(HBĐT) - Hai vợ chồng Pày - Hiền sống với nhau đã gần chục năm nhưng chưa con cái gì, đã nhiều lần vợ anh đi tìm thầy, tìm thợ mà cũng chưa thấy đơm hoa, kết trái. Pày thương Hiền, người con gái Mường Vang đã thương yêu anh, là thương binh cụt chân đi lại vất vả, cặm cụi sửa xe đạp để kiếm đồng ra, đồng vào đỡ đần cho vợ nên cô đã đồng cam, cộng khổ gắn bó với chồng gần chục năm.

 

Hiền là cô gái đảm đang hay lam, hay làm, chịu thương, chịu khó, mấy lần sảy thai nhưng cô chưa bao giờ than phiền với chồng điều đó, Con gái gần 30 xuân mà chưa con cái cứ trống vắng làm sao ấy… Nhiều lần chồng đi vắng, cô ôm gối khóc thầm một mình và mong ước mình sẽ có một đứa con để bế ẵm… Vào thời gian đó, Bùi Văn Đông, người Nông Cống (Thanh Hóa) là bạn thân của Pày thời chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị năm 1972 ra thăm hai vợ chồng bạn. Khi biết vợ chồng anh muộn đường con cái, Đông đã mách cho Hiền là ở  quê anh có bàứ mế người Hòa Bình vào Thanh Hóa từ lâu, biết bài thuốc chữa vô sinh đã giúp cho nhiều người có con đàn, cháu đống! Khi Đông ra về, Hiền cứ nằng nặc xin Pày cho đi Thanh Hóa chữa bệnh và đã hơn một tháng rồi chưa thấy vợ về.

 

Ngày ở thành cổ Quảng Trị, nếu không có Đông thì Pày đã chết trong làn đạn pháo của địch rồi. Đông gầy yếu, mảnh khảnh, cố kéo, cố cõng Pày ra khỏi làn đạn của địch, khi địch bắn đạn khói (hóa học), Pày ho sặc sụa, Đông đã lấy khăn mặt nhúng nước chùm qua miệng rồi lôi Pày ra khỏi đám khói bụi ấy!...

 

Chuyến xe Nho Quan - Vụ Bản  qua Mường Cả đang đi từ từ về phía quán sửa xe đạp của người thương binh, chiếc xe dừng lại ngay cửa quán của Pày, gần lối vào Mường Chiềng, xã Liên Vũ. Một người đàn ông khoảng trên 30 tuổi và một phụ nữ xuống xe, dắt tay một đứa bé khoảng 11-12 tuổi đen cháy. Đứa bé có vẻ ngần ngại bước theo người phụ nữ, mắt ngó nghiêng khắp gian quán trống tuềnh, trống toàng. Pày nhìn trân trân mấy người vừa xuống xe, anh không tin vào mắt mình nữa nhưng rồi anh ngạc nhiên kêu lên: Đông, Hiền…! Có phải Đông, Hiền đấy không?

 

Người phụ nữ dắt tay đứa bé đến quỳ xuống trước mặt Pày giọng run tun nghẹn ngào: Anh Pày, em xin anh tha tội, đã làm anh lo lắng lắm phải không? Nhưng khi nghe anh Đông kể về những ngày các anh chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, em đã bắt anh Đông đưa đến đấy và đã tìm được thằng Bắc, nó là con anh đây này.

 

Ngày ấy, trước khi cuộc tấn công Quảng Trị của ta diễn ra (31/3/1972), những người lính trinh sát đã phải lăn lộn khắp các cứ điểm của địch ở Quảng Trị để vẽ sơ đồ các mục tiêu cho pháo ta bắn và bộ binh đánh chiếm các cứ điểm địch. Tổ trinh sát của Pày do Đông làm tổ trưởng đã bám trụ từ trước tết hàng tháng trời và ở nhờ nhà Linh, cô du kích Gio Cam, có hai mẹ con che giấu trong vườn nhà. Linh vừa cung cấp tình hình địch, vừa lo cơm nước cho tổ trinh sát nhưng một lần, Pày bị sốt đã phải nằm trong hầm mấy ngày liền. Lúc đó, do tình hình rất khẩn trương, Đông dẫn số trinh sát còn lại tiếp cận mục tiêu để hoàn thành bản sơ đồ khu vực hỏa lực địch, gửi cho Linh, cô du kích bí mật đưa ra cho sư đoàn và chính những ngày gần gũi chăm sóc cho anh lính trinh sát trẻ tuổi của Sư đoàn 308 ấy. Cô du kích Gio Cam dũng cảm, xinh đẹp đã yêu anh lính trinh sát quân giải phóng, người con trai đất Mường Hòa Bình 20 tuổi, trắng trẻo, đẹp trai, nói năng nhỏ nhẹ và cứ mỗi khi gặp Linh là lại đỏ bừng mặt nói năng ấp a ấp úng không ra đầu, ra cuối… Những cử chỉ ấy không qua được con mắt Đông, người tiểu đội trưởng trinh sát hơn Pày vài tuổi quê gốc ở Hòa Bình vào Nông Cống (Thanh Hóa) từ lâu. Đông nhập ngũ năm 1970 trước Pày hai năm, anh đã tham gia trinh sát ở cứ điểm 500 trong chiến dịch đường 9 - Nam Lào năm 1971. Người tiểu đội trưởng rất yêu thương đồng đội ấy từng qua trận mạc đã có vợ, con và có lần anh nháy mắt với người đồng hương bảo: Này Páy, mày liệu đấy, có gì cũng phải sau ngày giải phóng đã… Nhưng Đông rất có tình người, anh không muốn ngăn cản bạn vì khi bước vào trận chiến ác liệt, những người lính trinh sát có thể sẽ không còn trở về nữa… Khi chia tay để dẫn đường cho đơn vị tấn công, Linh đã ôm lấy người lính trinh sát trẻ và khóc hết nước mắt… Pày hứa sau ngày chiến thắng sẽ về tìm Linh… Nhưng chiến trường Quảng Trị ngày càng ác liệt, nhất là khi địch thay tướng Ngô Quang Trưởng ra Quảng Trị làm Tư Lệnh chiến trường và hô hào tái chiếm lãnh thổ thì bom đạn, chất độc hóa học địch dội xuống làm cho Quảng Trị rung chuyển ngày đêm. Sau khi chịu nhiều tổn thất, các đơn vị của ta phải rút khỏi thành cổ Quảng Trị và chuyển về phía tây bám trụ những vị trí then chốt cho đến khi Hiệp định Pari có hiệu lực nhưng Bùi Văn Pày đã bị thương trước đó, khi bám trụ trong Thành cổ Quảng Trị, cụt mất một chân. Anh được Bùi Văn Đông cùng đồng đội vượt qua lửa đạn, đặt lên cây chuối làm phao bơi qua sông Thạch Hãn rồi chuyển ra Bắc…

 

Năm 1984, CCB tỉnh Thanh Hóa cho những người đã chiến đấu ở Quảng Trị về thăm lại chiến trường xưa và Đông đã lặn lội đến Gio Cam tìm Linh, cô du kích năm xưa mà tiểu đội trinh sát của anh có rất nhiều kỷ niệm và cũng để hỏi thăm tình hình về cô du kích Nguyễn Thùy Linh đã cưu mang giúp đỡ tiểu đội trinh sát của Đông rất nhiều… Nhưng bà con, cô bác đã kể cho Đông nghe câu chuyện rất đau lòng về người nữ du kích một thời xông pha trận mạc giúp đỡ các đơn vị quân giải phóng, góp phần làm nên chiến thắng Quảng Trị ngày ấy. Cuối năm 1972, Linh sinh được một bé trai kháu khỉnh đặt tên là Bùi Văn Bắc (Linh bảo bố cháu là người Bắc nên đặt tên con để sau này bố cháu có tìm thì dễ nhận nhau). Bà con biết Linh rất có tình cảm với bộ đội nên không ai căn vặn điều gì. Cho đến ngày giải phóng, hai mẹ con Linh ở với bà ngoại nhưng sau ngày 30/4/1975, do tuổi cao, sức yếu và mấy lần bị sức ép của bom nên bà ngoại ốm yếu rồi mất. Hai mẹ con Linh được cô bác giúp đỡ đã cố gắng nuôi nhau và hàng ngày chờ mong tin tức của Pày, người lính trinh sát năm xưa nhưng Quảng Trị là nơi mà giặc Mỹ đã dội bao bom đạn xuống mảnh đất lịch sử ấy. Sau chiến tranh, tuy không còn tiếng súng nữa nhưng số lượng bom, mìn địch thả xuống Quảng Trị mà báo chí phương Tây đã nói số bom, đạn Mỹ dội xuống Quảng Trị tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hi -rô-si-ma (Nhật Bản) năm 1945. Không may vào một buổi sáng mùa hè năm 1980, Linh đi làm vườn cuốc phải bom bi, một tiếng nổ xé tai và độc ác thay, loại kẻ thù giấu mặt ấy đã giết chết Linh, thế là cháu Bắc còn lại một mình… ông Trưởng thôn xin bà con cho gửi cháu Bắc vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nuôi dưỡng để cháu được học hành và sau này có chế độ cho cháu.

 

Ngày Đông và Hiền đến Trung tâm BTXH, địa phương yêu cầu xuất trình các giấy tờ, viết bản cam kết là phải nuôi cháu Bùi Văn Bắc thành người.

 

Ngày hôm ấy, cả Mường Chiềng, xã Liên Vũ (Lạc Sơn) kéo đến quán sửa xe của người thương binh chật kín, mừng cho vợ chồng Pày đã có một đứa con. Bà con Mường Chiềng và ông Trưởng xóm Bùi Văn Quang (là lính từng chiến đấu ở Quảng Trị) ủng hộ Pày một con lợn (hơn 40 kg) và 2 vò rượu cần, làm cho buổi đoàn viên của gia đình người thương binh đông vui, nhộn nhịp từ sáng đến tối. Bà con ai cũng ngất ngây trong hơi men, trong tình làng, nghĩa xóm.

 

 

                                                       Bút ký của Bùi Xuân Phong

                                                   (Tổ 27, P.Phương Lâm - TPHB)

 

Các tin khác


Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục