Tàu chở khách thăm quan các điểm du lịch vùng hồ Hòa Bình.

Tàu chở khách thăm quan các điểm du lịch vùng hồ Hòa Bình.

(HBĐT) - Sau rằm tháng giêng, ai có dịp trở lại vùng sông nước này sẽ có cảm giác thật yên ả, thanh bình. Một vùng quê mà “tiếng gà gáy ba tỉnh cùng nghe”. Không nắng, không gió, chỉ lất phất mấy hạt mưa bụi không đủ ướt áo.

 

Bên này là Kỳ Sơn (Hòa Bình), bên kia là Thanh Sơn (Phú Thọ) và dưới kia là Ba Vì  (Hà Nội) - đều là vùng hạ du sông Đà. Dòng sông Đà như dải thắt lưng xanh, thi thoảng có tiếng máy nổ tạch tạch của tàu chở cát xuôi ngược của những thuyền máy qua sông, vang inh ỏi là tiếng còi xe vọng vào vách núi của tuyến Pheo - Chẹ - Sơn Tây hoặc tuyến Hòa Bình - Phú Thọ. Với sông Đà, có lẽ đoạn sông này còn nhiều đò ngang nhất? Chưa đầy một buổi bộ hành hay một giờ xe máy mà có đến non chục bến đò ngang. Có những bến đò vẫn mang tên của người từng gắn bó lâu dài với nó (như bến đò bà Bầu chẳng hạn), mặc dù người đó đã giải nghệ từ lâu rồi. Bến đò Mộc gắn với sự tích ba anh em Nguyễn Tuấn (Đức Thánh Tản) từ bên kia Thanh Thủy - Phú Thọ sang núi Ba Vì - Hà Nội kiếm củi nuôi nhau. Một buổi chiều  về muộn, vì lỡ đò họ làm lán ngủ qua đêm và gặp Thủy Tinh (con vua Thủy Tề) nên kết nghĩa anh em, từ đó có đền Hạ như ngày nay. Trước đây, đò ngang chỉ bơi bằng mái chèo, rất vất vả, sau giải phóng miền Nam năm 1975, đò mới được lắp máy nổ. Một lần đi trên một chuyến đò nghe người lái đò vui tính quảng cáo: “Du lịch sông Đà bằng thuyền, miền Nam gọi là ghe, trên thuyền gắn máy, miền Nam gọi là máy cole”. Thật là khôi hài! Thường mỗi chiếc đò ngang có hai người, một người đứng máy cầm lái, một người giúp khách xuống đò và neo đò vào bến. Người lái đò cho biết: Nước sông dù đầy, vơi đều không đáng ngại, sợ nhất là gặp cơn lốc bão. Sau khi khách lên bờ, họ neo đò lại và tiếp tục ngóng sang đôi bờ. Đông vui nhất vẫn là những ngày chợ phiên bên ấy hoặc bên này sông.    Có những lần bóng đêm đã trùm xuống mặt sông, trời lại mưa nặng hạt, đò đã neo vào bến kết thúc một ngày đưa đón khách, bỗng vang lên từ bên kia sông tiếng gọi đò: Đò ơi! Đò ơi! Người lái đò có thể vờ như không nghe thấy bởi giờ này, vợ con đang chờ cơm tối trong ngôi nhà ấm cúng. Đúng là “ngày đàng chẳng bằng gang nước”. Thế là thầy, trò người lái đò lại xuống bến… Tôi chợt nhớ đến bài thơ “Hỏi” của nhà thơ Hữu Thỉnh có câu: “Tôi hỏi nước: Nước sống với nước như thế nào? - Chúng tôi làm đầy nhau… Tôi hỏi người: - Người sống với người như thế nào?...”. Ngày thơ nguyên tiêu lần thứ X vừa qua tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám có ba nhà thơ nước ngoài đọc và dịch bài thơ này ra tiếng Anh và tiếng Việt. Nước sông bao đời nay vốn trong xanh như vẻ đẹp truyền thống của thơ ca, luôn “làm đầy nhau” và từ đó nâng cao những chuyến đò và con người. Ngày nay, con người - với sự tiến bộ của khoa học - đã đối xử với sông tử tế hơn trước, họ kè dọc đôi bờ sông, bắc cầu cao lên mặt sông hoặc làm đường hầm chui dưới đáy sông cho tàu thuyền thả sức qua lại trên sông. Ngày lại ngày, năm lại năm, hết đời này sang đời khác, những chuyến đò ngang cứ qua lại trên sông nối đôi bờ cách trở...

 

                                                               Đinh Đăng Lượng

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục