoảng chiếm tới 44% và 26% còn lại hoàn toàn không có thói quen này. Nguyên nhân khiến độc giả ngày một thờ ơ với sách chính là giá đắt, vận chuyển cách rách và không thể đọc mọi nơi, mọi lúc… E-book giải quyết tối ưu tất cả những nhược điểm ấy.

“Kẻ cướp bịt mặt” - Nhức nhối vấn nạn e-book lậu

Theo đánh giá của Cục Xuất bản, trong bối cảnh xuất bản sách giấy có nhiều khó khăn như hiện nay, việc phát triển dòng sách điện tử là một hướng đi mới, một thị trường hấp dẫn và sẽ có những bước phát triển mạnh trong khoảng 5 năm tới tại VN. Tuy người tiêu dùng có thái độ khá tích cực, song vấn đề lớn nhất của thị trường xuất bản điện tử chính là bản quyền. Đó còn chưa kể vấn nạn e-book lậu, không bản quyền đang được “phá giá” hoặc bị các cư dân mạng hồn nhiên chia sẻ miễn phí trên rất nhiều diễn đàn. 

Nói tới e-book lậu, không ít đơn vị xuất bản trong nước hiện nay như Trẻ, Kim Đồng, Nhã Nam, Bách Việt, Chibooks, Đông A… đều phải lắc đầu ngao ngán vì phần lớn sách của họ đều bị “luộc” công khai và được tung lên mạng làm thành sách điện tử, phát tán rộng rãi. Có thể liệt kê một số “kẻ cướp bịt mặt” đình đám như www.e-thuvien.com/forums, www.360-books.com, www.vnthuquan.net, www.ebook4u.vn, www.ebook.edu.vn, www.download.com.vn/ebook, www.vietnamwebsite.net/ebook, share-book.com/chia-se-ebook, www.viet-ebook.co.cc, www.loidich.com/library, www.vn-zoom.com/f371, www.wattpad.com... Trong đó, mỗi trang web hoặc diễn đàn này thường thu hút trung bình 500.000 thành viên, điều đó đồng nghĩa với việc ngần đó người đã sử dụng trái phép sản phẩm của các đơn vị trên mà không phải trả tiền hoặc chỉ trả một số tiền rất ít so với giá trị thực của cuốn sách. Và đối tượng thu lời chính đương nhiên là những chủ nhân website giấu mặt này.

Theo bà Nguyễn Lệ Chi – Giám đốc Chibooks thì “điều này gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho các đơn vị làm sách vì chi phí sản xuất một đầu sách trọn gói hiện nay trung bình từ 80 - 100 triệu đồng. Công đoạn sản xuất một cuốn sách mất trung bình nửa năm nhưng ngay sau khi sách giấy “ra lò”, việc biến thành  e-book tung lên mạng chỉ mất vẻn vẹn vài ngày. Với việc phát tán rộng rãi các e-book lậu kể trên, đơn vị làm sách bị thất thu nặng khi số lượng độc giả mua sách giấy bị co hẹp”.

 Qua internet bạn có thể mua sách dễ dàng.

Cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn

Rừng Nauy, Biên niên ký chim vặn dây cót của nhà văn Nhật Haruki Murakami hoặc Kitchen, Vĩnh biệt Tugumi của Yoshimoto Banana được Nhã Nam mua bản quyền và ấn hành thì ngay lập tức có mặt trên trang web e-books.com. Không thể chuộc lỗi của First News  cũng rất nhanh chóng có mặt trên mạng trước sự bất lực của “khổ chủ”.

Không chỉ có các tác phẩm nước ngoài, các tác phẩm trong nước cũng bị vi phạm trắng trợn. Có thể nói, hầu như tất cả các tác phẩm của các nhà văn trong nước nổi tiếng đều có mặt trên mạng và dĩ nhiên cũng không có cuốn nào may mắn được đảm bảo về mặt bản quyền.

Theo bà Đinh Hương (Bách Việt) thì từ hơn 2 năm trước, 80% sách Bách Việt (chủ yếu là sách văn học TQ dành cho giới trẻ) đã bị làm e-book trái phép và phát tán trên mạng. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà – PGĐ Công ty Phương Đông rất đau xót khi hầu hết các sách do Phương Đông xuất bản đều bị làm e-book không xin phép và ngang nhiên đưa lên nhiều website. Không chỉ có sách của các đơn vị tư nhân chịu trận mà rất nhiều sách của các thương hiệu xuất bản Nhà nước như Kim Đồng, Trẻ cũng đành chịu chung số phận.

Là một trong những đơn vị tiên phong trong việc phát triển dòng sách điện tử, song cho đến nay, Alpha Books vẫn chưa có giải pháp triệt để nào để ngăn chặn tình trạng “đọc chùa”. Bà Nguyễn Lệ Thủy bày tỏ: “Chỉ biết trông chờ vào sự tự giác của độc giả, bên cạnh đó, hy vọng các cơ quan chức năng xây dựng những quy định và những chế tài mạnh nhằm đảm bảo quyền tác giả”. Còn ông Nguyễn Minh Nhựt - GĐ NXB Trẻ thì đề xuất giải pháp: Chống sách lậu bằng cách cạnh tranh. Có thể, khi xuất bản sách điện tử, NXB Trẻ sẽ bán mỗi bản với giá cực rẻ, chỉ từ 5 -10 ngàn, thậm chí giảm xuống 1 ngàn/bản. Với mức giá đó, ông Nhựt hy vọng: “Sẽ chẳng có ai quan tâm đến e-book lậu nữa”.

Trước mắt, rất nhiều đơn vị xuất bản chỉ biết cách tự bảo vệ mình bằng cách: tự email đề nghị các admin gỡ bỏ e-book lậu, tố cáo lên các cơ quan chức năng, chuẩn bị các dự án tự làm e-book và tự kinh doanh trên website của mình để giảm bớt thiệt hại kinh tế.

Phía Chibooks cho biết họ đang soạn thảo công văn tố cáo những trang web đăng tải e-book lậu lên tất cả các cơ quan chức năng, đề nghị công an văn hóa và an ninh mạng can thiệp cũng như thuê luật sư giải quyết vụ việc. Mới đây, đơn vị này đã chính thức xuất bản sách điện tử và phát hành trên hệ thống phân phối sách điện tử bản quyền Alezaa.com từ ngày 4/10/2011, theo hợp đồng kéo dài 2 năm đã kí kết với Công ty cổ phần dịch vụ trực tuyến Vinapo.

Chưa biết những nỗ lực kể trên hiệu quả tới đâu nhưng nhìn từ góc độ bản quyền, cuộc chiến khó phân thắng bại ấy chưa biết bao giờ sẽ đi đến hồi kết! 

 

                                                                 Theo Báo SKĐS

Các tin khác


Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Thành phố Hòa Bình: Tọa đàm giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho ĐV-TN

Ngày 21/3, Trung tâm Chính trị thành phố Hòa Bình phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và Thành Đoàn Hòa Bình tổ chức tọa đàm "Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên, thanh viên” (ĐVTN) trên địa bàn thành phố. Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Thành ủy Hòa Bình, cấp ủy, chính quyền và đông đảo ĐVTN trên địa bàn thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục