(HBĐT) - Năm học như một cây cầu cổ tích bắc qua những kỷ niệm, nối mùa hoa phượng năm trước sang mùa hoa phượng năm sau. Cái “thời hoa đỏ” ấy cứ chói chang, le lói theo suốt đời người. Tuổi học trò như tờ giấy trắng, dù chỉ là vết mực trên vai áo của đứa bạn ngồi bàn trước cũng trở thành dấu ấn dễ nhớ, khó tàn phai trong tâm thức.

 

Vì thế, những cuộc gặp gỡ vào dịp mùa hè là của thầy, cô giáo và bạn học, đồng môn. Trong nhiều “đồng” nhưng chỉ đồng ngũ, đồng môn là những “đồng” có sức sống lâu bền nhất, song gặp gỡ đồng môn đối với học sinh đã cao tuổi thường ít có cơ hội hơn. Cuộc gặp gỡ đồng môn nào mà thiếu vắng các thầy, cô giáo dường như không còn trọn vẹn.

 

Mùa hè năm nay, Ban liên lạc lớp 7 đầu tiên (khóa học 1962 - 1963 của trường THCS Mông Hóa (Kỳ Sơn) chúng tôi được nhà trường mời dự “Đón bằng công nhận trường THCS đạt chuẩn quốc gia và tổng kết năm học 2012-2013”, đồng thời kỷ niệm 50 năm thành lập trường. Do điều kiện không cho phép nên phần kỷ niệm chỉ được lồng ghép vào chương trình. Được thầy Hiệu trưởng cho biết: Có mời các thầy, cô giáo đã từng dạy học ở trường trong nửa thế kỷ qua về dự. Từ sáng sớm, nếu dàn chiêng của các chị em xã Mông Hóa đưa ta về với không gian huyền diệu của xứ Mường xưa thì những vầng hoa phượng đỏ rực rỡ nơi sân trường tạo không khí rạo rực của mùa hè - mùa của chia tay, chuyển cấp, chuyển trường, mùa của nhớ nhung, lưu bút.

 

Các phần chính của buổi lễ cứ phảng phất đâu đó đi qua buổi sáng mùa hè bởi vì với chúng tôi, những cựu học sinh của trường cứ mải miết chú tâm vào phần giới thiệu của thầy Hiệu trưởng Phạm Thế Hiệu về sự có mặt của các thầy, cô giáo ngày ấy. Nửa thế kỷ đi qua, mắt không còn đủ sáng nhưng chúng tôi vẫn cứ muốn căng tròn ra mà tìm kiếm bóng dáng thân thuộc của thầy, cô giáo cho dù đã nhạt nhòa theo năm tháng. Nhiều thầy, cô đã không còn nữa do bệnh tật và tuổi tác, nhiều bạn bè chúng tôi cũng đã vắng bóng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước buổi lễ, chúng tôi đã biết thầy Nguyễn Thượng Hùng, người Hiệu trưởng đầu tiên của trường đã không thể về dự buổi họp mặt do sức khỏe. Thầy Bùi Ngọc Dũng dạy hóa, thầy Kiều Thông dạy toán, cô Đỗ Thị Kim Liên dạy văn… đã có mặt. Đó là những thầy, cô giáo dạy chúng tôi. Các thầy Lê Xuân Thanh, Nguyễn Trần Toại, Nguyễn Đình Quảng, Nguyễn Phúc Trường, Nguyễn Hồng Thanh… là những thầy về trường khi chúng tôi đã chuyển cấp. Các thầy, cô dù có trực tiếp giảng dạy hay không, chúng tôi vẫn gọi là thầy, cô bởi dù sao các thầy, cô đã dạy học ở trường này và tuổi đời cũng là anh, chị chúng tôi. Như thế câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” không còn đúng nữa!. Khi nhận ra gương mặt các thầy, cô, chúng tôi chỉ muốn buổi lễ nhanh chóng kết thúc để được tay bắt mặt mừng, hỏi han, trò chuyện. Kết thúc chương trình là chúng tôi xúm xít lấy các thầy, cô giáo như những đứa con xa được trở về với cha mẹ. Những kiến thức về các môn học do các thầy, cô dạy 50 năm trước đã thành máu thịt của chúng tôi, nuôi lớn chúng tôi nên chẳng ai nhớ nữa, chỉ những cử chỉ đặc trưng của từng thầy, cô là đọng lại. Thầy Hùng to cao, đẹp trai không mũ chỉ dùng tập giáo án che nắng khi đi lại; thầy Thông có giọng hát nam cao vút; cô Liên trẻ đẹp, trong giờ giảng văn mà mắt cứ mơ màng, xa xăm; thầy Dũng dạy hóa người thấp bé hay cười, cứ phải kiêng chân nhìn mới tới hàng ghế sau lớp, ít tuổi lại mới ra trường nên trong lớp có học sinh Ng.V.X. hơn tuổi thầy lại đã có vợ con nên trong lớp thầy gọi X. là em, ra khỏi lớp lại gọi X. là anh. Nhưng gần 40 năm qua, X. đã vĩnh viễn nằm lại vùng đất phía nam Tổ quốc do bom đạn kẻ thù, không còn có mặt trong ngày hôm nay mà ôn lại những kỷ niệm thầy - trò ngày ấy.

 

Báo cáo của nhà trường cho thấy nửa thế kỷ qua có nhiều thế hệ thầy và trò đã trưởng thành từ mái trường này. Nhiều học sinh đã trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, ngành trong tỉnh và trong quân đội. Niềm tự hào chung cho thầy, trò mỗi khi nghĩ tới nhà trường. Chính truyền thống vẻ vang đó là những động lực giúp cho thầy, trò cùng với các cấp chính quyền trong những năm qua phấn đấu dạy, học, xây dựng nhà trường theo các tiêu chí của một trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Tôi đọc được niềm vui đó trên từng ánh mắt rạng rỡ của các thế hệ thầy, trò và các đại biểu về dự buổi lễ này. Bức hình chụp lưu niệm hôm nay giữa các thế hệ thầy, trò và các đại biểu chắc sẽ có mặt trong phòng truyền thống nhà trường bởi đó là tấm hình đông đủ đầu tiên, cũng là cuối cùng của những người từng đồng hành với nhà trường trong suốt nửa thế kỷ qua.

 

Tạm biệt các thế hệ thầy, cô giáo và học sinh, phần đọng lại trong chúng tôi đậm nét là hình dáng khuôn viên chữ U của một mái trường. Tựa lưng vào núi Nai, nhìn ra đường 6, ngòi Móng và xa hơn nữa là sừng sững ngọn Viên Nam, nơi ấy như còn lẩn khuất bóng dáng các chiến binh cuộc khởi nghĩa của các nhà yêu nước xứ Mường: Tổng Kiêm - Đốc Bang, từng làm cho kẻ thù kinh hoàng, bạt vía một thời. Một KCN đang mọc lên trước mắờt, chợ Bãi Nai đã là nơi cuốn hút người mua, người bán của cả một vùng đất rộng lớn Giáp Thượng, Giáp Hạ xưa ngày càng sầm uất. Thầy, trò các thế hệ trường THCS Mông Hóa có mặt trong buổi lễ hôm nay sẽ lại tỏa về bốn phương trời, khắc khoải nhớ về trường, nhất là mỗi khi gặp lại sắc hoa phượng đỏ chói chang.

 

 

                                      Tuỳ bút của Đinh Đăng Lượng

 

 

Các tin khác


Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục