(HBĐT) - Tôi được các bác thường vụ Hội CCB phường Chăm Mát (TPHB) kể cho nghe: CCB Nguyễn Văn Sửu còn được nhân dân phong cho là chủ trại nuôi ong và “ca sĩ lăm tơi”. Tôi vui và trân trọng hỏi ông: Chắc bác hát dân ca Lào hay lắm. ông Sửu cười hiền và nhẹ nhàng trả lời: Đâu có. Chả là năm 1971, sau khi được huấn luyện chính trị, quân sự 5 tháng, tôi cùng đơn vị D618, E320B được lệnh vượt Trường Sơn sang đất nước Lạn Xạng (Triệu Voi) sát cánh và giúp đỡ nhân dân Lào đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược và bọn tay sai của chúng giải phóng đất nước. ở bên đó, tôi tranh thủ học được mấy bài hát dân ca Lào.

 

Trên đường hành quân, tranh thủ những ngày nghỉ, Chính ủy đơn vị đã kể nhiều chuyện vè đất nước và nhân dân các bộ tộc Lào. Chính ủy trang bị cho cánh lính trẻ chúng tôi những hiểu biết cần thiết và có những thiện cảm ngay từ khi đặt chân lên đất nước anh em: “Nước Lào nằm sâu trong phần lục địa Đông Nam á, có lịch sử lâu đời. Có diện tích không rộng và dân số trên dưới 3 triệu người gồm nhiều bộ tộc. Trong đó có khoảng ba mươi vạn người Thay (Phù Thay) người Lào gốc Việt sống chung lưng, nương tựa vào nhau xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhân dân Lào tự hào và quý trọng nền văn hóa lâu đời, phong phú, đặc sắc của đất nước Triệu Voi mình”.

 

Hai nước Việt Nam - Lào có chung biên giới dài suốt từ vùng chóp núi Apachải, Mường Tè - Lai Châu “Nơi con gà gáy ba nước nghe” là Việt Nam, Lào và Trung Quốc kéo dài đến góc chóp ngã ba Đông Dương. Nhân dân hai nước Việt - Lào có quan hệ đoàn kết hữu nghị lâu đời. Từ khi có Đảng Cộng sản Đông Dương, tiền thân của Đảng nhân dân cách mạng Lào sau này. Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập Đảng Cộng sản Đông Dương, lãnh tụ của nhân dân Việt Nam và Tổng Bí thư Đảng nhân dân cách mạng Lào Cayxỏn Phômvihẳn đã lãnh đạo Chính phủ và động viên nhân dân hai nước đoàn kết, kề vai sát cánh chiến đấu anh dũng đánh đuổi giặc ngoại xâm, tay sai của chúng. Giữ gìn tình anh em trong sáng, vững bền giữa hai nước Việt - Lào.

 

Thấm nhuần đường lối của Đảng, nhiệm vụ của quân đội nhân dân Việt Nam lại được chính ủy động viên, khích lệ, đoàn tình nguyệõn quân chúng tôi quên cả khó khăn, mệt nhọc. Hành quân một mạch tới vùng rừng núi rậm rạp rồi đóng quân ở Xavana khẹt sẵn sàng xung trận.

 

Đơn vị chúng tôi phối hợp với một số đơn vị quân đội giải phóng nhân dân Lào liên tục đánh nhiều trận tiêu hao sinh lực địch và giải phóng một vùng dân cư quanh thị xã Xavana.

 

Nơi đóng quân của chúng tôi ở gần một số bản các bộ tộc người Lào gốc Việt. Bà con biết nói tiếng Thái, tiếng Việt luôn gần gũi, thân thiện với quân tình nguyện. Những ngày lễ, tết, bà con mời bộ đội tình nguyện Việt Nam đến dự chung vui.

 

Dân vận là một nhiệm vụ chính trị quan trọng thúc đẩy chúng tôi học tiếng và hát bài dân ca Lào. Việt - Lào Xamakhi (Việt - Lào đoàn kết) là tiếng nói cửa miệng của cánh lính tò te chúng tôi. Ngày hội bunpỉmày (ngày hội năm mới), nhân dân mời bộ đội vào ăn tết. Đoàn đại biểu đơn vị chúng tôi gồm hai chục người. Tôi chưa phải là chiến sĩ xuất sắc nhưng có giọng hát tốt lại thuộc hai bài hát lăm vông và lăm tơi nên cũng được cử đi dự.

 

Vừa uống rượu, vừa múa lăm vông và hát các bài dân ca Việt Nam - Lào. Tôi bước ra trước rất đông bà con Lào xủng, có cả Lào Thay. Không khí yên lặng bất thường làm tôi run, hai chân như rơi đi đâu mất. Tôi cố gắng lên tiếng “ớ chàng trai đó ơi, sao không hát được lăm tơi...” (lời bài hát lăm tơi bằng tiếng Việt). Mới hát được một câu, tiếng hú, tiếng reo và tiếng vỗ tay vang lên làm tôi phấn chấn. Khi tôi quay lại hát bằng tiếng Lào, một cô rồi ba cô gái Lào bước ra cùng hát, múa với tôi.

 

Về đơn vị, tôi được chính trị viên đại đội biểu dương. Từ đó, tôi càng ham mê học tiếng và hát dân ca Lào. Tháng 12/1971, đơn vị chúng tôi phối hợp binh chủng với các đơn vị bạn tập kích tiêu diệt địch chiếm giữ thị xã Xalavan. Bị đánh bất ngờ, bọn lính ngụy bỏ chạy toán loạn bỏ lại nhiều xác chết, súng, đạn và cả lính bị thương. Trong trận tập kích chớp nhoáng và dữ dội ấy, tôi đã phóng ba quả đạn B40 tiêu diệt gần hết một tốp lính đang gọi bộ đàm, chắc là kêu cứu viện binh.

 

Hết tốp này đến tốp khác, các loại máy bay của Mỹ lao đến thả bom và bắn rốc két dữ dội xuống khu quân ta vừa giải phóng. Bọn lính ngụy hoàn hồn lại được máy bay Mỹ tiếp sức đã tổ chức phản công chiếm lại thị xã Xalavan. Chúng tôi được lệnh đưa anh em thương binh và tử thương ra trước. Đơn vị rút ra sau và nhanh chóng củng cố vững chắc phòng tuyến bao vây địch. Suốt thời gian dài vượt qua muôn vàn khó khăn, hiểm nguy chiến đấu kiên cường vì sự sự nghiệp giải phóng đất nước, vì tình đoàn kết keo sơn giữa hai dân tộc Việt - Lào.

 

Đầu năm 1972, chúng tôi được lệnh rút quân về ngã ba Đông Dương. Đầu tháng 3/1972, tiến đánh tiêu diệt địch đóng chốt ở Ngọc Pếch bên bờ sông Pa Cô,  tỉnh Kon Tum. Cuối tháng 3/1972 tiến đánh giải phóng Đắc Tô, Tân Cảnh. Ngày 14/4/1972, tập kích vào thị xã Kon Tum. Trận đánh lớn này, quân đội ta đã sử dụng pháo hạng nặng , xe tăng, pháo H12, ĐKB không nòng cùng các đơn vị bộ binh, cơ giới phối hợp tiến công. Tôi nhớ trong trận đánh này có đồng chí Hoàng Việt Cường là chiến sĩ tiền phong. Nay, đồng chí Hoàng Việt Cường đang giữ trọng trách Bí thư Tỉnh ủy. Trong trận đánh lớn ấy, tôi bị mảnh bom găm vào kheo chân phải, được anh em đồng đội cứu chữa và đưa về trạm quân y tiền phương điều trị. Chân bị tê liệt không còn cảm giác nữa. Tôi nghĩ tình trạng này có lẽ sẽ bị cắt bỏ một chân.

 

Sau 1 tháng sơ cứu, tôi được đưa về Bệnh viện 211 Quân khu 5 điều trị thêm 5 tháng nữa mới chống nạng tập tễnh đi lại được. Tôi phấn chấn lên và nghĩ: Không bị cắt 1 chân là may rồi, tập tễnh hay phải đi bằng ba chân cũng không sao. Hội đồng giám định kết luận tôi mất 43% thể lực, tạm thời cho ra Bắc công tác.

 

Cuối năm 1972, tôi về Tiểu đoàn 541 an dưỡng tại Hòa Bình. ở đây, tôi đã tìm lại được niềm vui. Tôi được giao nhiệm vụ tổ chức đội văn nghệ của đơn vị. Một lần có đoàn đại biểu neo Lào hắc xạt đến thăm, chúng tôi đã biểu diễn văn nghệ chào mừng đoàn. Tôi và một y tá trẻ hát bài lăm tơi. Các đại biểu, đặc biệt là mấy bà neo Lào hắc xạt rất thích bài hát lăm tơi của chúng tôi.

 

Khi ra quân, làm việc ở nhiều đơn vị và khi nghỉ hưu tôi vẫn say mê ca hát. Hầu hết các cuộc liên hoan hội diễn của phường, tỉnh, tôi đều tham gia và hát bài hát lăm tơi, bài tủ của tôi.

 

Mỗi lần vòng tay, nhún chân nhịp nhàng hát bài hát lăm tơi tôi lại nhớ màu xanh của núi rừng, âm thanh của sông suối, tiếng ca của lòng người và tình đoàn kết hữu nghị cứ rung lên đằm thắm, ngời ngời trong trái tim tôi.

 

 

                                                    Truyện ký của Bùi Chí Thanh

                                                (SN 117, tổ 1, p.Chăm Mát, TPHB)

 

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục