Nghệ nhân Nguyễn Văn Thực (bên trái) ở xóm Chăm,  phường Thái Bình (TPHB) thường xuyên truyền dạy đánh cồng chiêng cho con, cháu.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thực (bên trái) ở xóm Chăm, phường Thái Bình (TPHB) thường xuyên truyền dạy đánh cồng chiêng cho con, cháu.

(HBĐT) - Bản sắc là đặc sắc, cái riêng của từng dân tộc. Trong thời buổi kinh tế thị trường, hội nhập, bùng nổ thông tin, nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp đang dần mai một. Làm thế nào để sự phát triển không làm lu mờ bản sắc văn hoá là vấn đề cần được quan tâm.

 

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị mai một

 

“Thật buồn khi đến một làng văn hóa tiêu biểu của người Mường mà không có một ngôi nhà sàn, phụ nữ mặc trang phục dân tộc, thậm chí một cái chiêng. Có những người ở độ tuổi 45 - 50 cũng không biết những phong tục truyền thống của dân tộc mình” - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Chí Thanh tâm sự. Gần 60 năm nghiên cứu văn hóa, điều trăn trở với ông là trong khi một số hủ tục chưa bỏ được thì lối sống thực dụng, văn hóa ngoại lai đã xâm nhập và nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp dần mai một. Cụ thể như trang phục, ẩm thực, nhà ở, ngôn ngữ và các giá trị văn hoá phi vật thể khác như hát dân ca, mo, cồng chiêng... Nhiều nhà sàn đẹp, kể cả nhà lang cổ cũng lũ lượt bỏ làng về xuôi (theo thống kê sơ bộ toàn tỉnh còn khoảng 27% nhà sàn), đám con cháu nghe ông, bà nói tiếng dân tộc ngơ ngác chẳng hiểu gì. Nghệ nhân Nguyễn Văn Thực ở xóm Chăm, phường Thái Bình (TPHB), người tâm huyết truyền dạy văn hóa dân gian cho thế hệ trẻ cũng phải thừa nhận nỗi buồn là ít người muốn tham gia luyện tập. Ông cho rằng, có những người làm công tác văn hóa ở cơ sở nhưng chưa hiểu hết văn hóa truyền thống nên đành phải tự mày mò và truyền dạy để không đánh mất hồn cốt dân tộc mình. Nhắm mắt tưởng tượng lại xóm nhà sàn trước đây mà tiếc. Nếu còn giữ được cộng với sự phát triển của đội văn nghệ dân gian do ông khởi xướng sẽ có nhiều du khách đến thăm quan. Nhưng, giờ cả xóm chỉ còn lại 3 nhà sàn.

 

Văn hóa, thông tin những năm gần đây phát triển mạnh nhưng đạo đức và lối sống của không ít người lại xuống cấp. Thuần phong, mỹ tục, nghi thức giao tiếp trong gia đình, cộng đồng của người trẻ không được uốn nắn theo khuôn phép truyền thống. Một bộ phận nhân dân bị tác động của kinh tế thị trường, sống thực dụng, coi thường luật pháp, đạo đức truyền thống. Còn tình trạng cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu thực hiện các quy ước, hương ước trong việc cưới, tang, tạo dư luận xấu. Ông Thanh cho rằng, các cấp, ngành, địa phương chỉ lo thực hiện để đạt tiêu chí gia đình văn hoá nhưng không ai nhắc đến vấn đề văn hoá gia đình. Văn hoá gia đình là gia đình đó còn giữ được những tinh hoa văn hoá của dân tộc mình. Khách du lịch tỉnh khác hay khách nước ngoài đến tỉnh ta chủ yếu xem văn hoá mình có gì đặc sắc khác với họ. Nếu cứ na ná giống họ thì không xem làm gì. Không giữ được bản sắc coi như không giữ được cội nguồn dân tộc, tự đánh mất mình.

 

Trong báo cáo tổng kết NQ T.Ư 5 (khoá VIII), Tỉnh uỷ đã chỉ rõ những hạn chế: QLNN về văn hoá nhiều nơi còn lỏng lẻo. Mục tiêu phấn đấu mỗi vùng, mỗi dân tộc có một lễ hội truyền thống, mỗi huyện có 1 - 2 bản du lịch văn hoá không đạt được. Hầu hết các lễ hội mang nặng tính sân khấu hoá. Hình thức tổ chức vay mượn, có khi pha tạp giữa lễ hội này với lễ hội ở nơi khác đang có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt xuất hiện mặt trái như mê tín dị đoan, xóc thẻ, bói toán, mất vệ sinh môi trường... Một số địa phương tổ chức lễ hội còn nặng thương mại hoá, có nơi còn biến tướng theo hướng kinh doanh hòm công đức. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá có nơi còn hình thức, chất lượng chưa cao. Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ, đúng mực quan điểm của Đảng ... xây dựng và phát triển văn hoá làm nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy KT-XH phát triển.

 

Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm bản sắc

 

Trước nguy cơ mai một bản sắc văn hoá dân tộc, tỉnh ta đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, trọng tâm là thực hiện NQT.Ư 5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó đã có những tác động rõ rệt đến đời sống mọi tầng lớp nhân dân. Việc giữ gìn và lưu truyền những giá trị văn hoá truyền thống, thuần phong mỹ tục trong từng gia đình, dòng họ, vùng miền, dân tộc được đề cao. Các dân tộc thiểu số không còn cảm giác e ngại về văn hoá với nền văn hoá của dân tộc đa số. Người Mường, Thái, Tày, Mông, Dao... trên địa bàn tỉnh tự hào về nguồn gốc dân tộc mình, những nét đặc trưng trong ngôn ngữ, lễ nghi, trang phục, ẩm thực... Bên cạnh sự phát triển linh hoạt, sôi động của đời sống xã hội đương đại vẫn tồn tại khoảng không gian đậm sắc thái văn hoá đặc trưng trong mỗi vùng, miền. Nhiều nghệ nhân đã tự nguyện mở các lớp truyền dạy văn hoá dân tộc như: Bùi Văn Thởm, Bùi Thu Hình, Bùi Văn Trựm ở cụm văn hoá mường Vang (Lạc Sơn), Nguyễn Văn Thực (TPHB), Bùi Thị Quynh (Tân Lạc)... Các sự kiện lớn, nổi bật của tỉnh đều mang dấu ấn văn hoá đậm nét. Tiêu biểu là dàn cồng chiêng tại lễ kỷ niệm 125 thành lập tỉnh đã ghi vào sách kỷ lục Việt Nam. Đáng mừng là nhiều người tự nguyện xin được tham gia dù không có tên trong danh sách. Dàn cồng chiêng 500 chiếc biểu diễn tại Đại hội TD-TT tỉnh lần thứ V, năm 2014 cũng chỉ cần huy động duy nhất tại 4 xã của huyện Cao Phong, nhiều chị em xin tham gia thêm và luyện tập nhiệt tình. Đa số nhân dân đã hiểu được giá trị của văn hoá với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ CNH-HĐH. Đó chính là sức mạnh nội sinh, nền tảng vững chắc để bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc, giúp cả dân tộc ta đứng vững trước những biến động của lịch sử, hội nhập và vươn tới tương lai, hạnh phúc, văn minh.

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp để tiếp tục thực hiện NQ T.Ư 5 (khoá VIII). Trước hết là quán triệt sâu sắc quan điểm, định hướng của Đảng. Tăng cường QLNN về văn hoá. Đầu tư kinh phí xây dựng, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá. Các hoạt động văn hoá từ huyện đến cơ sở đảm bảo thực hiện thường xuyên, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo của người dân. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong tổ chức các hoạt động văn hoá, gắn mục tiêu xây dựng, phát triển văn hoá với kế hoạch phát triển KT-XH. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, điều tra, sưu tầm văn hoá dân gian các dân tộc. Nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá. Gắn định hướng thực hiện đề án phát triển văn hoá với chương trình NTM.

 

Còn theo nhà nghiên cứu văn hoá Bùi Chí Thanh, bên cạnh việc xây dựng gia đình văn hoá cần quan tâm đến vấn đề văn hoá gia đình. Cần giáo dục, xây dựng con người có bản sắc, bản lĩnh văn hoá từ mỗi gia đình thì mới có sức đề kháng trước sự ồ ạt của văn hoá ngoại lai, mới có làng văn hoá NTM đúng chất. Bên cạnh đó, cần giữ không gian sống của từng cộng đồng dân tộc.

 

 

                                                                                 Cẩm Lệ

 

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục