Hàng nghìn chiếc túi nilon, tàn tro các loại được đổ ra sông, vấn đề về vệ sinh môi trường trên sông Đà mỗi dịp cúng Táo quân đang rất cần được quan tâm.

Hàng nghìn chiếc túi nilon, tàn tro các loại được đổ ra sông, vấn đề về vệ sinh môi trường trên sông Đà mỗi dịp cúng Táo quân đang rất cần được quan tâm.

(HBĐT) - Hàng năm, đúng ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo quân lên chầu trời báo cáo những công việc đã làm được trong năm những gia đình Việt thường tổ chức lễ cúng cá chép. Đây là một tập tục đẹp đã có từ rất lâu đời, tuy nhiên, đằng sau tính nhân văn ấy vẫn còn những điều đáng bàn.

 

Năm nay do ngày 23 tháng Chạp là thứ hai, CB- CN- VC vẫn đi làm bình thường nên thay vì đi chợ đúng ngày như mọi khi, người dân sắm đồ lễ cúng Táo quân từ những ngày 21, 22. Theo khảo sát tại các chợ trên địa bàn thành phố, bán chạy nhất vẫn là cá chép, vàng mã, mũ, áo, hia, các thỏi vàng làm bằng giấy… Đây được cho là những phương tiện cần thiết cho hành trình về trời thuận buồm, xuôi gió của các Táo quân.

 

Nhanh tay chọn vài xấp giấy tiền, vàng mã, chị Bùi Thanh Thu (phường Phương Lâm, TP Hòa Bình) chia sẻ: Không hiểu lắm những thủ tục cho hành trình về trời của Táo quân nhưng hàng năm, theo chỉ dẫn của chị bán hàng, gia đình vẫn mua đủ các đồ lễ cần thiết để tỏ lòng thành kính, cảm tạ năm cũ đã qua thuận lợi, mong một năm mới gặp nhiều điều bình an.

 

10h30 sáng 23 tháng Chạp, các chợ trên địa bàn thành phố đã vãn khách mua đồ cúng lễ. Giá cá các loại bắt đầu giảm. Theo khảo sát của chúng tôi, thay vì giá từ 10.000- 20.000 đồng/con, cá nhỏ đã giảm xuống 10.000 đồng/3 con, cá to hơn giá chỉ còn 10.000 đồng/con; mũ, áo, hia ông Công, ông Táo giảm xuống còn 25.000 đồng/đôi thay vì 30.000- 40.000 đồng như 2 ngày trước. Riêng cành vàng, lá ngọc giá vẫn giữ ổn định từ 15.000- 20.000 đồng/cành. Năm nay là năm Nhâm Thìn, dân gian vẫn quen gọi là năm rồng, do đó, các cây vàng, cây bạc bày trên bàn thờ cũng có phần cách điệu. Không mô phỏng theo dáng cây như mọi năm, thân cây được thay thế bằng hình rồng uốn lượn với phần đầu rồng nhô ra ở gốc cây trông rất bắt mắt.

 

Chị Nguyễn Thanh Thảo, bán hàng tại chợ Chăm Mát (TP Hòa Bình) cho biết: từ ngày 21 tháng Chạp đã có nhiều người đi mua sắm đồ cúng ông Công, ông Táo. Tính đến hết sáng 23, cửa hàng đã bán hết gần 100 bộ đồ cúng. Thu nhập nâng cao, người dân hiện nay cũng chú trọng hơn đến đồ cúng lễ. Không đơn giản như trước đây chỉ dăm buộc giấy tiền, vàng mã, nay người dân còn mua cả áo, mũ, hia… thậm chí cả cá chép giấy để đốt hóa vàng cho tiện. Đây cũng là cách được nhiều cặp vợ chồng trẻ lựa chọn- một cách giản tiện cho phù hợp với cuộc sống hiện đại.

 

Theo quan niệm cá chép phải thả trước giờ ngọ (trước 12h trưa). Do đó, từ khoảng 11h, sau khi làm lễ, các gia đình thường đi thả cá. Một hiện tượng đáng buồn là cá được thả đầu nguồn thì phía dưới nhiều em bé nghịch ngợm dùng vợt vớt đem về. Em Ngô Thùy L. ,phường Tân Thịnh năm nay đã 12 tuổi cùng các bạn đi vớt cá trên sông Đà từ sáng, khi được hỏi, em cho biết: “Em và các bạn đã vớt được 2 con, cá rất đẹp nên chúng em muốn mang về nuôi...” Có lẽ hành trình về trời của các Táo quân theo quan niệm dân gian vì thế sẽ gặp không ít trở ngại.   

 

Năm nào cũng vậy, ngày cúng Táo quân cũng là thời điểm mỗi nhà dọn dẹp sạch sẽ bàn thờ tổ tiên, vứt tàn tro ra sông để cầu 1 năm mới với những điều tốt đẹp hơn. Tại địa bàn thành phố Hòa Bình, hầu hết người dân chọn sông Đà làm nơi tiễn Táo quân với hy vọng 3 vị sẽ về trời nhanh hơn. Chính vì thế mới có cảnh, cùng với hàng nghìn chiếc túi nilon đựng cá, là bàn thờ cũ, bát nhang vỡ, “cành vàng, lá ngọc”… nằm lăn lóc trên cầu, mép sông. Khi được hỏi, không ít người dân có chung câu trả lời: thấy ai cũng vứt túi nilon lại nên mình làm theo. Hơn nữa, xung quanh cũng chẳng có thùng rác, muốn chấp hành đúng quy định không xả rác bừa bãi cũng khó…

 

Theo quan sát, trong sáng 23 tháng Chạp, nhân viên bảo vệ cầu Hòa Bình phải liên tiếp túc trực dọn vệ sinh hai bên cầu với hy vọng góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị. Dọc 2 bên bờ sông đến 14h chiều cùng ngày vẫn trắng xóa nilon, tàn tro các loại. Ông Ngô Văn Vưng, một cư dân của làng chài ven sông Đà cho biết: thay vì mua sắm quá nhiều đồ cúng lễ, cư dân xóm chài chúng tôi đến ngày này hàng năm đều vớt túi nilon trên sông, dọc mép sông với hy vọng góp phần giữ gìn cảnh quan đô thị và như một lời cảm ơn với “thần sông” sau 1 năm làm ăn thuận hòa.

 

Có lẽ, hơn ai hết, lễ cúng ông Công, ông Táo của những người dân nơi đây mới thực sự mang nhiều ý nghĩa.

 

                                                                    

 

                                                                            Hải Yến

 

Các tin khác


Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục