Bếp lửa nhà sàn - nét sinh hoạt truyền thống của người Mường Hòa Bình. Ảnh: Thiếu nữ Mường Vang bên bếp lửa. Ảnh: P.V

Bếp lửa nhà sàn - nét sinh hoạt truyền thống của người Mường Hòa Bình. Ảnh: Thiếu nữ Mường Vang bên bếp lửa. Ảnh: P.V

(HBĐT) - Nhà sàn truyền thống của người Mường là loại công trình kiến trúc chức năng dùng cho con người ở, sinh sống, tiến hành hôn nhân, sinh sản duy trì nòi giống, cất trữ tài sản và thực hiện các phong tục, nghi lễ tín ngưỡng trong phạm vi, quy mô họ tộc và của mỗi gia đình. Ngôi nhà cũng là nơi che chở cho con người trước mọi biến động thiên nhiên, chống lại thú dữ tấn công khi đêm tối... Không chỉ là nơi ở, nó còn là môi trường giáo dục các thành viên trong gia đình, thể hiện, gìn giữ bản sắc văn hóa, thể hiện tôn ti trật tự và ứng xử giữ con người với con người với thiên nhiên và thần linh.

 

Sàn nhà là nơi ở, nơi sinh hoạt chính của các thành viên trong gia đình và là  nơi đón tiếp khách khứa, tiến hành nhiều nghi lễ tín ngưỡng trong quy mô, phạm vi gia đình.

 

Sàn nhà của người Mường được chia làm các khoang - các gian theo số lượng các cặp cột cái của ngôi nhà. Ngôi nhà ít nhất có 1 khoang - gian, 2 chái bên trong có 4 cột cái hình thành gian ở giữa nhà, nhà 2 khoang có thêm 2 cột cái nữa là 6 và hình thành nên 2 khoang - gian và hai trái nhà.

 

Các phân chia các khu vực trên nhà sàn được chia ước lệ và phân định thành các khu vực khác nhau.

 

Phân chia theo chiều dài của ngôi nhà: 

Tính theo chiều dài của nhà sàn mặt bằng sàn nhà của người Mường được chia làm các khu vực sử dụng chính như sau:

- Khả benh - gian banh tức là gian ngoài: Là gian quan trọng nhất trên nhà sàn, nơi đây có cửa sổ voóng đông là nơi thực hiên các nghi lễ tín ngưỡng trong quy mô gia đình.

- Khưa nhà - khu vực giữa nhà: Đây là gian sinh hoạt chính của gia đình, dưới chân gian này thường có bếp. Khưa nhà thường được tính là khoảng mặt bằng bên trong các khoang cột cái. Khu vực này có thể chỉ có 1 gian ở các ngôi nhà nhỏ, song cũng có thể là 2 - 3 gian...  trong các ngôi nhà rộng, dài nhất là các nhà lang - đạo trước kia

- Khả buồng - gian buồng: Nơi đây chủ yếu dành cho phụ nữ, con dâu trong gia đình, đàn ông ít khi vào đó.

 

Phân chia theo chiều rộng, theo hướng vị trí ngồi:

Theo bề rộng của ngôi nhà, mặt sàn nhà được chia chủ yếu thành hai khu vực:

- Fảil clêênh - phía trên được tính phần sàn phía cửa sổ nhà sàn nhìn ra phía trước nhà. Phần sàn này ước lệ từ giữa nhà thẳng với đòn nóc hoặc từ các cột cái ra phía vách nhà hay hàng cột hiên phía trước. Cùng với gian banh, đây là khoảng diện tích diễn ra các nghi lễ tín ngưỡng trong các dịp lễ, tết hay cần thiết có cầu, cúng của người Mường.

- Fảil chờ - phía dưới: Phía dưới là khoảng mặt sàn ở phía đối diện với phía trên, được tính từ giữa nhà thẳng với đòn nóc, hoặc từ hàng cột cái xuống phía vách ngăn bên dưới nhà sàn. Đây là khu vực người Mường thường đặt các dụng cụ lao động như: dao, rìu, ớp... và các nông sản để tạm như: lúa, ngô, sắn, khoai...

Trong sinh hoạt thường ngày hay khi có khách khứa, khi ngồi nói chuyện hoặc ăn cơm, uống rượu, người cao tuổi hay có vai vế cao hơn, nhất là đàn ông ở phía trên, dần xuống dưới là những người ít tuổi hơn hay có vai vế thấp hơn.

Cách phân chia này rất ước lệ, phía bên gian banh thường được gọi là bên ngoài tiếng Mường gọi là: zặng tha, hướng phía đối diện được gọi là bên trong tiếng Mường gọi là: zặng cloong. Cách gọi này chủ yếu dùng khi có khách đến nhà. Người Mường có câu:

- Khéch ở zạng tha, chú nhà zặng cloong.

Dịch nghĩa sang tiếng phổ thông:

- Khách ở phía bên ngoài, chủ nhà ở phía bên trong.

Câu này ý nói rằng khách đến nhà ngồi ở phía bên ngoài nhìn vào, chủ nhà ngồi tiếp đối diện tức là bên trong nhìn ra khách.

Từ cách phân chia trên, cách ứng xử của người Mường trên nhà sàn được phân khá rõ trong nếp ăn, ở, đặt vật dụng sinh hoạt, các khu dùng đặt bàn thờ, nơi chú rể mới ở trong đám cưới; nơi đặt quan tài, nơi thầy mo ở trong đám tang...

 

Sử dụng sàn nhà trong sinh hoạt thường ngày:

Trong sinh hoạt thường gia đình người Mường sống quây quần trên nhà sàn với trung tâm là bếp lửa hồng vào mùa đông, việc sinh hoạt được phân định khá rõ trong các khu trên nhà sàn.

 

Gian banh:

Thực chất là gian phụ, là khu vực sàn nhà nằm dưới mái trái ở phía cầu thang chính đi lên nhà sàn   

Khu vực gian banh trong các ngày thường là nơi ở và ngủ nghỉ của người đàn ông nhất là đàn ông cao tuổi hay nói chung là nam giới trong gia đình như: ông nội hay bố hoặc các con trai tròg nhà. Khu vực phía trên của gian banh có cửa sổ người Mường gọi đó là voóng đông, người Mường Bi (Tân Lạc) và nhiều vùng khác gọi là voóng tông nói phiên âm sang tiếng phổ thông là: voóng đông - cửa sổ phía đông

Đây được coi là gian nhà thiêng quan trọng nhất trên nhà sàn, vào các dịp lễ tết... là khu vực dùng để bày mâm cúng các vị thần bảo trợ như thành hoàng, thờ vua Dòil vị thần bảo trợ nông nghiệp..., là nơi tiếp khách quý trên nhà sàn. Trên gian banh có cửa sổ, người Mường gọi là cửa voóng đông (cửa hướng đông) hay còn gọi là voóng bố - cửa cha,  hướng đón mặt trời mọc. Cho dù nhà sàn hướng về phía tây - nam, phía tây - bắc..., cửa sổ gian banh không thể hướng về phía đông nó vẫn có tên gọi là voóng đông. Đây là cửa sổ thiêng, rất có thể đây là  những  mảnh tàn dư còn sót lại của tục thờ mặt trời, một tín ngưỡng xa xưa của người Mường nói riêng, cư dân nông nghiệp nói chung.

Trong đời sống thường ngày hay trong các dịp có tiếp khách khứa với sự có mặt của họ hàng, tiếp khách lạ là người sang hay khách đến nhà bàn việc quan trọng như: hỏi vợ, bàn việc quan trọng..., người Mường thường trải chiếu, sắp nước nôi tiếp khách ở gian banh.

Các khách thân tình, anh em trong gia tộc... thường được tiếp ở khu vực giữa gian banh và khu giữa nhà, thường trải chiếu, sắp bàn nước bên dưới cột cái.

Khách là phụ nữ thường được tiếp ở khu giữa nhà

Gian banh là khu vực quan trọng nhất thể hiện lòng mến khách và phong cách ứng xử có phân định trên, dưới khá rõ ràng.

Ngày nay, gian banh, cửa voóng đông vẫn được coi trọng trên nhà sàn Mường. Nếu không có công việc vào ngày thường, phụ nữ ít khi dám lên đó. Trong nhiều gia đình các cụ bà 70 - 80 tuổi khi có việc lên gian banh phải xin phép mới lên.

Trong sinh hoạt thường ngày trên nhà sàn  khi nằm ngủ  đầu phải hướng lên trên, không ngủ quay ngang, ngửa giơ chân lên voóng đông, không ngồi kê mông, không đạp chân lên bậu cửa sổ voóng đông.

Qua việc sử dụng gian banh  thấy người Mường rất trọng hướng đông  - hướng mặt trời mọc, việc thờ thần linh ở gian này, thể hiện thái độ trân trọng  đối với các vị phúc thần, gửi gắm và cầu mong ở các vị sự bảo trợ an lành cho gia đình. Tiếp khách ở gian quan trọng nhất thể hiện lòng mến khách cao độ và phong cách ứng xử có phân định trên, dưới khá rõ ràng.

 

Khu vực khưa nhà - khu vực giữa nhà:

Đây là khu vực có diện tích mặt bằng rộng nhất trên nhà sàn  cổ truyền Mường. Đây là nơi ăn ở, đặt bếp lửa, nơi sinh hoạt chính của toàn thể gia đình. Vào ngày Tết Nguyên đán ngày tổ chức đám cưới, phía trên gần các cửa sổ là nơi bày các mâm thờ cúng tổ tiên. Nơi cô dâu mặc áo cưới chùng đỏ lạy ra mắt tổ tiên nhà chồng. Tại khu vực này vào ngày tang lễ là nơi đặt quan tài người chết.

Bếp lửa trên nhà sàn Mường  là nơi đun nấu thức ăn, gác bếp có nhiều tầng bên trên là cái rơớng (cái Sạp) được kem bằng cây tre bắc qua các quá dang, là nơi đón khói bếp hong khô thóc, ngô... bảo quản,  dự trữ cho sử dụng lâu dài.

 

Gian Buồng:

Bên trong khưa nhà là gian buồng, thực ra là diện tích phần trái nhà đối diện với gian banh, thường được ngăn với bên ngoài bằng vách kín. Đây là nơi dành riêng cho phụ nữ, khách không được vào, ngay cả đàn ông trong nhà, không có việc cũng không vào buồng .

 

Ứng xử trong nếp sống sinh hoạt thường ngày trong nhà:

Trong đời sống thường ngày việc ngồi, ăn, ở trên nhà sàn người Mường lấy phía Trên làm “chuẩn” theo đó người cao tuổi, người có vai vế ngồi về phía trên, xuống dần phía dưới là các con, cháu. Khi nằm hay khi ngủ đầu hướng lên phía trên, chân hướng xuống phía dưới, không bao giờ có chuyện ngược lại. Đây là nếp sống, nếp ứng xử có trên, có dưới được “phân vùng cơ sở” từ ngay trên nhà sàn, ngay khi con người mới lọt lòng chào đời  nếp sống đó đã dần ngấm vào tâm can.

Trong ngôi nhà sàn Mường là một gia đình thường có nhiều thế hệ như: ông, bà nội, bố mẹ, các con, các cháu... chung sống. Việc ăn, ở, ngủ trên nhà sàn có những quy định được tuân thủ rất nghiêm ngặt:

- Bố chồng, anh chồng không được ngồi chung một  dải sàn nhà, chung một cạnh bếp với con dâu, em dâu. Khi ăn cơm nếu gia đình đồng người họ thường sắp thành 2 hoặc 3 mâm, thường cánh đàn ông ngồi ăn riêng với nhau. Nếu chung mâm đàn ông ngồi một phía, đàn bà ngồi một phía. Điều này thể hiện tôn ti, trật tự trong gia đình, song ngầm tránh việc loạn luận.

- Các gia đình có 2 - 3 anh em trai đều đã có vợ nhưng chưa ra ở riêng, thường vợ chồng người mới cưới ngủ trong buồng, bên ngoài, các cặp cùng con cái nhỏ của họ nằm ngủ ở các chiếu riêng, màn riêng cách xa nhau. Màn ngủ của người Mường tuy không nhuộn đen như màn người Thái, được làm bằng vải mộc thưa nhưng rất kín đáo, bên ngoài không thấy được bên trong.

- Các con trai, cháu trai lớn ngủ ở gian banh với ông nội... Con gái ngủ màn riêng, chiếu riêng bên trong .

Thực hiện nếp sống có trật tự trên nhà sàn có thể thấy rất rõ đó chính là sự giáo dục đối với con người bắt đầu ngay từ khi mới chào đời, lâu dân thành nếp sống, thành truyền thống truyền qua nhiều thế hệ hình thành nên nếp sống, ứng xử của người Mường.

Những quy định trên là bất thành văn và nó được tuân thủ triệt để trong sinh hoạt thường ngày của người Mường nếu ai vi phạm thường bị dư luận lên án, bị coi là vi phạm những quy chuẩn đạo đức

 

Ứng xử với thần linh, tổ tiên:

Thần linh và tổ tiên với người Mường là những thế lực siêu nhiên hay có nguồn gốc từ con người đều là các vị phúc thần bảo trợ cho gia đình và con người, chính vì thế họ được người Mường thờ phụng trong những dịp lễ trọng, đây cũng là một phong tục, tín ngưỡng trong đời sống tinh thần của người Mường.

Khi nhà có công việc phải bày mâm cúng thần linh, tổ tiên mặt bằng để bày chỉ ở trong khu vực gian banh - kể cả trên và dưới gần đầu cầu thang - khu vực trên song cũng chỉ sử dụng từ khu vực ngăn buồng trở ra, nếu việc cầu cúng phải bày nhiều thứ người ta mới sử dụng đến khu vực giữa nhà và cả khu vực dưới. Song khu vực gian banh và phía trên vẫn là chủ yếu và là hướng chính. Vị trí của các thầy mo, mỡi, clượng bày mâm thân thư và đứng hay ngồi làm chủ tế bao giờ cũng ở phần phía trên đặc biệt là khu vực gian banh gần cứa sổ voóng đông, khi công việc bắt buộc, họ có thể đứng tế ở ở khu giữa hay bên dưới, song chỉ là tạm thời, xong phần việc đó lại về phía trên.

 

Tóm lại:

Mỗi nhà sàn là một không gian văn hóa mang tính cơ sở mang trong mình tính năng giáo dục, góp phần quan trọng ban đầu hình thành nên nề nếp ứng xử, tôn ti trật tự của xã hội Mường. Gia đình nào giữ được nề nếp thì con cháu sống có tôn ti, trật tự, có nền nếp, gia đình nhà ai không giữ được nếp sống, con cháu buông thả, sống vô lối và rất dễ sa vào những mặt trái của xã hội.

Việc sử dụng hài hòa có hiệu quả tối đa không gian kiến trúc nhà sàn, song vẫn hài hòa, không gây nên sự lộn xộn của bố cục kiến trúc, tạo cơ sở cho lối sống, sinh hoạt, cư xử góp phần làm nên bản sắc văn hóa của tộc người, ấy là hiệu quả giáo dục, hiệu quả ứng xử mang tính minh triết cơ sở do kiến trúc nhà sàn Mường đem lại.

 

 

 

 

                                                       Bùi Huy Vọng

                           (Xóm Bưng, xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn)

 

 

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục