Hội quân trên sông Lục Đầu, điểm nhấn của Lễ hội mùa thu Côn Sơn -Kiếp Bạc.

Hội quân trên sông Lục Đầu, điểm nhấn của Lễ hội mùa thu Côn Sơn -Kiếp Bạc.

Sự linh thiêng cùng với các trò chơi, màn biểu diễn đậm chất dân gian đã tạo nên sức hút mạnh mẽ cho Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc.

 

Đã có từ lâu đời, nhưng mỗi mùa thu tới, Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc vẫn khiến hàng vạn người mong ngóng. Du khách trảy hội với lòng thành kính, và cả những niềm vui.

Niềm vui mùa lễ hội


Từ lâu, Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc là mùa hội lớn của cả vùng chứ không riêng tỉnh Hải Dương. Cứ tới tháng tám âm lịch hằng năm, các công ty du lịch lại thêm vào lịch trình tour lễ hội này. Từ ngày mùng 1-8 âm lịch, du khách từ Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội… cũng như các huyện, thành phố trong tỉnh đã bắt đầu đổ về đi lễ. Trên những con đường dẫn vào hai khu di tích dập dìu người xe qua lại, cờ, phướn, băng-rôn… rực rỡ cả một vùng. Lễ hội mùa thu diễn ra khi tiết trời bắt đầu mát mẻ, bầu trời trong sáng khiến lòng người cũng dịu dàng hơn.

Sức hấp dẫn của lễ hội trước tiên nằm ở sự linh thiêng của hai khu di tích gắn liền với hai vị anh hùng dân tộc: Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi. Du khách tới đây để dâng hương tưởng nhớ bậc tiền nhân, cầu cho bản thân và gia đình mọi điều tốt đẹp. Bà Trịnh Thị Hà ở phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) cho biết, mười năm nay năm nào bà cũng đi đủ hai dịp lễ hội vào mùa xuân và mùa thu. Là người có tuổi nên bà thường chọn những ngày đầu hội, không phải ngày nghỉ để đi cho đỡ đông người. “Tiếng thế thôi chứ đi ngày thường thế này vẫn phải chen nhau đấy. Nhưng lễ xong về mới thanh thản trong lòng” - bưng lễ ra khỏi cửa đền, bà Hà hào hứng nói. Bà còn bảo, ngày 18-8 âm lịch tới, bà sẽ nhờ con cháu đưa tới dự Lễ cầu an và Hội hoa đăng diễn ra vào buổi tối, những nghi lễ thiêng liêng và mang vẻ đẹp của lòng nhân ái.

Nếu như những người già như bà Hà chỉ quan tâm tới các nghi lễ dâng hương, cầu khấn thì rất đông những người trẻ về trảy hội còn thích thú với những màn biểu diễn đẹp mắt của đội múa lân, múa rồng, trò múa rối nước… Anh Trần Đức Anh (thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) nghỉ một ngày làm đưa vợ đi lễ trước ngày chính hội. “Thứ 7 tới, tôi với các bạn sẽ sang đây sớm để xem Lễ rước bộ với Hội quân trên sông Lục Đầu. Hôm ấy chúng tôi chỉ đi chơi thôi, chứ làm lễ thì từ hôm nay rồi. Năm ngoái tôi xem Lễ hội quân rồi, thấy hoành tráng và độc đáo quá nên năm nay rủ thêm một số người đi cùng cho vui”- anh Đức Anh cho biết.

Những màn biểu diễn nghệ thuật dân gian thường thu hút đông đảo người xem. Sân khấu rối nước bắc giữa hồ cạnh đền Kiếp Bạc được vây kín bởi khán giả dù các tiết mục diễn ra giữa trời nắng, chỗ người xem không có mái che. Những tiếng cười tán thưởng trước một tích trò hay khiến các nghệ nhân quên hết mệt nhọc khi phải ngâm mình dưới nước biểu diễn. Lễ hội năm nay có sự tham dự của 3 phường rối nước đến từ xã Thanh Hải (Thanh Hà), Hồng Phong (Ninh Giang), Lê Lợi (Gia Lộc), giúp chương trình biểu diễn phong phú, hấp dẫn người xem hơn vì phường rối nào cũng cố gắng mang tới đây những tích trò hay nhất của mình.

Hàng chục vạn người không quản ngại đường xa đến với Côn Sơn - Kiếp Bạc và quay trở lại nhiều lần không chỉ bởi sự linh thiêng của hai khu di tích mà còn bởi họ tìm thấy cả những niềm vui trong lễ hội truyền thống này.

Lễ hội truyền thống thuộc về người dân


Có đến những lễ hội như Côn Sơn - Kiếp Bạc mới thấy không phải  khi nào người dân cũng thờ ơ với văn hóa truyền thống. Ngoài yếu tố tâm linh thu hút đông đảo người về cúng lễ tại đền Kiếp Bạc, đền Nam Tào, đền Bắc Đẩu, chùa Côn Sơn, đền Nguyễn Trãi, các trò chơi, các màn biểu diễn đậm chất dân gian tạo nên sức hút mạnh mẽ cho Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc. Và quan trọng hơn cả là cả phần lễ lẫn phần hội được tổ chức đều hướng về phía người dân, đúng như bản chất của các lễ hội truyền thống của dân gian.

      
           Du khách trảy hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2012

Trong các nghi lễ linh thiêng như: Lễ cáo yết tại đền Kiếp Bạc, xin phép mở cửa đền, tổ chức hội mùa thu; Lễ rước bộ và tưởng niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Lễ dâng hương tại đền Nam Tào, đền Bắc Đẩu, Lễ rước, dâng hương tưởng niệm 571 năm ngày mất Anh hùng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới Nguyễn Trãi… đều có sự tham gia của nhân dân xã Hưng Đạo và phường Cộng Hòa. Người dân địa phương vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các nghi lễ, làm những phần việc mà cha ông họ từ nhiều đời trước vẫn làm và truyền lại. Anh Lê Duy Mạnh, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc) cho biết, từ năm 2006, khi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bắt đầu phục dựng lễ hội theo đúng truyền thống lâu đời, Phòng Nghiệp vụ đã phối hợp với nhiều đơn vị, nghệ nhân, nhà văn hóa, người dân địa phương tại xã Hưng Đạo, phường Cộng Hòa để khôi phục các nghi lễ đầy đủ và bài bản như xưa. Cách thức tế lễ, rước bộ, dâng hương được thống nhất trong các đội tế của các thôn và mỗi mùa lễ hội, người dân nơi đây lại rộn ràng náo nức khi thấy đội tế, đội rước thôn mình tham dự và tạo nên sự uy nghi, trang trọng của các lễ nghi. 

Múa rối nước, bơi chải, diễn xướng Hội quân trên sông Lục Đầu đều là những màn biểu diễn phục vụ đông đảo khách tham quan, được tổ chức trong không gian rộng và mở. Tất cả đều mang hương vị dân gian truyền thống, khiến người xem không khỏi bâng khuâng khi biết rằng từ hàng trăm năm trước cha ông mình cũng đã xem những tích trò, những màn biểu diễn, những cuộc đua trên sông nước như thế này. Dự Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, du khách luôn cảm thấy ấm lòng vì lễ hội này được tổ chức hướng về người dân.

Chương trình Lễ hội ngày 21-9 (17-8 âm lịch)

- 6 giờ đến 7 giờ: Lễ rước bộ
- 7 giờ đến 8 giờ: Hội trống và múa rồng
- 8 giờ đến 9 giờ: Lễ tưởng niệm Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và Khai hội Côn Sơn - Kiếp Bạc mùa thu
- 9 giờ đến10 giờ: Hội quân trên sông Lục Đầu
-10 giờ đến11 giờ: Lễ dâng hương tại đền Nam Tào, đền Bắc Đẩu
- 19 giờ đến 23 giờ: Diễn xướng hầu thánh (tại sân đền Kiếp Bạc)
Vé vào khu di tích Côn Sơn: 15.000 đồng/lượt. Vé vào khu di tích Kiếp Bạc: 15.000 đồng/lượt. Vé trông giữ phương tiện: ô-tô từ 24 chỗ ngồi trở lên: 15.000 đồng/lượt, ô-tô từ 12-23 chỗ ngồi: 12.000 đồng/lượt, ô-tô dưới 12 chỗ ngồi và xe lam: 10.000 đồng/lượt, xe máy: 2.000 đồng/lượt, xe đạp: 1.000 đồng/lượt. Những trường hợp thu quá giá vé quy định, du khách có thể gọi điện tới số máy: 03203.882.400 để phản ánh.

 

                                                                                      

                                                                         Theo Báo HaiDuong

 


Các tin khác


Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục