1 trong 4 trụ cột là nghi môn của đình Cời hiện còn lưu giữ được.

1 trong 4 trụ cột là nghi môn của đình Cời hiện còn lưu giữ được.

(HBĐT) - Trong tiềm thức của mỗi người dân, đình Cời có từ rất lâu đời và là điểm đến tâm linh để nhân dân thể hiện sự tôn kính, ghi nhớ những người có công lập bản, lập Mường, bảo vệ khỏi thiên tai, địch họa và hướng dẫn con người lao động sản xuất. Giá trị lịch sử văn hoá của đình Cời được biết đến chính xác nhờ vào các bản sắc phong cổ và trong sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng nơi đây.

 

Chúng tôi tìm gặp ông Đinh Công Cường, xóm Cời, xã Tân Vinh (Lương Sơn) -  người đang lưu giữ 8 bản sắc phong cổ, một tài liệu vô cùng quýự giá để biết được chính xác lịch sử vị thần được thờ và niên đại của di tích, được coi như một bản lý lịch gốc để xác lập vị trí của di tích. Các bản sắc phong cổ đều là các sắc phong của triều Nguyễn, sắc sớm nhất là sắc niên hiệu Duy Tân năm thứ 3 (năm 1909), sắc muộn nhất là sắc niên hiệu Khải Định năm thứ 9 (năm 1924).

 

Giải nghĩa các bản sắc phong để giúp chúng tôi hiểu hơn về lịch sử đình Cời, ông cho biết: Sắc phong thứ nhất ngày 11/8 năm Duy Tân thứ 3 (năm 1909) với nội dung “Sắc chỉ ban cho xã Kệ Sơn, châu Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình theo như trước đây thờ phụng: Mậu huân Long Trạch Hoằng hy Tuỵ Linh Hạo sảng, Tuấn tĩnh Dực Bảo Trung hưng Cao Sơn Đại Vương Thượng đẳng thần (huý Sùng). Hiệp linh phù chính Phô uy Đôn tuấn Hùng tuấn Trác vĩ Dực trung hưng Tản Viên Sơn Quốc chủ kiêm Thượng đẳng thần (huý Tuấn). Cao thông Bác đạt Tĩnh chính tú nghi Dực Bảo trung hưng Quý Minh đại vương Thượng đẳng thần (huý Hiển). Các thần đã được các triều đại ban cấp sắc phong; chuẩn định cho phép (dân xã) thờ phụng. Năm Duy Tân nguyên niên mở lễ lớn, trẫm đã ban chiếu báu ân lớn, long trọng mở lễ nâng bậc. Đặc biệt chuẩn định cho phép (dân xã) vẫn thờ phụng như cũ để ghi nhớ ngày vui của đất nước mà kéo dài điển lễ thờ phụng. Kính cẩn thay!”.

 

Sắc phong thứ bảy ngày 25/7 năm Khải Định thứ 9 (năm 1924): “Sắc ban cho xã Kệ Sơn, châu Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình, thờ phụng Bà chúa cai quản vùng sơn lâm trước đã tặng sắc là: Trang huy dực bảo trung hưng thượng đẳng thần. Thần đã giúp nước cứu dân rất linh ứng nên đã được các đời ban cấp sắc phong, chuẩn định cho được thờ phụng. Nay đúng dịp lễ lớn mừng thọ trẫm 40 tuổi đã ban chiếu báu ân lớn, long trọng mở lễ nâng bậc. Đặc biệt chuẩn cho (xã) được thờ phụng như cũ để ghi nhớ ngày vui của đất nước mà kéo dài điển lễ thờ phụng. Kính cẩn thay!”.

 

Căn cứ vào nội dung của các sắc phong thì đình Cời thờ Tam vị Tản Viên Sơn Thánh và Đức Chúa Bà cai quản rừng núi hay còn gọi là Bà Chúa Thượng ngàn. Tam vị Tản Viên Sơn Thánh  là ba vị thần Cao Sơn Đại Vương Thượng Đẳng thần (huý Sùng), Quý Minh Đại Vương Thượng Đẳng thần (huý Hiển) và Tản Viên Sơn Quốc kiêm Thượng Đẳng thần (huý Tuấn). Các vị thần này rất linh ứng đã phù giúp nhân dân và đất nước nên được các triều đại phong kiến tin trọng và ban sắc cho nhân dân khắp nơi được thờ phụng và tôn là thành hoàng.

 

Theo lời kể lại của ông Đinh Công Cường và các cụ cao niên trong làng, thuở ban đầu, đình Cời được dựng lên bằng vật liệu đơn giản tranh, tre, nứa, lá, cách đình Cời ngày nay khoảng 400 m. Vào những năm cuối thế kỷ XIX, khu vực này xảy ra dịch bệnh triền miên nên nhân dân phải chuyển nơi ở ra bờ sông Bùi và dân làng cũng đã dựng lại ngôi đình mới tại đó. Cũng theo lời ông Cường, vào khoảng những năm 1890 - 1891, cụ nội là ông Đinh Công Thịnh đang làm Chánh tổng Cư Yên cho đón thợ dưới đồng bằng lên xây lại đình gồm 3 gian 2 chái, diện tích rộng khoảng 60 m2, xung quanh đình được xây gạch đá ong, phía trước là tường gỗ và cửa. Vào những năm 1901 - 1902, ông Đinh Công Thịnh là tri châu Lương Sơn đi học chữ nho ở đình Cấn - Quốc Oai (Hà Nội). Biết ông có ý định xây lại đình, người ở nơi đó đã cử những thợ có tay nghề cao từ Cấn - Quốc Oai, Bụa (khu vực Gốt - Chương Mỹ hiện nay) về Tân Vinh làm gạch xây đình với điều kiện người dân Cấn, Bụa được phép khai thác than củi, gỗ tại khu vực Tân Vinh. ông đi tham khảo khắp nơi và sai thợ xây dựng kiến trúc như đình Trèm, rộng như đình Cấn. Sau một vài năm công trình đã hoàn thiện. Đình rộng khoảng 4 ha, xây theo kiểu chữ nội công, ngoại quốc gồm nhà đại bái, hậu cung, 2 bên có tả vu hữu vu. Năm 1949, đình bị thực dân Pháp bắn cháy. Các hiện vật, đồ tế tự liên quan đến sinh hoạt tín ngưỡng tại đình được nhân dân gìn giữ và bảo tồn cho đến ngày nay.

Cũng giống như nhiều nơi, lễ hội đình Cời được tổ chức trong 3 ngày, từ mùng 4 đến mùng 6 tháng giêng âm lịch hàng năm. Theo lời ông Đinh Văn Hềm, Chủ tịch Hội NCT xã Tân Vinh, xưa, để chuẩn bị làm lễ, dân làng phải làm cỗ để cúng thần, trong ngày mùng 4 phải chuẩn bị cỗ chay, cỗ nhắm và cỗ cúng ngoài đình. Các mâm cỗ bao gồm xôi, bánh chưng, gà và các món dân gian của người Mường. Ngoài những mâm lễ của ngày mùng 4 thì ngày mùng 5 dân làng phải chuẩn bị một mâm gồm có đầu trâu, bốn chân để sống (đây phải là con trâu to béo được chọn lựa kỹ càng). Sang ngày mùng 6 phải có 8 mâm cỗ của 8 gia đình gồm xôi, gà, rượu, trầu, cau. Cùng với việc chuẩn bị các mâm cỗ theo quy định bắt buộc, làng phải chọn đội hình tế gồm 18 người, đội hình rước kiệu khoảng 40 người. Song song với phần lễ, vào các buổi chiều mùng 5 và mùng 6 dân làng tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, bắn nỏ, đánh đu, bắt trạch trong chum thu hút rất đông nhân dân tham gia.

 

     

Niềm vui của chính quyền và nhân dân xã Tân Vinh (Lương Sơn) trong dịp đón bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá đình Cời.

 

Từ những giá trị văn hoá lịch sử đó, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1053 ngày 30/7/2013 xếp hạng di tích đình Cời, xã Tân Vinh (Lương Sơn) là di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Đây là căn cứ để địa phương có sự đầu tư, kêu gọi phục dựng lại đình. Ông Bùi Ngọc Lâm, Giám đốc Sở VH-TT&DL nhấn mạnh: Chính quyền và nhân dân địa phương cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong việc giữ gìn những hiện vật cổ. Dự án phục dựng lại đình Cời phải dựa trên quy mô, kiến trúc niên đại của đình nhằm đảm bảo tính lịch sử của ngôi đình trước đây. Cùng với các di tích khác trên địa bàn, đình Cời sẽ trở thành điểm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng quan trọng của huyện Lương Sơn.

 

 

 

                                                                     Nguyễn Hồng

 

 

Các tin khác


Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục