Thiếu nữ bên rừng xuân. Ảnh: Quốc Dũng (T.T.V)

Thiếu nữ bên rừng xuân. Ảnh: Quốc Dũng (T.T.V)

(HBĐT) - Dường như mùa xuân đang lặng lẽ đi qua. Đâu chỉ nhờ vào những vạt nắng vàng nhàn nhạt loang lổ ven rừng, dưới những chân đồi thấp thoải xuống những bản làng Mường - mà còn là những cây lá trong vườn nhà cho tôi cảm giác đó. Dẫu không phải là trang trại hàng chục ha đồi, chỉ với vài ngàn mét vuông đất dốc do cha ông để lại cũng có một khu vườn với nhiều loài cây, đủ loại: cây cảnh, cây ăn quả và cây lấy gỗ. Mùa nào cũng hoa, cũng quả trong vườn đã trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với tôi từ bao giờ không nhớ nữa.

 

Mùa nào cũng có hoa nhưng chỉ mùa xuân là nhiều hoa nhất. Hoa xoan tím nhạt trước gió lay phơ phất cuối vườn. Cây lau, cây chung (cây lau đá), cây ngả (cây chít) là thứ cây thân cỏ nên đời cây chỉ với một mùa hoa. Hoa nở trắng lốp như đuôi thỏ, đuôi chồn, đuôi sóc… ven vườn nhà, sau mấy tháng trời rồi tàn lụi, trong đó, cây chít được mệnh danh là cây  “sống chết vì người”. Lá chít xanh mơn mởn  dùng gói bánh ốc để “ông mờ” (ông mối) làm quà  đi “nòm” (đặt vấn đề) với nhà gái. Bông chít bện chổi vừa mềm mại, vừa bền chặt, góp phần làm cho sạch bụi  quanh mỗi người, mỗi nhà. Ngày nay, dọc QL6 rất nhiều cơ sở sản xuất chổi chít  xuất khẩu mọc lên với  hàng trăm lao động, thu hút nguồn bông chít cả vùng Tây Bắc nước ta. Nhưng dường như con người tin rằng cây chít “sống chết vì người” nên đến nay chưa có tài liệu nào nêu trữ lượng bông chít của bất cứ địa phương, vùng đất nào và chưa có quy hoạch trồng, chăm sóc nó? Công nhân từ các cơ sở công nghiệp bị đình đốn sản xuất và số nông nhàn được cuốn hút vào các cơ sở chổi chít nói trên lên đến hàng ngàn người - như một cứu cánh cho vấn đề giải quyết việc làm trong thập niên đầu của thế kỷ  21 đối với vùng đất này.

 

Trên đây là đôi nét về những cây  ra hoa vào mùa xuân  nơi ven vườn nhà . Song có lẽ đa sắc, đa hương là những cây ăn quả trong vườn. Hoa bưởi trắng trong như nổ ngô, hoa thơm ngào ngạt, thanh khiết làm ngây ngất cả người. Cây bồ quân, cây bởi như người làm ruộng  đang phải chạy đua với thời tiết, mùa màng nên vừa ra hoa, vừa thay lá mới - lá  già xen lẫn lá non. Chẳng nhẩn nha, tuần tự như cây lộc vừng kia - phải dũ sạch lá già mới  bung nở lá non mơn mởn như cây nấm khổng lồ trồi lên mặt đất sau cơn mưa. Phải rồi - hoa cây lộc vừng sau vài ngày buông rèm hoa quanh gốc, hoa sẽ tàn như xác     pháo - ra hoa chẳng cần kết trái! Vầng hoa cây xoài, cây hồng bì, cây nhãn bồng bềnh vượt lên khỏi tán lá như mâm xôi vò, xôi gấc. Cũng ra hoa, kết trái như bưởi, như cau nhưng hoa chẳng có hương thì bù lại hoa mấy cây này vượt lên mà khoe sắc, mà đón nắng ấm đang về!. Cũng như kiếp người  thôi  mấy ai có được cả hương lẫn sắc.

 

Trở lại với cây bồ quân nói trên, đây là cây ăn quả có tuổi thọ cao nhất trong vùng Mường chăng? Nếu còn trên đời này, bố mẹ tôi  đã trên trăm tuổi, thế mà  thuở nhỏ các cụ đã từng trèo cây bồ quân hái quả. Những năm tháng của thế kỷ trước, chị em chúng tôi còn theo học phổ thông, mẹ tôi ở tuổi trên 60, lưng đeo ớp (giỏ) đã nhiều lần leo trèo những ngọn vươn, cành lả mà hái từng quả bồ quân chín. Những xâu bồ quân chín như chuỗi tràng hạt được bày bán ở các chợ Cò, Đồn, Pheo, Phương… Cùng với những buồng cau, chùm hồng bì, bó lá trầu không… là những xâu hồng bì ấy đã tích cóp tiền nuôi chị em chúng tôi ăn học thành người. Bố tôi có lần trầm ngâm nói: “ruộng ít, của nả chẳng có gì, bố mẹ cho các con học lấy cái chữ  để mà làm người!”. Hoa cây bồ quân trăng trắng, nhỏ xíu như khuy bấm, “áo cài khuy bấm em làm khổ tôi” (Nguyễn Bính) khiêm nhường nép mình sau tán lá, quả lớn dần và chuyển từ màu xanh lơ sang màu nâu hồng và màu tím  thẫm. Đã mấy lần các “cò cây cảnh” gạ mua đưa về xuôi, chiều lòng khách tôi nói vui: Mình còn chưa định giá nổi nên chưa thể bán được. Nói vậy thôi,  cứ ra hoa  kết trái  đi hỡi đại thụ bồ quân - cây là chứng nhân cho mảnh vườn này,    cho gia tộc này với những năm tháng khốn khó  của mấy đời người - làm  sao  mà bán được!

 

Mùa xuân năm ngoái, mùa xuân năm nay  và còn những mùa xuân sau, mặc cho “bao người đã ra đi, bao người còn ở lại”  thì  hoa trong vườn cứ nở.  Sau lần trẩy hội thơ nguyên tiêu ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lên núi Ba Vành vãn cảnh chùa, lên đỉnh thiêng Yên Tử  thắp hương, chiêm bái Phật Hoàng Trần Nhân Tông, tôi lại trở về tha thẩn trong vườn nhà. Hoá ra mùa xuân đâu chỉ ở nơi lễ hội “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” (Nguyễn Du) - mà mùa xuân đang ở quanh ta, ngay trong ta. Hoa cứ nở cho con ong, con bướm, con chim tìm về. Con chim thì bắt sâu, con ong thì hút mật, còn con  bớm trắng như đồng bạc hoa xoè cứ bay đi bay lại  như thêu hoa, dệt nắng, như nói với chủ nhân của khu vườn: trong khu vườn này đang là mùa xuân - mùa hoa.

 

 

                                                        Bút ký của  Đinh Đăng Lượng

 

Các tin khác


Ấn tượng mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Năm học 2023 - 2024, Trường mầm non Bắc Sơn, xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi có 247 trẻ, chia thành 11 nhóm, lớp. Nhà trường có 36 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; 96,4% trẻ là người dân tộc Mường và dân tộc Dao. Bên cạnh thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ theo đúng quy định, nhà trường còn tạo dấu ấn với mô hình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa Mường.

Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục