(HBĐT) - Còn gần một tháng là đến tết, tết đầu năm, tết to nhất, vui nhất. Trai, gái thi leo núi, ném pó po, đánh tẩu tu lu, thi thổi khèn, nhảy múa. Vui trong bụng và sướng chân tay là chơi trò một vợ, hai chồng. Nghĩ nhiều thứ, tiếc nhiều thứ nhưng ở nhà vui tết mà không đi bộ đội đánh giặc, giữ lấy núi rừng, đồi nương và đất nước Việt Nam của mình thì xấu hổ lắm.

 

Cả vùng Khau Phạ cao hơn đầu ông trời, bà trời chỉ có một mình A Chu là con trai người Mông đợt đi bộ đội đợt này. Nhiều con trai người Thái, người Mường, người Dao cũng không ở nhà ăn tết năm này, đi bộ đội đánh giặc. Vậy sao mình lại tiếc mà không đi. Phải đi ngay thôi. A Chu vội vàng chào bố mẹ rồi chạy ào xuống núi. Hai chân nhanh hơn, đầu không được quay lại, phải đến UBND xã trước mọi người. Vừa chạy, A Chu vừa nói một mình: “A Chu phải được mặc quần áo, đội mũ bộ đội có sao vàng, phải được học làm bộ đội Cụ Hồ”.

 

Hai người con trai Mông: Vàng A Thào ở đỉnh đèo Pha Đin, Lù A Thàng người Pú Luông sương mù cũng nhập ngũ làm bộ đội Cụ Hồ đợt tết này. Tốt cho A Chu rồi. Có bạn là người Mông mình, bảo nhau học tập nhiều thứ. Chính trị, quân sự, xếp hàng dọc, hàng ngang, người nghiêm, chân nghỉ... cũng không khó nhiều như leo lên vách núi thẳng đứng ở Khau Phạ.

 

A Chu, A Thào, A Thàng được ở cùng một tổ. Cả Tiểu đội 3, Trung đội 12, Tiểu đoàn 34 như anh em một nhà. Chính trị viên thủ trưởng xuống thăm tổ của A Chu. Thủ trưởng như anh em ngang nhau nhưng cũng cao hơn anh em. Thủ trưởng bảo: “A Chu, A Thào, A Thàng quen ăn ở tập thể rồi. Việc gì cũng giỏi. Anh em đơn vị rất thích tiếng khèn của các đồng chí. Khèn Mông hay lắm. Mình hỏi thật nhé, các cậu có còn nhớ nhà nhiều không”? A Thào, A Thàng không ai nói gì nên A Chu mới nói:

 

- Quen cũng quen, nhớ cũng nhớ. Mình hỏi Chính trị viên thủ trưởng có cho chúng mình kết nghĩa anh em được không? Chính trị viên nói:

 

- Sao không được. Kết nghĩa anh em, hay quá. Một việc làm tốt đẹp.

 

Sáng chủ nhật, trời quên thả sương mù xuống. Pú Hồng Mèo cây xanh, cỏ xanh, sáng thật sáng từ đỉnh xuống đến chân núi. Cây sung nghiêng bóng râm mát xuống suối Pú Hồng, nước trong thật trong. A Chu, A Thào, A Thàng mỗi người cắt một dúm tóc, bó lại thành một nhúm tóc to hơn. A Chu giơ dao chặt sâu vào thân cây sung cho nhựa trắng như sữa mẹ chảy ra. Nhét nhúm tóc vào cho nhựa khô lại, giữ tóc lại. Ba anh em nắm chặt, thật chặt tay nhau, ngửa mặt lên trời cao nói cùng một tiếng, nghĩ cùng một lòng: “Thề với trời cao, đất rộng, với ma  rừng, ma suối, ma thiêng cây sung, từ hôm nay, A Chu, A Thào, A Thàng là anh em đồng chí cùng bố mẹ một nhà. Khổ không sợ khổ, khó không ngại khó. Làm việc gì cũng giỏi, cũng tốt. Không ai được bỏ trốn về nhà. Chạy phải nhanh như con sóc, mắt sáng như sao trên trời. Một lần giơ súng lên là quân giặc phải chết. Tóc ở trên cây thiêng, thề nghìn năm trăm năm. Nhớ lấy, nhớ lấy”!

 

 Nói lời thề xong, ba anh em đồng chí thay nhau thổi 9 bài khèn và múa.

 

Tiếng khèn như gió lớn

“Thổi vào vách núi nghiêng núi”.

Vó ngựa như tiếng trống trận

Dậm xuống đất, đất lở.

 

Giặc ngụy tay sai của Mỹ, có cả thổ phỉ Mẹo Vàng Pao, từ trên máy bay Mỹ nhảy xuống chiếm giữ một ngọn núi sát biên giới Việt Nam mình. Bắn nhiều súng lớn, súng nhỏ ngăn không cho bộ đội tình nguyện sang Lào giúp anh em đánh đuổi giặc cướp nước.

 

Nhớ lời thề bên gốc cây sung thiêng ở chân núi Pú Hồng Mèo: “Chân phải chạy nhanh như con sóc, mắt sáng như sao trên trời, một lần giơ súng lên là quân giặc phải chết”. Bụng  A Chu nghĩ như vậy, đầu A Chu nóng như có lửa nhưng khi bò đến lưng núi nơi sắp đánh nhau to. Giặc nghỉ, không bắn súng xuống, bộ đội mình cũng chưa được nổ súng vượt lên. Tất cả im lặng như không có gì, A Chu lại thấy lạnh buốt ở sống lưng.

 

Nghe tiếng: “Xung Phong”! Anh em cũng hô theo “Xung Phong”. Tay phải bắn súng, tay trái ném lựu đạn. A Chu, A Thào, A Thàng vừa bắn, vừa chạy lao lên. Súng khắp nơi nổ ầm ầm. Lửa đỏ bắn vọt ra xé nát bầu trời, cắt chéo, cắt ngang ngọn núi. Lửa ở dưới đất vọt lên, pháo sáng từ trên trời rơi xuống. A Chu thấy lửa cháy, thấy nhiều lính ngụy ngã xuống chết. Nhiều lính ngụy, thổ phỉ bỏ súng, cuộn người tròn lại như con sâu cuốn chiếu lăn từ đỉnh núi xuống vực tối mù, tối mịt.

 

Trận đánh sáng trời, cháy đất kéo dài đến nửa đêm. Lính ngụy, thổ phỉ Mẹo Vàng Pao chết nhiều, bị thương không ít. Bộ đội mình thắng trận to, thật to. Thổ phỉ, lính ngụy, tay sai giặc Mỹ xâm cướp đất nước Lào anh em, chúng nó ác độc, phải thua trận rồi.

 

A Chu, A Thào vui không vui nhiều, buồn càng buồn lắm. Mắt nhìn thấy một số đồng chí, có cả A Thàng anh em mình hy sinh. Họ chết thật rồi! Không cười, không nói, không thổi khèn với anh em được nữa. Không được khóc, bụng nghĩ vậy nhưng nước mắt cứ chảy ra, tuôn ra như nước suối Pú Hồng. A Chu, A Thào cùng trở về đơn vị dưới chân Pú Hông Mèo vừa lặng lẽ rơi nước mắt giữa rừng, giữa núi tiếc thương anh em, đồng chí.

 

Tiểu đoàn làm lễ mừng thắng lợi, cùng nhau cúi đầu, tiếc thương những anh em, đồng chí đã hy sinh trong trận chiến này.

 

Sau lễ tưởng niệm nhớ thương anh em, đồng chí đã hy sinh anh dũng, biểu dương những chiến sỹ chiến đấu dũng cảm lập công. Chính trị viên thủ trưởng đến thăm, thấy A Chu, A Thào vừa khóc, vừa dựng một cây gỗ ở bên gốc cây sung. Trên ngọn cây gỗ buộc một đoạn tre, ngọn tre chĩa chéo lên trời, gốc chúc xuống đất. ông hỏi: “Các cậu làm gì vậy”? A Chu, A Thào không trả lời, cúi đầu để hai hàng nước mắt chảy dài, nước mắt rơi dưới gốc cây đau thương. Chính trị viên thủ trưởng cũng không cầm được nước mắt. Ông ôm hai đồng chí của mình vào lòng. A Chu lau nước mắt hỏi: “Chính trị viên thủ trưởng cho chúng mình làm ma cho A Thàng, có được không? Chính trị viên trầm giọng như nói với chính tâm trạng mình:

 

- Đồng chí A Thàng ơi. Em ơi! Đồng chí đã hy sinh xương máu vì dân, vì nước, vì tình hữu nghị Việt - Lào. Cha mẹ đồng chí ở nhà, anh em đồng chí chúng tôi ở đây tiếc thương đồng chí. Chúng tôi thề noi gương đồng chí, không tiếc máu xương, quyết chiến đấu trả thù cho đồng chí, cho nhân dân hai nước Việt -  Lào giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

 

Làm theo lời tổ tiên người Mông trăm năm, nghìn năm để lại, A Chu, A Thào cùng nhau nhảy múa và thay nhau thổi đủ 33 bài khèn vòng quanh cây đau thương - cây nêu - cây tiễn hồn ma về phần đất dưới âm ty, ở nơi đường xa, núi xa, thật xa, ở nơi trận chiến đấu sáng ngọn lửa, không có lợn, gà, bò để cúng; không có trống treo lên cột nóc giữa - cột đau thương, chỉ có tiếng khèn đau thật đau, tấm lòng xót thật xót khóc thương mày, A Thàng ơi!

 

Tiếng khèn buồn lòng từ mặt đất theo cột giữa - cột đau thương  lên tận trời cao rồi từ trời cao lại theo cột xuống đất, xuống âm ty cho mày A Thàng ơi! Trời cao, đất rộng, ai ai cũng biết, ai ai cũng tiếc thương.

 

A Chu, A Thào không khóc nữa nhưng tiếng khèn tiễn đưa liệt sỹ A Thàng sẽ vang mãi trăm năm, nghìn năm...

 

Sau lễ tang của A Thàng dưới gốc cây tóc thề trên sườn Pú Hồng Mèo 1 tháng, đơn vị của A Chu, A Thào, A Thàng rầm rập vượt Trường Sơn đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược, dẹp tan bọn tay sai của chúng, giải phóng miền Nam, giữ trọn vẹn nước non mình, giữ trọn lời thề cùng anh em đồng chí.

 

 

                                          Truyện ký của NSƯT Bùi Chí Thanh

 

 

 

 

 

Các tin khác


Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024

Ngày 17/4, tại Nhà Văn hoá huyện Lạc Sơn, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lạc Sơn tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh lần thứ 3 năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục