Đại diện CLB trao giải cho các cần thủ xuất sắc.

Đại diện CLB trao giải cho các cần thủ xuất sắc.

(HBĐT) - Ông Trương Sơn, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghệ thuật Tây Bắc, Chủ tịch CLB câu cá Hòa Bình có thâm niên tới trên 40 năm đi câu. Hầu như ngày nào ông cũng buông câu. Đội câu có tới chục người bạn hữu. Hôm nay, đội đáp bến Nưa - Vầy Nưa (Đà Bắc). Dù mùa đông nhưng hồ tích nước, cá vào khe lạch nhiều hơn. Như thường lệ, cả đội câu toả đi mỗi người chọn một điểm. Bên kia ông Viên, bên nọ ông Tuấn, xa xa ông Đĩnh.

 

Ông Sơn tỉ mẩn lắp mồi. ông bảo mùa này, lòng hồ nhiều rô phi. Mồi giun là nhậy nhất. Lắp mồi phải chùm kín lưỡi nhưng làm sao mà giun vẫn sống ngoe nguẩy dưới nước. Cá chỉ thích mồi động. Đo mực nước, chỉnh phao, buông cả chục cái cần xong xuôi, ông Sơn khoan khoái kéo một hơi thuốc dài ngồi đợi cá cắn câu. Nhìn sóng nước sông Đà lăn tăn, ông kể: Câu lạc bộ câu cá Hòa Bình có khoảng 50 người. Nhưng những người thích câu cá có tới vài trăm. Thôi thì đủ cả, công an, bộ đội, giáo viên, nhà báo, nhà đài, kỹ sư, công chức, doanh nghiệp, người về hưu, học sinh, sinh viên...

 

Cái anh đi câu chẳng khác nào nghiện thuốc lá. Ngày nào không buông cần cứ thấy thiếu thiếu. Bây giờ đi câu đã trở thành một phong trào ở TPHB và một số huyện trong tỉnh. Trước đồ câu bằng bát cước, ống bơ, cần tre, cần trúc. Nay chuyên nghiệp hơn, cần máy, quay máy, đồ câu đi mua, trung bình chọn bộ cần cũng phải tiền triệu, mỗi bộ có tới 5-10 cái cần và biết bao thứ lỉnh kỉnh phụ trợ, xách mà trĩu cả lưng. Có người như ông  Dũng sắm bộ cần lên tới vài chục triệu đồng. ông Sơn đầu tư cả thuyền cao su rong ruổi, lênh đênh theo con nước săn cá. Nhưng đồ nghề đắt tiền không được xem là đẳng cấp, đánh giá năng lực câu mà đẳng cấp là câu được cá to, cá quý. Câu không phân biệt tuổi tác lớn nhỏ, thâm niên, nghề nghiệp. Người dùng ô tô, người vác cần trên vai. Được ra sông hồ vãn cảnh, nhìn cá lượn lờ, nhìn tăm mà đoán cá và bắt được cá là cực vui. Đi câu thường có hội, người nào dùng đồ của người đó. Chẳng ai xin mồi, mượn đồ. Đó dường như là nguyên tắc tự thân giới cần thủ. Đã đi câu cá là phải chuẩn bị thật chu đáo từ đồ câu, chiếc lưỡi, thẻ chì, dao kéo, kéo kìm, ô lược, nước thuốc...

 

Trao đổi kinh nghiệm buộc lăng xê, câu cá.

 

 

Hòa Bình thiên nhiên ưu đãi nhiều ao, hồ, sông, suối, nhiều loại cá đa dạng, trạch trấu, rô vược, ngạnh, quấy, vền, măng, thiểu... Lên hồ Hòa Bình, xuống hồ Đầm Bài vào Đồng Bến trông mặt nước đến thợ câu Hà Nội cũng phải bồn chồn. Hội câu dù mới thành lập nhưng cũng xem là đánh đông, dẹp bắc thi thố tài năng. ông Sơn bảo: Về trình độ mình không thua, về đồ nghề mình cũng chẳng kém. Nhưng độ lỳ, bền bỉ và phương pháp còn kém xa những thợ câu chuyên nghiệp nhiều khi còn khiêm tốn so với thợ câu Hà Nội, Phú Thọ... Hà Nội có những thợ câu chuyên nghiệp. Mỗi lần xác định đánh câu ở vùng nào, có khi họ lên từ tuần trước, chọn điểm, làm ổ cho cá quen mồi để đến tuần sau mới lên đánh lục. Thế nên mỗi lần thi thố có người kiếm cá chục cân, có kẻ đánh được vài con mè ranh. Hòa Bình chưa nhiều thợ câu mà phổ biến là người thích câu. Nhưng nhiều khi cũng làm khiếp vía chủ ao. Có bận hội ông câu 4 người, phí trả 400.000 đồng /ngày, được vài tải cá làm chủ ao hoảng hồn. Nhưng cũng có dịp đi câu  móm phần. Gặp thời tiết đổi trời. Lừa cá thế nào cũng chẳng ăn cho. Đi câu thì muôn vẻ. Chẳng cứ người có thâm niên mới được cá to. Như ông Đĩnh câu có tiếng ngồi cả buổi mà chẳng cắn. Có chú trẻ măng vừa ra nhập làng câu tới thả mồi được lúc vớ ngay con trắm sông gần 4 kg.

 

Kiểm tra trọng lượng cá. 

 

Để bắt cá to, cá bự, biết bao chiêu thức lừa cá cắn câu và công phu nhất là làm mồi. Nào mẻ, nào cơm nguội, lá sắn, lá rau muống, lá cải, nào nuôi giun quế, giun đất, nào là bột mỳ, bơ, sữa, cám chim, quyền râu, định hồng điều... Tỷ mỷ hơn có người còn đi tìm rong rêu trên sông nước có trứng tôm đẻ làm mồi câu. Rồi cước phải trong, lưỡi phải sắc mới không sơ sểnh. ông Thọ, dân Phương Lâm câu cá được mấy chục năm trời. Hầu như ngày nào cũng có mặt ở hạ lưu sông Đà. ông tường tận dòng chảy, từng bãi quẩn, cá tụ. ông vẫn trung thành với kiểu câu truyền thống, cần tre, bát cước, túi vải và cách làm mồi truyền thống đó là gián, mối, rong rêu, cơm giã, lá sắn. ấy vậy ở sông Đà chẳng ai vượt nổi ông vì thành tích câu cá. ông kể: Giờ cá ít đi, chứ trước thời ngăn đập thủy điện, sông Đà xả lũ, cá nhiều miên man và toàn loại  khủng. Mỗi khi thu cần về nhà được mấy chục cân. ông từng câu được con quất tới hơn chục ký, trắm mười mấy ký... Giờ sông không còn nhiều cá vì bị đánh điện. Khi ông xuất kích hầu như chẳng khi nào về không.

Nhìn dân câu là biết. Câu cá quanh năm. Mặt ông nào cũng đen nhẻm, đầy sóng gió. Mặt đỏ au. Hút thuốc phì phèo. Người câu sợ nhất là đông. Với người đi câu, những khắc nghiệt của thời tiết không thành vấn đề. Mưa nắng đã có ô, mũ mão. Câu sông, câu hồ sướng nhất là trời đầu hè nước đục lờ lờ gọi là hoa mơ, cá hay bắt mồi. Mùa đông chẳng sợ rét, chỉ sợ cá lười cắn câu. Sướng nhất là thu. Nắng không gắt, mưa không nhiều không khí thanh đạm, đi câu như đi chơi. Câu cá bất chấp nắng mưa, thời gian. Người có thời gian câu cả buổi. Kẻ  câu dăm ba tiếng. Có người câu từ sáng đến tối, người câu xuyên đêm, ăn ngủ tại chỗ. Có thời gian thì câu xa. Lên Suối Nánh - Đồng Chum - Đồng Ruộng, Vầy Nưa, Tiền Phong, Bình Thanh, Ngòi Hoa, Thung Nai, lên hồ Tằm (Cao Sơn), Cháu Mè (Tu Lý), hồ Đầm Bài, Đồng Bến, hồ Ngọc (Kỳ Sơn), hồ Trọng (Tân Lạc). Xa nữa thì thi câu liên tỉnh, lên Sơn La, về Hà Nội, Phú Thọ... Có lúc lại chỉ quanh quẩn hạ lưu hoặc trên hồ thủy điện Hòa Bình. Câu cá sướng nhất là câu cá sông Đà. Cá sạch thịt trắng ngần vừa thơm, vừa sạch. Được cá cả tốp tụ hội quây quần đánh chén. Cá chỉ cần chú cá mương, cá chày nướng ròn, quấn lá sung, chấm tương ớt mất biết bao rượu mà kể.

 

Những câu chuyện câu cứ miên man theo sông nước, ao, hồ! Không nhiều người câu Hòa Bình kiếm được cá to hàng chục ký như ở Hà Nội. Nhưng cũng túc tắc, đều đặn.  Ai câu được cá to, cá khủng, tin đồn nhanh như gió thổi và điểm câu sẽ đông như hội. Được cá to là phải cân ngay để đánh dấu thành tích. Mấy hôm trước đây, cả đám mấy chục người câu ở sông Đà, cá chẳng mảy may đớp mồi. ông Dũng mới đến ném mồi đã kiếm con trôi sông tới gần 2 kg làm cả bãi câu bồn chồn. ông Dũng an ủi vui mọi người “ông trời đãi kẻ ngu ngơ”. Nói thế chứ ai chẳng biết ông Dũng có thâm niên câu đã được trên dưới 30 năm, mồi ông làm, cách ông câu đều có bí quyết riêng, chẳng ai có. Chú Phúc mới hôm qua câu lăng xê (chùm sáu lưỡi) trên sông Đà may mắn vớ được con cá trắm đen tới 4 kg về hỉ hả suốt cả tuần. ông Viên đi Bình Thanh - Cao Phong câu đơn, bắt cả đàn rô phi tới hơn chục con, con to tới 2 kg, con nhỏ cũng được dăm lạng. ông Thể trông có vẻ vụng thả câu nhưng vừa đánh lục ao ở Cao Dương được con trắm 9 kg. ông Thạch câu lăng xê trên Mỏ Tám thế nào lại vớ con ngạnh tới gần 3 kg. Trời sao to thế! Còn ông Tuấn đi câu thường xuyên cả hai tuần nay không có mùi tanh của cá. Đó là chuyện thực... ông Lê câu hồ sông Đà vớ con trôi đỏ kéo lên  nặng như mắc tấm lưới, giằng co mười mấy phút rồi đánh phựt cá bơi mất, đổ tại lưỡi nhỏ, tiếc mấy tuần liền. ông Sơn bảo, chỉ cần nhìn phao đưa, đầu cần giật biết là cá gì! Đầu cần giật khục biết là ngạnh, lôi cước phăng phăng ắt là cá măng, cá chày, điềm đạm, dập dìu là đẳng cấp của cá chép, cá trôi... Cá ao, hồ to, cá lòng hồ thuộc hàng  khủng đi câu không để ý cá lôi mất cần như chơi!

Chuyện câu bao giờ mới hết... Câu cá thực ra là thú chơi tao nhã thảnh thơi. Có cảm giác chăm chăm đợt cá, hồi hộp nhìn phao đưa, thót tim cá giật cần. Người câu khấp khởi mừng thầm, dạo này công an tăng cường kiểm soát đã hạn chế được phần nào nạn đánh cá bằng xung điện. Cá về nhiều hơn...

 

 

                                                                       Lê Chung

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục