(HBĐT) - Năm Tân Mão chưa qua, năm Nhâm Thìn chưa tới và dường như mùa thu vừa đi qua, mùa đông còn đang dùng dằng, gió rét vừa đến đã đi. Vào thời khắc này, tôi quyết thực hiện một cuộc trở về với vùng đất gần gũi thân thuộc mà mình còn nhiều duyên nợ.

 

Làng tôi bên cửa Ngòi Móng - con suối lớn bắt nguồn từ núi Viên Nam - Vua Bà, đổ ra sông Đà - con sông duy nhất nước ta có đoạn cuối cùng chảy ngược lên phía Bắc (Chúng thuỷ lai Đông tẩu - Đà giang độc Bắc lưu - Các con sông đều chảy ra biển Đông - riêng sông Đà chảy lên phía Bắc - thơ Lâm Quang Bích). Tôi cũng như nhiều người khác thời trẻ thích hướng ngoại: học lịch sử, địa chí thế giới, trong nước nhưng lại không am tường quê hương, bản quán của mình, gốc gác dòng họ của mình. Đến tuổi xế chiều mới ngơ ngơ ngác ngác tìm kiếm ghi chép lại cho con cháu.  

Lại nói núi Viên Nam - Vua Bà là hai dãy núi gắn kết với nhau, đỉnh Vua Bà cao 1.050 m, đỉnh Viên Nam cao 1.031 m,  sánh vai  nhau. Đây là mái nhà chung của hai huyện Lương Sơn và Kỳ Sơn trước đây, bây giờ có thêm huyện Thạch Thất - Hà Nội. Sử sách còn ghi: sau công nguyên, Bắc thuộc lần thứ nhất (40 - 43) khi Trưng Vương thống soái đem quân đánh lại 20 vạn tinh binh do Mã Viện (một tướng nhà Hán) cầm đầu tại Lãng Bạc (Đông Triều - Quảng Ninh) không thành phải rút về Cẩm Khê (Thạch Thất) đã dựa vào địa thế núi Viên Nam, Vua Bà mà tập hợp binh sỹ, bảo tồn lực lượng. Cuộc khởi nghĩa của Tổng Kiêm - Đốc Bang (tháng 4/1909-4/1910), sau khi tấn công lỵ sở ở Hoà Bình đêm 2/8/1909 thắng lợi, nghĩa quân đã rút về núi Viên Nam để chống trả lại quân Pháp.  

Đã bao lần đi qua đất Dân Hoà - Kỳ Sơn, chỉ mong có ngày đến thắp nén hương trên mộ cụ Tổng Kiêm. Lần này tôi đã toại nguyện được ông Nguyễn Văn Hữu, 89 tuổi (nguyên UVUBMTTQ tỉnh), cháu nội cụ Tổng Kiêm dẫn ra đồng Gò Ngô - nơi đặt mộ thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa. Mộ cụ Tổng Kiêm gối đầu lên núi Vua Bà - Viên Nam, mắt dõi về phía sông Đà. Gò Ngô chính là nơi giặc Ngô phương Bắc từng đóng quân, kế đó là cánh đồng Mả Ngô. Hoá ra cụ Tổng Kiêm chỉ với một năm dấy binh đã phải chịu 22 năm tù Côn Đảo, 10 năm quản thúc cuối đời. (Nhất nhật tại tù - thiên thu tại ngoại - một ngày tù bằng ngàn thu ở ngoài). Thế mới biết dưới ba tầng đất ấy (giặc Ngô, phong kiến, giặc Pháp) có một thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa chống Pháp mặc dù ngắn ngủi lại có một “tuổi thọ” dài đến thế!  

Như một sự trùng hợp giữa hiện tại với quá khứ của vùng đất dưới chân núi Viên Nam - Vua Bà, các cơ sở sản xuất công nghiệp lại cuốn hút về đây, dàn binh bố trận cho một cuộc chiến mới - làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Nhớ lại năm 1998, khi còn phụ trách ngành công nghiệp tỉnh nhà, tôi đã tham gia xây dựng quy hoạch KCN Lương Sơn. Cùng với đồng chí Chủ tịch huyện xắn quần đi khảo sát thực địa KCN bây giờ, chỉ mong sao nơi cửa ngõ vùng đất này sớm mọc lên một KCN để giải quyết cho bà con có thêm việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, với không ít băn khoăn lo lắng, lời ra, tiếng vào. Đến bây giờ, các cơ sở sản xuất trong KCN đã lấp đầy 70% và cả tỉnh đã có 8 KCN được lập ra, trong đó vẫn tập trung dưới chân núi Viên Nam - Vua Bà. Huyện Lương Sơn 3 khu, huyện Kỳ Sơn 2 khu. Quyết định số 2193/QĐ-UBND phê duyệt phương hướng giải pháp chủ yếu phát triển vùng động lực tỉnh Hoà Bình đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 do Chủ tịch tỉnh ký xác định trục trung tâm xoay quanh vùng đất Lương Sơn - Kỳ Sơn, dưới chân núi Viên Nam - Vua Bà là chủ yếu.  

Trong một lần tiếp tôi, Giám đốc BQL các KCN tỉnh Đỗ Hải Hồ ghi nhận những điều nói trên. Được biết, ông mới tháp tùng Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện cuộc xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản về, tôi nhắc lại câu chuyện mà vị Chủ tịch hãng giấy Đai ô nói với đoàn cán bộ ngành giấy chúng tôi khi sang thăm năm 1989, đại ý: sau thất bại đại chiến thế giới lần thứ 2, người Nhật Bản chúng tôi nhận ra phải đi lên bằng cách khác và chúng tôi bảo nhau phải cúi mặt xuống đất mà làm, bây giờ ngẩng mặt lên đã thấy trước mắt mình một cơ đồ như ngày nay. Người Nhật Bản coi việc làm giàu như một lẽ thường tình, tất yếu của con người. Các tỷ phú sau giờ làm việc vẫn về nhà ăn bữa cơm đạm bạc với vợ con. ông Đỗ Hải Hồ nhấn mạnh: Làm giàu đã trở thành máu thịt của người Nhật Bản.  

Trở lại với vùng đất dưới chân núi Viên Nam - Vua Bà, tôi trăn trở: phải chăng đây là một trong những vùng đất “địa lợi” của đất nước? Các cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm trước đây của cha ông ta đã dựa vào vùng đất này mà dấy binh, tụ nghĩa với sự che chở, đùm bọc của nhân dân. Phải chăng chưa có “thiên thời” nên các cuộc khởi nghĩa ấy đã thất bại? Ngày nay, để những dự án phát triển kinh tế nói trên đi đến thắng lợi thì làm sao hội đủ cho được: thiên thời - địa lợi - nhân hòa? Vâng! Dân Hòa - Nhân Hòa (việc nhân nghĩa cốt ở yên dân - Nguyễn Trãi).  

Trên đường trở về nhà, đắm mình trong suy nghĩ miên man, ông Nguyễn Văn Hữu bỗng đánh thức tôi: Nếu chú có nguyện vọng lên đỉnh núi Vua Bà - Viên Nam thì hôm nào vào, hai anh em ta cùng đi. Đỉnh Vua Bà - Viên Nam như một ma lực còn hấp dẫn tôi hơn nhiều. Trên ấy có sân bay trực thăng thời Pháp thuộc, có rừng ổi bạt ngàn, có “với đàn trâu thả rông” - tên một bài thơ... Và trên ấy sẽ có một tầm nhìn để ngắm vùng đất xung quanh mình đang ngày đêm đổi sắc thay da trong hội nhập vào nền kinh tế chung của cả nước và thế giới. Bằng những khu công nghiệp, cụm công nghiệp chúng ta đang gắn lên ngực, lên vai núi Viên Nam - Vua Bà những tấm Huân chương, những vòng nguyệt quế lấp lánh giữa hối hả mùa xuân đang về.

 

                                                  Tùy bút của Đinh Đăng Lượng

 

Các tin khác


Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục