Trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật của Hòa Bình luôn ưu tiên lựa chọn những tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa.

Trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật của Hòa Bình luôn ưu tiên lựa chọn những tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa.

(HBĐT) - Là cái nôi của nền văn hóa Hòa Bình, đất Mường ta được biết đến như một miền xúc cảm cho nhạc, họa và thơ ca. Lấy chất liệu từ cuộc sống, những người con của đất Mường Hòa Bình và cả những nhạc sỹ từng đặt chân đến Hòa Bình đã biến lời thơ thành bản nhạc, làm cho cuộc sống hóa tâm tình, đưa vào dòng chảy âm nhạc những ca khúc đẹp, còn mãi với thời gian. Nhân dịp Kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh, Sở VH -TT&DL cùng Nhà xuất bản âm nhạc đã tuyển chọn và xuất bản tập ca khúc “Ngọn lửa đất Mường” như một món quà vô giá để âm nhạc được thăng hoa.

 

Trong “Ngọn lửa đất Mường” có truyền thống hào hùng của dân tộc, có nét hoa văn đậm đà bản sắc, phong cảnh hữu tình và tinh thần lao động hăng say của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đó là dụng ý của những người làm công tác biên tập, soạn thảo tập ca khúc. 60 bài ca là 60 lời tự tình sâu lắng khi rộn ràng, tươi vui, lúc nhẹ nhàng, tha thiết. Trong đó, bài hát “Ngọn lửa đất Mường” - một tác phẩm của nhạc sỹ Huy Tâm viết cho dàn hợp xướng với những nốt nhạc khỏe khoắn, sôi động có không gian, thời gian đi từ quá khứ (ngọn lửa sơ khai trong hang đá, bếp lửa hồng của mẹ), đến hiện tại (dòng điện sáng sông Đà) đã được lấy làm đề từ cho tập ca khúc. Đó là bài hát từng đoạt giải nhất trong cuộc thi “Những ca khúc viết về Hòa Bình nhân dịp kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh” và sau này được Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh đưa vào các chương trình biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, văn hóa, xã hội và công diễn khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Nâng niu cuốn sách nhạc, đứa con tinh thần mới được xuất bản giới thiệu cùng công chúng, nhạc sỹ Huy Tâm, một trong những người chịu trách nhiệm xây dựng bản thảo và biên tập gợi mở tâm tình: trong cuốn sách nhạc nhỏ nhắn, vuông vức với 146 trang khổ 20 x 20 không thể gói trọn tất cả những tác phẩm âm nhạc hay, ca ngợi về vùng đất, con người Hòa Bình nhưng chúng tôi đã cố gắng lựa chọn, xếp đặt các tác phẩm  một cách hài hòa, có lớp lang. Các tác phẩm được đặt theo thứ tự vần ABC nhưng trong đó cũng được bài trí theo trình tự thời gian và những sự kiện lịch sử đi cùng thời gian. Đồng thời, trân trọng những tác phẩm của lớp tác giả đi trước đã tạo dấu ấn  sơ khai cho nền âm nhạc Hòa Bình như: “Hòa Bình giải phóng” - Hà Vũ Khúc, “Chiến thắng Hòa Bình” - Văn Ký, “Lời sông Đà” - Đức Minh, “Bài ca Hòa Bình” - Thanh Giang, “Qua Thác Bờ” - Thái Cơ, “Huyền thoại đất Mường” - Sỹ Thắng, “Lời chiêng hát” - Đỗ Hồng Quân, “Tình rừng Hòa Bình” - An Thuyên, “Tiếng gọi sông Đà” - Trần Chung...  

Kế tiếp thế hệ nhạc sỹ tiền bối, nhóm nhạc sỹ Huy Tâm, Nguyễn Thành Viên, Bùi Chỉ, Trần Hoàng, Quách Vin, Bùi Đức Triệu, Nguyễn Hữu với dàn ca khúc như: “Hoa đất Mường”, “Làng Dao quê em”,  “Lời ru đất Mường”, “Vui hội cồng chiêng”, “Xuân về bản Thái”, “Hội còn xuân”,  “Mùa xuân Hòa Bình thành phố bên sông Đà”... đã tạo được dấu ấn riêng, sắc nét cho nền âm nhạc Hòa Bình. Mỗi tác phẩm được thể hiện theo một dòng nhạc, sắc thái cảm xúc riêng nhưng những sáng tác này đều có một điểm chung là dựa trên cái nền văn hóa dân gian các dân tộc Hòa Bình. Trong lời hát có đủ 4 mường: Bi, Vang, Thàng, Động, có nét văn hóa của các dân tộc Mường, Thái, Mông, Dao... Bằng tình cảm sâu nặng với đất, với mường, nhóm tác giả thuộc thế hệ cầu nối này đã góp phần đưa bản sắc dân tộc đi vào âm nhạc một cách nhuần nhuyễn. Với những âm thanh, tiết tấu tròn trịa, nghe trong điệu nhạc, lời ca, người ta có thể liên tưởng tới nếp sống, sinh hoạt của từng vùng, miền, dân tộc.  

Một phần “đất” không nhỏ trong tập ca khúc được dành cho những tác phẩm của các tác giả trẻ như: Duy Thịnh, Văn Hạnh, Ngọc Dũng, Tống Hoàng Long, Đinh Tùng Bách... Theo đánh giá của bậc đàn anh trong giới âm nhạc tỉnh nhà, thế hệ trẻ có thế mạnh riêng là được đào tạo về âm nhạc bài bản. Hầu hết những tác giả trẻ được nhắc tên trong tập ca khúc này đều đã tốt nghiệp Nhạc viện hoặc được đào tạo chính quy ở những trường nghệ thuật danh tiếng. Nỗ lực thể hiện bằng tác phẩm, 2 năm qua, họ đã lần lượt ghi danh để trở thành những hội viên của Hội nhạc sỹ Việt Nam. Tác phẩm của họ mang một luồng gió mới cho nền âm nhạc Hòa Bình như: “Gặp nhau ngày hội” - nhạc và lời Ngọc Dũng đã được nhiều người biết đến là một bài hát hay với ca từ đẹp đẽ, đã từng được chấm giải nhì trong Ngày hội Văn hóa dân tộc Mường toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Hòa Bình vào năm 2007. Năm 2011, nhạc sỹ Ngọc Dũng lại vừa giành thêm một giải nhì với bài hát “Trăng suối” trong liên hoan âm nhạc - Hội Nhạc sỹ Việt Nam tại thành phố Thái Nguyên.  

Vẫn biết, những sáng tác âm nhạc không chỉ để dành cho các cuộc thi mà là để các ca sỹ, nghệ sỹ hát cho công chúng nghe. Vì vậy, dù chưa được in thành đĩa, thành sách nhạc nhưng mỗi tác phẩm trong tập ca khúc này đều đã được công diễn hàng chục đến hàng trăm lần trên các sân khấu trong và ngoài tỉnh. Trung tâm văn hóa Hòa Bình, Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình, trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Tây Bắc và đội ngũ diễn viên, nghệ nhân quần chúng các huyện, thành phố luôn ưu tiên chọn lựa những tác phẩm âm nhạc viết về Hòa Bình để thể hiện trong các chương trình biểu diễn. Khi còn là một thiếu nữ - “Sơn ca đất Mường” Đinh Kiều Dung đã từng mang về khá nhiều tấm huy chương bạc, vàng trong các cuộc thi giọng ca vàng trên sóng PT -TH toàn quốc. Mới đây, cặp đôi nghệ sỹ Hồng Tam - Tuấn Mạnh (Đoàn nghệ thuật các dân tộc Hòa Bình, cũng đã sở hữu tấm HCB trong cuộc thi “Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc” với tác phẩm “Lời thương” của nhạc sỹ Huy Tâm. Có nhiều nhạc sỹ thành danh với các tác phẩm viết về Hòa Bình, riêng với những tác phẩm của nhạc sỹ Huy Tâm đã có ít nhất 3 lần đoạt giải nhất trong Ngày hội Văn hóa, thể thao các dân tộc Tây Bắc.  

Có thể nói, không phải ai cũng biết hát nhưng có lẽ ai cũng thích nghe hát. Bởi tiếng hát luôn là biểu tượng của niềm vui, của tình yêu cuộc sống. Trong mỗi con người, tiếng ca luôn vang lên khi tâm hồn ta thanh thản và ngập tràn cảm xúc. Thế nên trong mỗi sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội dù có trọng đại, nghiêm túc đến đâu thì vẫn luôn phải dành một khoảng thời gian nhất định cho âm nhạc, cho nghệ thuật. Không mấy ai sinh sống, làm việc ở vùng đất Hòa Bình mà lại không biết đến giai điệu của những bài ca: “Tiếng gọi sông Đà”, “Xốn sang chiêng cồng Hòa Bình”, “Lời ru đất Mường”, “Vui hội còn xuân”, “Mùa xuân Hòa Bình” và bài hát “Thành phố bên sông Đà - Nguyễn Hữu), tuy chưa phải là “tỉnh ca” nhưng đã được lớp lớp nghệ sỹ, đặc biệt là lớp thanh  niên “mang chuông đi đánh xứ người”.  Điệp khúc: Hòa Bình mến yêu ơi / Thành phố bên sông Đà / Thủy điện sáng lung linh /Rừng núi vang tiếng cồng... luôn được cất lên với tất cả niềm tự hào sâu sắc.  

Góp nhặt những ca khúc đặc sắc để tạo thành một tác phẩm mang hồn cốt của nền âm nhạc Hòa Bình, những nhạc sỹ, nghệ sỹ đã góp phần khơi thông thêm dòng chảy âm nhạc. Ghi lại những nốt nhạc, lời ca làm nền tảng để “Ngọn lửa đất Mường” mãi thăng hoa cùng thời đại.

           

                                                                         Thúy Hằng

 

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục