Bức tranh phong cảnh vùng lòng hồ Hòa Bình được ví như một Hạ Long thu nhỏ.

Bức tranh phong cảnh vùng lòng hồ Hòa Bình được ví như một Hạ Long thu nhỏ.

(HBĐT) - Tuy không phải là tín đồ của nhà Phật và cũng không quá tin tưởng vào thần thánh và các thế lực siêu nhiên nhưng cứ mỗi mùa xuân đến, tôi lại háo hức cùng bạn bè lên lịch cho những chuyến du lịch đến chốn tâm linh. Nhưng dù có đi đâu, về đâu, điểm khởi đầu của chúng tôi vẫn là tuyến du lịch lòng hồ Sông Đà mà điểm đến là đền Thác Bờ linh thiêng, huyền diệu.

 

Tìm sự thảnh thơi giữa mênh mông sóng nước

 

Đến với di tích đền Thác Bờ bằng đường  sông có 2 điểm chính là cảng Bích Hạ và cảng Thung Nai. Nếu đi từ cảng Thung Nai chừng 20 phút là thuyền máy đã cập bến ở chân đền, còn đi từ cảng Bích Hạ phải lênh đênh trên sóng nước chừng 2 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Tuy vậy, lần nào đi chúng tôi cũng chọn điểm xuất phát là cảng Bích Hạ, trước hết là để chứng kiến quang cảnh tấp nập, trên bến, dưới thuyền và sau đó là có khoảng thời gian dài để phóng tầm mắt chiêm ngưỡng phong cảnh vùng hồ, một kiệt tác thiên nhiên kỳ vĩ. Vào mùa đông và mùa xuân, khi không còn sự xuất hiện của những con lũ thượng nguồn, nước sông Đà chuyển xanh màu ngọc bích. Ngồi trên tàu, mở tung cửa sổ, du khách có thể thả tay vốc từng vốc nước trong vắt lên ngắm nghía và rồi trả lại cho dòng sông từng giọt, từng giọt thánh thót  qua kẽ tay. Bình thường, mặt hồ trong xanh và tĩnh lặng nhưng mỗi khi có chiếc thuyền máy đi qua, bọt tung trắng xóa gặp ánh nắng mặt trời chiếu rọi, ta có thể tưởng tượng như ở đó có nàng tiên cá đang cựa mình, vươn chiếc đuôi dài xinh xắn để làm duyên. Hướng tầm mắt xa xa có thể chiêm ngưỡng cảnh người dân chài đánh bắt cá trên những chiếc thuyền đơn sơ, nhỏ nhoi giữa mênh mông sông nước. Công việc khá vất vả vì phải bươn trải trong nắng, gió nhưng trên gương mặt họ luôn bộc lộ những sắc thái tươi vui dù bắt được con cá to hay nhỏ qua mỗi lần giăng lưới. Xa hơn nữa là những bản làng bình yên với những ngôi nhà xinh xắn nằm cheo leo trên những triền đồi, mép nước hay ẩn mình thấp thoáng giữa những lùm cây. Đi gần hết chặng đường, con nước, bức tranh thủy mặc hiện ra sinh động, hấp dẫn hơn bởi giữa mênh mông nước xuất hiện những hòn đảo lớn nhỏ lô nhô như một Hạ Long thu nhỏ.

 

Ngồi trên những con tàu dập dềnh sóng nước, hướng rộng tầm nhìn để thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên hay lim dim đôi mắt về miền suy tưởng thì đó cũng là khoảng không gian, thời gian hết sức tuyệt vời để mỗi du khách có thể bỏ lại phía sau tất cả bộn bề lo toan của của sống thường ngày mà giữ cho tâm hồn mình thanh thản.

 

Và cảm giác an lòng ở chốn tâm linh

 

Dù không phải là Phật tử nhưng mỗi khi gặp phải rắc rối về tinh thần hoặc cảm thấy lạc lõng giữa cuộc sống đời thường, cô bạn thân mang đậm chất “người Tràng An” của tôi lại rủ rỉ: mình muốn tìm sự thanh thản ở cõi tâm linh. Chiều lòng bạn và cũng để có dịp được khám phá những nét văn hóa đặc trưng ở chốn chùa chiền, 8 năm qua tôi đã lần lượt đặt chân tới chùa Quán sứ, chùa Tây Phương, chùa Hương, chùa Thầy, chùa Trăm gian (Hà Nội), chùa Dâu (Bắc Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình) và Đền Trần (Nam Định)...

 

     

Du khách hào hứng chọn mua những cành lộc vàng may mắn tại đền Thác Bờ.

 

Có đi nhiều mới thấy, cùng là chùa chiền nhưng mỗi nơi một vẻ. Vào mùa lễ hội, ngôi chùa nào cũng trở nên đông nghịt, người ta khấn vái ngay cả trong lúc chen lấn, xô đẩy, miễn là thánh thần có thể chứng giám cho cái tâm của họ. Có lẽ vì luôn giữ cho mình tâm thế đi vãn cảnh chùa là chính nên chúng tôi thường không sa đà vào công việc khấn vái mà chủ yếu dành thời gian để thưởng ngoạn. Việc khấn vái cầu may mắn, cầu an lành tôi thường để dành để đến một nơi gần gũi, thân quen với mình hơn, đó là đền Thác Bờ. Trong dân gian người ta vẫn hay nói một câu rằng “Bụt chùa nhà không thiêng” nhưng riêng tôi lại có một sự thành tâm đến lạ lùng mỗi khi đặt chân đến nơi này.

 

Dù chưa được đọc một tài liệu lịch sử cụ thể nào ghi chép lại tích xưa của đền Thác Bờ nhưng tôi đã nghe đến  thuộc làu câu chuyện truyền thuyết kể lại rằng: Tương truyền, năm 1431-1432, vua Lê lợi đi dẹp giặc ở Mường Lễ (Sơn La), đoạn qua thác Bờ hiểm trở đã được nhân dân địa phương giúp đỡ nhiệt tình.  Trong đó có bà Đinh Thị Vân, người Mường ở Hào Tráng và một phụ nữ người Dao ở xóm Mó Nẻ, xã Vầy Nưa đã giúp vua về quân lương, phương tiện thuyền, bè để vượt thác... Khi hai bà mất, vua Lê Lợi đã truy phong công trạng hai bà và ban chiếu cho lập đền thờ. Đền thờ hai bà là chính, nhưng đến nay, sau bao lần di chuyển, nâng cấp và tôn tạo, đền thác Bờ hiện có khoảng 38 pho tượng lớn nhỏ. Tôi luôn tìm thấy sự thanh thản và cảm giác yên bình ở nơi này. Vì vậy, dù không biết khấn vái một cách bài bản, chuyên nghiệp nhưng đứng trước bàn thờ thánh thần trong làn khói hương nghi ngút tôi cũng thầm nói lên những ước nguyện của mình để được các thánh thần chứng giám ban phát lộc rơi, lộc vãi. Cùng các tín đồ Phật tử  quỳ gối đến hàng giờ để xem lên đồng và nghe hát chầu văn. Tôi an lòng vì trong số dòng người ken đặc ấy có rất nhiều gương mặt mà tôi đã từng quen hoặc biết.  Có thể chưa phải là tất cả nhưng mỗi gia đình, dòng họ sống ở thành phố Hòa Bình đều có ít nhất một người đến với  đền Bờ để cầu may trong mỗi dịp năm mới. “Tiếng lành đồn xa”, ngày càng có nhiều người chọn điểm đến là đền Thác Bờ trong những chuyến du xuân.

 

Người ta vẫn thường nói câu: “phú quý thì sinh lễ nghĩa” để giải thích cho một hiện tượng là ngày càng có nhiều người năng đến với chốn tâm linh để cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe, may mắn và bình an. Riêng tôi có một ý nghĩ: đời người luôn có thể gặp phải những  điều bế tắc và bất trắc. Nếu đã  ở vào hoàn cảnh đó, dù có thông minh, giàu sang hay quyền lực đến mấy cũng không thể tự giải quyết được, khi đó người ta sẽ nghĩ đến chốn tâm linh như một sự cứu rỗi. Đó cũng là một nét văn hóa và trong cuộc sống xô bồ của thời hiện đại thì nét văn hóa đó lại càng được phát huy. 

 

Thả hồn giữa mênh mông sóng nước lòng hồ để tâm hồn được thư thái, trong trẻo, khi bước chân vào đền Thác Bờ với không khí trầm mặc oai linh, khi trở về, tôi luôn có cảm giác lâng lâng với những miền cảm xúc lạ. Có lẽ đó cũng là sự cảm nhận chung của mỗi du khách  khi kết thúc chuyến du lịch mang nhiều ý nghĩa này. Cũng như tôi, nhiều du khách đã một lần được đến với đền Thác Bờ, trong thâm tâm  họ luôn hẹn ngày trở lại.

           

 

 

                                                                      Thúy Hằng

 

Các tin khác


Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục