(HBĐT) - Nhận được điện thoại của một người không quen nói là bạn con gái. Biết sự chẳng lành, tôi xin cơ quan cho nghỉ và vội lao xe về Hà Nội. Đứng trước căn phòng hai vợ chồng Lan thuê ở phố Vương Thừa Vũ, tôi bấm chuông. Im lặng. Tôi đập cửa, không một tiếng đáp lại. Hình như tiếng đập cửa đã lọt sang căn phòng bên cạnh. Cửa mở, một cô gái còn trẻ trong bộ đồ ngủ màu hồng nhìn tôi và hỏi: “Bác là bố chị Lan?”. Tôi gật đầu, cô gái lạ bảo: “Cháu điện cho bác lúc sáng vì không hiểu sao mấy hôm nay chị Lan không ra khỏi phòng. Hôm trước cháu gặp chị ở cầu thang nhưng mắt đờ đẫn, tóc rối bù, vẻ mệt mỏi lắm. Nghe nói thằng con trai đưa về trên ông bà nội tuần trước rồi. Cháu ra cơ quan tìm chồng chị ấy nhưng anh đi công tác trên biên giới. Họ cho số điện thoại của bác thế là cháu gọi ngay. May quá bác đã về!”.

 

Lan về làm con gái tôi khi cháu còn rất nhỏ. Bố cháu bị vết thương tái phát trong đầu quá nặng nên bỏ mẹ con Lan khi mới ở tuổi 26. Mẹ Lan buồn đau, vật vã mấy tháng trời. Nhưng ở tuổi 19 không làm chủ được mình, cô đã để con lại cho mẹ chồng và theo bạn sang Trung Quốc. Khi tôi về thăm quê, biết tình cảnh đáng thương nên dành thời gian tới chia buồn. Gia đình nhà chồng Lan có 4 anh em nhưng đều còn đang đi học. Bà cụ Vĩnh mới ngoài 60, song mắc bệnh phong thấp, chữa chạy kém, vì vậy, người gầy xác xơ, nằm trên giường kêu suốt đêm không ngủ. Tôi đến thăm hai bà cháu Lan, con bé cứ bám chặt lấy vai tôi và lặng lẽ mỉm cười. Như có điều gì mách bảo, tôi thấy trong lòng trào lên cảm xúc rất lạ. Bà cụ Vĩnh nhìn thấy hai bác cháu quấn quýt bên nhau, nước ầng ậc trào ra khóe mắt nhăn nheo. Cầm vạt áo lau những giọt nước đau buồn, cụ nói: “Trời bắt nó khổ từ bé, không biết lớn lên, con bé này sẽ ra sao. Bây giờ ai nuôi dạy nó nên người thì tốt quá. Lũ trẻ nhà này chắc không làm được bác ạ. Tôi cũng chẳng biết đi theo bố nó lúc nào. Cứ nhìn con bé, tôi đứt cả ruột!”. Tôi đang học đại học năm thứ 3 sau khi giải phóng miền Nam trở về. Vợ tôi, một cô kế toán viên ở tận miền núi. Hai vợ chồng tôi cộng lại được đúng 100 đồng tiền lương và phụ cấp. Chỉ mấy tháng nữa, chúng tôi sẽ đón đứa con đầu tiên chào đời. Tôi chào cụ Vĩnh ra về và đưa cháu Lan cho cụ. Tôi gửi cụ 30 đồng nói là mua sữa cho con bé côi cút. Tôi bước chân ra ngõ, tiếng khóc ré lên của con bé làm tôi không bước được. Tôi quay lại, cháu trườn ra khỏi vòng tay bà Vĩnh, lao đến bám chặt lấy tôi. Nó im lặng trong vòng tay vụng về của người chưa biết làm cha. Đôi môi sữa chúm chím như một nụ hồng. Nước mắt tôi tự nhiên lăn trên gò má... Sau mấy đêm thao thức, vợ chồng tôi quyết định xin cháu về làm con, khi ấy Lan mới 18 tháng. Khi tôi ra trường và cũng xin về Hòa Bình công tác. Bằng đồng lương công chức, bằng sự tần tảo vợ chồng tôi đã nuôi dạy các con khôn lớn và cháu Lan đã thành thiếu nữ với khuôn mặt rạng ngời, hy vọng một tương lai sán lạn sẽ đến với mình...

 

Con gái tôi  trúng tuyển quân sự và làm việc tại một Công ty may quân nhu được 2 năm thì xây dựng gia đình. Hai vợ chồng cùng đơn vị nên cũng nhiều thuận lợi. Khi cháu sinh con được 8 tháng mới đưa về thăm ông bà ngoại trên quê núi. Chính những ngày con gái lên chơi, tôi đã thấy có điều gì không bình thường của Lan. Hôm chồng cháu lên đón hai mẹ con, trước lúc về, tôi ngồi tâm sự với con rể: “Phụ nữ sau khi sinh có nhiều biến đổi trong cơ thể, con đưa Lan đi khám xem có vấn đề gì không. Bố thấy nó chậm chạp và uể oải lắm, chỉ nằm ngủ ly bì. Mới 22 tuổi, to cao thế kia mà như vậy là không ổn con ạ”. Các con tôi trở lại thủ đô nhưng lòng tôi vẫn canh cánh. Giờ đây, những điều nghi ngờ của tôi đã rõ...

 

Được sự giúp sức của cô gái, tôi đạp tung cửa phòng ở của vợ chồng Lan. Trước mắt tôi là một cảnh kinh hoàng. Lan nằm bất động dưới sàn nhà, đầu tóc rũ rượi. Xung quanh con gái nào quần áo, vỏ chăn bừa bộn. Mùi xú uế của phân, nước tiểu bốc lên nồng nặc. Tôi nhờ cháu gái phòng bên chạy ra báo cơ quan của Lan, còn tôi bế cháu lên giường. Biết con còn ngắc ngoải, tôi thay quần áo và tắm nhanh cho cháu. Khi xe cấp cứu đến, tôi cõng Lan từ tầng 3 xuống mà không thấy mình mệt. Được các bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn, Bạch Mai hết lòng cứu chữa nên cháu đã hồi tỉnh. Song trái tim tôi thắt lại khi biết cháu bị u trong não. Một khối u qua siêu âm, chẩn đoán chuyên môn nếu không mổ sẽ bị vỡ và mổ cũng chỉ có năm, mười phần trăm thoát chết. Nhìn cháu lúc mắt nhắm nghiền, khi trợn ngược vì đau đớn, một mình tôi chạy tới, chạy lui trong viện với đứa con đang đi dần đến cửa tử mà lòng rối bời. Vợ tôi đi công tác ở nước ngoài phải 3 tuần nữa mới về. Tay tôi run run khi ký vào bản cam kết trước lúc cháu lên bàn mổ xong mới điện cho người anh chồng của cháu. Chúng tôi đứng ngoài hành lang khu phẫu thuật nhưng mỗi người theo đuổi một ý nghĩ khác nhau. Những phương án xấu nhất đã được đưa ra và phân công người lo liệu. 8 tiếng đồng hồ trôi qua, căn phòng mổ đã mở. Chiếc xe đẩy đưa một cơ thể bất động sang phòng hậu phẫu. Bác sỹ trưởng kíp mổ chỉ nói với tôi câu ngắn gọn: “Phải chờ 24 tiếng nữa xem thế nào” rồi ông về phòng hội chẩn. Hai ngày cháu như người sống thực vật, sang ngày thứ 3, cháu vùng lên như một người điên. Tôi nghĩ, thế là con mình đã thoát chết nhưng chắc sống cũng chẳng làm được gì. Con rể vẫn chưa về kịp, tôi đành phải điện về quê nhờ hai cô em gái xuống viện hỗ trợ trông cháu. 5 ngày, một tuần trôi qua, cháu đã mở mắt, nhận biết người thân. Câu đầu tiên cháu gọi: “Bố, con đang ở đâu?”. Tôi nắm lấy bàn tay con gái, dùng khăn lau mặt, lau người cho cháu. Nước mắt của tôi đã chảy tràn bên má. Tôi biết con tôi đã qua khỏi giây phút hiểm nghèo. Trong tôi đã sáng lên niềm tin: con gái sẽ sống và trở lại bình thường. Tôi ở viện nửa tháng trời cùng con rể bỏ dở chuyến công tác trên biên giới về. Ngày chồng cháu chăm vợ, đêm tôi thức trông con. Khi vợ tôi từ nước ngoài trở về thì chúng tôi xin cho Lan xuất viện về nhà chăm sóc...

 

4 năm qua đi sau lần mổ đầu tiên, con gái tôi không đủ sức khỏe làm việc nữa do tác động lần mổ đôi đầu để lấy khối u. Chồng Lan không đủ bản lĩnh đã ly hôn với người vợ mang dư chấn của bệnh hiểm nghèo để đến với một cô gái trẻ hơn. Lan rất buồn, nhiều lúc như phát điên. Biết con đau nhiều nỗi, vợ chồng tôi càng thương yêu cháu hơn cả cậu quý tử của mình sinh ra. Những lúc cháu khỏe, Lan nói với tôi trong nước mắt: “Bố mẹ không sinh ra con nhưng con đã được bố mẹ nuôi khôn lớn nên người. Con khát khao hạnh phúc nhưng trời chẳng cho con được hạnh phúc. Con chưa báo đáp được nghĩa mẹ, công cha nay lại làm khổ bố mẹ hơn. Bố mẹ ơi, đừng bỏ rơi con nhé!”. Tôi ôm con gái vào lòng, giấu những giọt lệ đang ứa ra từ trong trái tim mình. Chúng tôi đón Lan về ở với vợ chồng tôi được thêm 2 năm thì khối u mới lại xuất hiện trong não. Ngồi với các bác sĩ, tôi mới biết rằng cháu bị phơi nhiễm chất độc màu da cam bởi bố đẻ của Lan đã chiến đấu ở mặt trận Trường Sơn gần 6 năm trời. Chúng tôi tha thiết đề nghị Bệnh viện Bạch Mai tìm mọi cách cứu lấy cháu. Cuộc phẫu thuật não lần thứ hai diễn ra nhưng không thành công. Cháu Lan đã rời bỏ vợ chồng tôi đi theo bố đẻ về cõi vĩnh hằng vào mùa đông năm 2008 khi cháu bước vào tuổi 26. Hai bố con Lan chắc đã gặp nhau nhưng cháu ra đi để lại cho tôi nỗi đau, sự mất mát không có gì san lấp nổi. Đã 4 năm trôi qua, mỗi lần nhìn di ảnh của đứa con tội nghiệp, lòng tôi đau thắt. Tôi chưa làm trọn bổn phận của một người cha. Tôi đã để tuột mất đứa con gái vào tay tử thần trong vô vọng. Những hình ảnh về Lan từ ngày còn bi bô, lẫm chẫm, hai tay bám chặt vai áo tôi với đôi mắt ngấn lệ cầu cứu ở sân nhà bà cụ Vĩnh ngày nào và ngày đưa con gái về làm dâu nhà người cứ hiển hiện trong đầu tôi. Cháu Lan đã đi xa, xa lắm, không bao giờ trở lại, song ký ức về cô con gái nuôi tên Lan cứ  khắc khoải trong lòng. Thế mới biết ở trên đời, tình cha yêu con sâu nặng biết nhường nào.

 

                                             Truyện ngắn của Phạm Huy Định

 

Các tin khác


Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục