Trống đồng và dàn chiêng Mường trong Bảo tàng Hòa Bình.

Trống đồng và dàn chiêng Mường trong Bảo tàng Hòa Bình.

(HBĐT) - Nhìn và nghe Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thị Thi trả lời phỏng vấn trên VTV, tôi hết sức ngỡ ngàng, ký ức về một thời bỗng sống dậy trong tôi.

 

Thi là con đầu của nhà thơ Nguyễn Tấn Việt, người từng đoạt giải nhất cuộc thi thơ của Báo Văn nghệ (Hội nhà văn Việt Nam). Là cử nhân Anh văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội từ những năm 70 của thế kỷ trước nhưng ra trường không được bố trí công tác chỉ vì một chút “tỳ vết” trong lý lịch.

Những ông già bà cả làng Lam Điền (Chương Mỹ, Hà Nội) bây giờ vẫn nhớ hình ảnh một chàng trai tay cầm cày theo trâu trên đồng nhưng miệng thì ngâm nga đọc thơ, vừa thơ bằng tiếng ta vừa thơ bằng “tiếng Tây”. Cày cục mãi, mấy năm sau anh mới xin được vào công tác tại Phòng sáng tác của Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Sơn Bình (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch).

Một lần, nhóm nhà thơ gồm Nguyễn Tấn Việt, Nguyễn Linh Khiếu, Nguyễn Sỹ Đại, Nguyễn Thị Kim Hoa…lên Công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà sáng tác, đã tổ chức nói chuyện thơ và đọc thơ ở hội trường Công ty xây dựng công trình ngầm. Đối tượng nghe là lãnh đạo và cán bộ, công nhân không được dự. Tôi lúc đó là công nhân đóng gạch ở đội đóng gạch của công ty, thèm nghe lắm nhưng mấy lần đến cổng đều bị bảo vệ đuổi ồi ồi. Sau chợt nảy ra một “sáng kiến”, tôi gọi tay bảo vệ ra xa, “đút lót” cho hắn 1 tháng tem phiếu thực phẩm gồm 1,2 kg thịt, 1 kg đường, 2 tấm đậu phụ, 1 bánh xà phòng…mới được hắn dẫn vào, ấn xuống hàng ghế cuối cùng. 

Và thật bất ngờ, hôm sau Việt xuống đội đóng gạch thăm tôi, xem tôi đóng gạch, đọc mấy chương bản thảo cuốn tiểu thuyết lịch sử “Nàng ả Mỵ” tôi đang viết dở. Đọc xong, anh không nói gì, chỉ xiết chặt tay tôi rồi từ biệt. Một thời gian sau, trên tạp chí Văn nghệ Hà Sơn Bình xuất hiện bài thơ “Nhớ bạn Sông Đà” của Việt, với tiêu đề nhỏ “Tặng Vũ Hữu Sự”. Đã quá lâu nên tôi chỉ còn nhớ được vài đoạn: “Mình có hiểu hết đâu những dòng-viết-công-trình/ Bạn lặng lẽ như sông Đà lặng lẽ/ Bạn dữ dội như sông Đà dữ dội/ Như sông Đà, bạn chứa những tiềm năng…”.

Lại một thời gian nữa, Việt đến chỗ tôi, đem theo một cô bé gầy nhẳng “như cái dải khoai”, bảo đó là con gái anh, anh đưa con đi dự thi vào trường Trung cấp Nghệ thuật Tây Bắc đóng tại Hòa Bình. Khi cháu thi đỗ, học xong khoa bảo tàng của trường, ra trường, lấy một anh công nhân, đồng thời nhà thơ Nguyễn Tấn Việt cũng chuyển công tác lên Hòa Bình, mang theo cả một lũ em của Thi là Quyến - Luyến - Luyện - Quỳnh để nuôi chúng ăn học, thì tôi đã học xong đại học và làm báo ở Hà Nội được mấy năm…

Rất lâu rồi mới trở lại chốn cũ, trước khi đi, tôi dò tìm số di động, gọi cho Thi. Nghe tôi xưng tên và nói ý định của mình, bà giám đốc bảo tàng reo ầm lên:

- Trời ơi, chú. Tuyệt vời quá. Bao giờ thì chú lên?

- Ngày mai.

- Vâng mai chú lên nhé, cháu sẽ đón chú.

Đúng hẹn, Thi đón tôi ở bảo tàng tỉnh. Đến lúc đó tôi mới biết sau khi học xong trung cấp, lấy chồng, có con, Thi tiếp tục theo học khoa Bảo tàng ở Đại học Văn hóa Hà Nội, và đã có nhiều đóng góp xứng đáng cho công tác bảo tàng của Hòa Bình. Tôi bảo:

- Nghe nói Bảo tàng Hòa Bình có bộ trống đồng rất nhiều và rất đẹp, chú có thể xem được không?

Bà giám đốc đồng ý ngay và đích thân làm hướng dẫn viên cho tôi. Quả thật là "danh bất hư truyền”. Cho đến nay, có thể nói Hòa Bình là một trong những tỉnh phát hiện và lưu giữ trống đồng nhiều nhất trên cả nước. Năm 1887, khi lấy được chiếc trống đồng tại nhà một viên quan lang người Mường ven sông Đà, viên phó công sứ tỉnh Hòa Bình là Mulie đã đặt tên cho trống đó là “trống đồng Sông Đà” và năm 1889 thì mang về Pháp trưng bày tại Hội chợ Quốc tế Pari. Đó chính là chiếc trống đồng đầu tiên được phát hiện tại Hòa Bình.

Trống Sông Đà là trống đồng Heger loại I theo phân loại mà nhà học giả người áo Heger đưa ra vào năm 1902 và là trống Đông Sơn nhóm A, kiểu I theo sự phân loại của các tác giả nghiên cứu về trống đồng Đông Sơn. Trống có đường kính 0,78 m, cao 0,61 m, còn khá nguyên vẹn. Hiện nay, trống Sông Đà được lưu giữ tại Bảo tàng Ghimê thuộc Cộng hòa Pháp.

Từ năm 1887 đến trước Cách mạng tháng 8/1945, ngoài trống đồng Sông Đà, tại Hòa Bình, người Pháp còn phát hiện thêm 19 trống đồng nữa và từ sau Cách mạng tháng 8/1945 đến nay, chúng ta đã phát hiện tại Hòa Bình 66 chiếc, con số này chắc chắn chưa phải là con số cuối cùng. Trừ trống đồng Sông Đà, tất cả đều được lưu giữ tại Bảo tàng Hòa Bình. Phần lớn trống đồng Hòa Bình là trống Heger loại II, được các nhà nghiên cứu chia thành 4 nhóm. Hai nhóm A, B là trống lớn, có hoa văn trang trí theo xu hướng hình học hóa, và là những trống xuất hiện sớm nhất. Trống nhóm C có nhiều sáng tạo cả về tạo dáng lẫn hoa văn trang trí, nhóm D có kỹ thuật đúc “gờ ba góc” mỏng, dẻo, ít bị ôxy hóa theo thời gian…

Thống kê địa điểm phát hiện kết hợp với những thông tin khác cho thấy, phần lớn trống đồng Heger loại II đã xuất hiện và phát triển trong một thời gian dài tới hàng thiên niên kỷ, và tập trung ở những vùng có đồng bào dân tộc Mường cư trú như Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An, trong đó người Mường ở Hòa Bình chiếm số lượng lớn nhất. Vì vậy, việc phát hiện nhiều trống đồng ở vùng đất “nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động” (tên 4 địa bàn lớn nhất, đông người Mường cư trú nhất của Hòa Bình) cũng là điều dễ hiểu.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng người Mường chính là người Việt cổ, do biệt cư lâu đời ở miền ngược nên đã trở thành một tộc người khác với tộc người Kinh dưới đồng bằng. Và sự xuất hiện dầy đặc những trống đồng Heger II ở những “không gian Mường” (từ của cố GS Trần Quốc Vượng) chính là một bằng chứng rõ nét nhất của truyền thống Đông Sơn, là sự tiếp nối và sáng tạo của nền văn minh Việt cổ. Từ ý nghĩa đó, các nhà nghiên cứu gọi trống Heger II là trống đồng Mường, là hoàn toàn thuyết phục. Trống đồng là báu vật, là tài sản vô giá mà cha ông để lại cho chúng ta và ngàn đời con cháu sau này.

Suốt thời phong kiến, trống đồng đã trở thành linh vật, thành biểu tượng cho quyền lực và quyền uy của các dòng lang đất Mường. Tiếng trống chỉ nổi trong những dịp long trọng. Ngắm chiếc trống đồng, có thể thấy thấp thoáng lịch sử Mường, hay nói khác đi là chính lịch sử Mường đã chẩy triền miên trong tiếng trống đồng, bắt đầu từ thời “đẻ đất đẻ nước”, khi đoàn người hừng hực khí thế theo vua Dịt Dàng đi mở đất dựng mường dưới ánh đuốc đỏ rừng đỏ suối và trong tiếng trống đồng trầm hùng, tiếng trống thúc làm chết cỏ nẩy lúa, làm đất nổi đá chìm. Tiếng trống lan cùng với tiếng loa ngân dài:

Truyền đến mường gần

Truyền đi mường xa

Dòng Lang đất ta

Đã ra cầm binh

Đã ra lĩnh mường…

 

                                                            HBĐT tổng hợp

Các tin khác


Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục