Điểm du lịch văn hoá tâm linh chùa Khánh, xã Yên Thượng thu hút đông đảo du khách vào dịp đầu năm.

Điểm du lịch văn hoá tâm linh chùa Khánh, xã Yên Thượng thu hút đông đảo du khách vào dịp đầu năm.

(HBĐT) - Nói đến Cao Phong, người ta thường nghĩ ngay đến một trong bốn vùng Mường cổ nổi tiếng của tỉnh: nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động. Mường Thàng từ lâu được biết là vùng đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Cao Phong có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, trù phú với nhiều danh thắng chứa đựng những huyền thoại đã đi vào lịch sử. Nơi đây còn lưu giữ những nét đẹp truyền thống trong nếp sống, sinh hoạt, kiến trúc nhà ở của cộng đồng người Mường đã và đang hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn khách du lịch, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp không khói của huyện.

 

Cao Phong là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch với những địa điểm từ lâu đã hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế như bản du lịch Giang Mỗ (xã Bình Thanh). Bản có hơn 100 nóc nhà sàn truyền thống còn giữ nguyên bản sắc từ nhà cửa đến nếp sinh hoạt của người Mường. Cũng trên địa bàn xóm Mỗ, du khách có thể đến thăm di tích lịch sử chiến công diệt xe tăng của Anh hùng Cù Chính Lan, nơi có Tượng đài khắc họa hình tượng người anh hùng mưu trí, quả cảm đánh xe tăng trên đường số 6 gắn liền với chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta trong Chiến dịch Hòa Bình lịch sử. Vào mùa xuân, đến với Cao Phong, du khách thường đến với các địa điểm du lịch tâm linh như đền chúa thác Bờ trong chuỗi du lịch lòng hồ Hòa Bình, hàng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan và đi lễ. Rời đền chúa thác Bờ, chúng ta đến với chùa Khánh (xã Yên Thượng). Đây là điểm du lịch văn hóa tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương vào dịp đầu năm. Hiện nay, huyện đang tiến hành đầu tư xây dựng chùa Quèn Ang ở xã Tân Phong, di tích lịch sử gắn với sự tích “Vườn hoa núi Cối” - một tích truyện nằm trong phần mo sử thi mo Mường Hòa Bình, một câu chuyện tình được thầy mo kể cho người đã khuất trong 12 đêm trước khi về Mường Trời. Đồng chí Bùi Văn Tín, Chủ tịch UBND xã Tân Phong phấn khởi cho biết: Hiện nay, công trình đang được gấp rút hoàn thành. Khi đưa vào sử dụng, chùa sẽ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của bà con trong và ngoài xã. Đây cũng là địa bàn để huyện phục dựng lễ hội Khai hạ đầu năm của người Mường. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng ngôi chùa 9 tháp với diện tích 400 m2 trên đỉnh núi khu vực có sự tích “Vườn hoa núi Cối”. Quần thể du lịch khi đưa vào sử dụng cũng góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

        

Quần thể hang động núi Đầu Rồng với nhiều nhũ đá tự nhiên đẹp tuyệt vời do tạo hóa ban tặng.

 

Cùng với những khu du lịch trên, đến Cao Phong, du khách sẽ thấy ngay vùng đất trù phú với những vườn cam, mía trải dài như một thảo nguyên xanh mướt. Đây cũng là tiềm lực để huyện định hướng phát triển du lịch sinh thái. Với tiềm năng của nhiều loại hình du lịch như sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh, thăm quan các điểm di tích lịch sử, gần đây có thêm loại hình du lịch khám phá hang động. Những năm qua, huyện đã ban hành nghị quyết về phát triển du lịch, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trên địa bàn huyện, từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch. Theo đó, các tuyến, cụm, điểm du lịch được quy hoạch định hướng như tuyến du lịch Bình Thanh - Thung Nai - lòng hồ sông Đà với các điểm làng cổ dân tộc (Mường, Dao) thăm làng nghề truyền thống (dệt thổ cẩm); thăm quan khu di tích lịch sử diệt xe tăng của Anh hùng Cù Chính Lan, đền Bờ, du lịch sinh thái hồ Hòa Bình; tuyến du lịch Tân Phong - Dũng Phong - Yên Lập - Yên Thượng thăm di tích lịch sử văn hóa chùa Quèn Ang, “Vườn hoa núi Cối”, chùa Khánh, du lịch bản Mường xã Yên Thượng, Yên Lập; tuyến thị trấn Cao Phong - Xuân Phong với du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch hồ Cạn Thượng, thăm làng dân tộc Mường xóm Cạn, Mừng (xã Xuân Phong). Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch khác như xây dựng các tuyến đường giao thông; quản lý, khai thác tốt các loại hình vận tải đường sông, đường bộ; phát triển hệ thống dịch vụ như nhà nghỉ, khách sạn. Đặc biệt, hiện nay, quần thể hang động núi Đầu Rồng tại khu 3, thị trấn Cao Phong được Bộ VH-TT&DL cấp bằng di tích cấp quốc gia năm 2012 là tâm điểm được huyện quan tâm đầu tư. Với địa bàn thuận lợi cách QL 6 khoảng 500 m, dãy núi này dài hơn 1 km, độ cao khoảng 200 m so với chân núi. Trong dãy núi có nhiều hang động đẹp liên kết với nhau tạo thành quần thể như Hoa Sơn thạch động, động Không Đáy, Nhãn Long Sơn động, Phong Sơn động, hang Nước, động Thanh Thủy. Mỗi hang động là kỳ quan tuyệt vời của tạo hoá ban tặng. Bước đầu, huyện đầu tư hạ tầng sơ bộ bảo vệ danh lam thắng cảnh khu di tích tổng giá trị gần 3 tỷ đồng. Chuẩn bị khởi công xây dựng đền Thượng Bồng Lai tại chân núi Đầu Rồng với diện tích 4.000 m2, tổng dự toán 33 tỷ đồng.

 

Cùng với đó, huyện tích cực triển khai các chương trình phát triển du lịch như tuyên truyền, quảng bá du lịch, tham gia các hội chợ, đẩy mạnh xúc tiến - thương mại - du lịch, khôi phục các lễ hội của đồng bào dân tộc như lễ hội khai hạ của đồng bào Mường, tết nhảy của người Dao, khôi phục sản phẩm truyền thống như dệt thổ cẩm nhằm phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa của vùng, đồng thời hấp dẫn khách du lịch. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2013, toàn huyện đón trên 70.023 lượt khách với doanh thu đạt 3,4 tỷ đồng. Trong đó, khách quốc tế có 2.685 lượt khách, khách nội địa 67.338 lượt. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND huyện, sự phát triển du lịch của huyện chưa tương xứng với tiềm năng, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, khách du lịch đến với huyện chủ yếu trong ngày mà chưa ở lại lâu dài, ngân sách đầu tư cho hoạt động phát triển du lịch còn hạn chế. Đây là những vấn đề đã và đang được huyện quan tâm. Trong thời gian tới, huyện chú trọng tập trung đầu tư nguồn kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng; tăng cường tuyên truyền, quảng bá du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống... Đây được coi là giải pháp then chốt thúc đẩy ngành du lịch của huyện phát triển.

 

                                                            Hương Lan

 

 

Các tin khác


Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục