Cảnh trong vở Bệnh sĩ do các diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn.

Cảnh trong vở Bệnh sĩ do các diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn.

Ðược phục dựng hơn 20 năm sau những ngày làm mưa làm gió sân khấu Việt Nam, vở diễn Bệnh sĩ của tác giả Lưu Quang Vũ đã trở lại đầy ấn tượng với sàn diễn Nhà hát kịch Việt Nam. Trước đó, Nhà hát kịch Hà Nội cũng có một Tháp đoạn hồn được đầu tư tiền tỷ, dưới bàn tay "phép thuật" của đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang. Thế nhưng, cả Bệnh sĩ lẫn Tháp đoạn hồn cũng không cứu nổi một nền sân khấu không có sức sống tự sinh cùng thời đại.

 

Ăn vào quá khứ

Không phải tới Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ tưởng niệm 25 năm ngày nhà viết kịch tài hoa qua đời được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9-2013, mà trước đó và ngay thời điểm này, tác phẩm của tác giả tài hoa này vẫn là lựa chọn hàng đầu cho nhiều nhà hát, đoàn nghệ thuật. Mùa hạ cuối cùng, Lời thề thứ 9 trở thành kịch mục nổi trội của Nhà hát Tuổi trẻ suốt hai, ba năm qua. Trái tim trong trắng, Ông không phải bố tôi cũng tạo nên tâm điểm để Nhà hát kịch Hà Nội thử sức trong cuộc đua bán vé. Nhà hát kịch Quân đội tìm về miền ký ức với Ðiều không thể mất, Nhà hát chèo Hà Nội muốn tận hưởng hào quang quá khứ bằng cách làm mới Nàng Sita... Sau đỉnh điểm ăn khách ở những năm 80, nửa đầu những năm 90 của thế kỷ 20, kịch bản của tác giả Lưu Quang Vũ tiếp tục trở nên đắt giá trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21. Nhiều năm nay giới sân khấu cứ mải miết đi tìm một nhà viết kịch như... Lưu Quang Vũ mà chưa thấy bóng dáng ở đâu.

Mặc cho Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đến hẹn lại lên, đều đặn mỗi năm mở ra một, hai trại sáng tác, nhưng số lượng kịch bản "ngon cơm" được các nhà hát, các đoàn hào hứng săn đón thì vẫn khan hiếm, có lẽ, lỗi trước hết ở chính các gương mặt tác giả được mời dự trại. Bấy lâu nay, vẫn hầu như quanh đi quẩn lại những cái tên ấy, lối viết ấy, phong cách ấy để đến nỗi trại viết chưa hân hoan bế mạc mà đã có những tiếng thở dài: "rồi lại nguyễn y vân". Nhiều cây viết sung sức, từng dọc ngang tung hoành như: Triệu Xuân, Chu Lai, Hà Ðình Cẩn... nay dường như đã mỏi mệt, hoặc lo những công việc khác. Nhà viết kịch Nguyễn Ðăng Chương thì bận rộn công việc quản lý, cây bút nữ Lê Thu Hạnh còn mải miết với... sân khấu truyền hình. Nữ tác giả Nguyễn Thu Phương cũng dường như đã nhạt tình với sân khấu trong khi những người trẻ, mới lại không thật sự được đón nhận, tin cậy cho nên nỗi lo thiếu vắng kịch bản xứng tầm vẫn còn đó. Nhiều tác giả trẻ nổi danh bên địa hạt văn chương, hoàn toàn có tiềm năng để tạt ngang sang cuộc chơi sân khấu nếu nhận được sự mời gọi nồng nhiệt và trọng thị như nhà văn Ðỗ Bích Thúy, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Ðình Tú... Dự trại viết bằng sự lựa chọn tình nghĩa, dựng vở cũng bằng quan hệ nghĩa tình, cứ mải loay hoay mơ màng nuối tiếc Lưu Quang Vũ mà thiếu đi cơ hội cho những "Lưu Quang Vũ đương thời" rộng đường xuất hiện, thì ước mộng đột phá kịch bản sân khấu vẫn mãi là nỗi khắc khoải chưa thể nguôi ngoai.

Phục vụ người xem hay săn tìm huy chương?

Trước mỗi kỳ liên hoan hội diễn, có nhà hát, có đoàn đã tìm dựng kịch bản của tác giả đương nhiệm kỳ lãnh đạo, những mong nhận được sự nể nang từ ban giám khảo để thêm khả năng kiếm huy chương. Tương tự, nhiều đơn vị phải liên miên chịu trận vì (không may) lãnh đạo của mình lại làm đạo diễn, cho nên hết năm này đến tháng nọ, vị đạo diễn "anh hùng nhất khoảnh" đã án ngữ sân nhà, sập cửa đối với những tài năng đến từ bên ngoài. Bởi vậy, có những đạo diễn đã tịt ngóm tiếng tăm ngay sau lúc... về hưu, sau bao ngày tháng "ăn quẩn cối xay" không chịu mở đường cho người trẻ. Ðạo diễn được (bị) coi là trẻ bây giờ, lứa Anh Tú, Chí Trung, Tuấn Hải cũng đều qua tuổi 50 và ngoài mối lo tư duy nghệ thuật còn phải bận tâm cho công tác tổ chức khán giả, tiếp thị vở diễn vốn đã trầy trật khó khăn. Thực tế ghi nhận, ở ngoài bắc không phải ai cũng may mắn như Hoàng Mai, Triệu Trung Kiên, hai đạo diễn gây tiếng vang khi mới ngoài 30 tuổi với những tác phẩm hay như: Cung phi Ðiểm Bích (đạo diễn Hoàng Mai), Dấu ấn giao thời (Triệu Trung Kiên). Sở dĩ có Hoàng Mai, Triệu Trung Kiên trước hết vì có Nhà hát Cải lương Việt Nam phóng khoáng, tin tưởng giao các kịch mục quan trọng của mình cho hai đạo diễn vừa ra trường, chưa ai quen tên, biết mặt. Bảy, tám năm sau ngày tỏa sáng bằng Cung phi Ðiểm Bích và Dấu ấn giao thời, cả Hoàng Mai lẫn Triệu Trung Kiên đều duy trì được phong độ lẫn sự chín chắn nghề nghiệp, là minh chứng sinh động cho lợi nhuận vô giá của sự liên tài mà Nhà hát Cải lương Việt Nam đã gửi gắm. NSND Doãn Hoàng Giang khẳng định: "Không cho người ta làm, không trao cơ hội cho người trẻ thì làm sao biết được họ có tài hay vô dụng".

Có lẽ, yếu điểm của sân khấu phía bắc không đến từ... trời, không thuộc về khách quan mà phần nhiều là do chủ quan từ chính người trong cuộc. Ấy là nhiều nhà hát, đoàn nghệ thuật đến thời điểm này vẫn còn phân vân với lựa chọn, với các đích đến được vạch ra: Phục vụ người xem hay... săn tìm huy chương cốt làm dày thêm các bản báo cáo thành tích. Có kỳ hội diễn toàn quốc, một đạo diễn vốn có uy với các thành viên ban giám khảo từng đứng tên dàn dựng gần một nửa số vở diễn tham dự với lý do: Họ mời nhiệt tình mà mình không thể từ chối được. Khó cho chính các đoàn, các nhà hát khi áp lực từ cơ quan chủ quản, từ lãnh đạo các địa phương luôn đè nặng trên cảm hứng sáng tạo. Những lời cảnh cáo, dọa dẫm kiểu "cấp tiền dựng vở đi hội diễn, về không có huy chương thì giải tán đoàn" luôn buộc các nghệ sĩ phải tự tìm cách đối phó và đương nhiên đối tượng chịu thiệt trong "cuộc chiến" ngầm này chính là công chúng lẫn bản thân các nghệ sĩ.

Bất chấp cuộc sống mỗi ngày một sôi động ồn ào, sân khấu phía bắc đang như người lần mò đi ngược đường, tình nguyện nép sang bên vì sợ đám đông hiện đại chen lấn, va quệt. Hơn một thập niên qua, các nhà hát, đoàn nghệ thuật vẫn lần hồi sống bằng hào quang quá khứ một ít tiền bao cấp, một ít tiền nhà nước bỏ ra dựng vở rồi lại phân chỉ tiêu diễn để hợp thức hóa những khoản đầu tư ấy. Vẫn những con người ấy, tên tuổi ấy, chỉ thêm già đi, thêm loay hoay trong vòng tròn khép kín, cho nên một điểm sáng Bệnh sĩ, một sự năng động rất hồn nhiên của Chí Trung hay sức hấp dẫn đơn lẻ của những ngôi sao có mức phủ sóng rộng khắp nhờ truyền hình như Xuân Bắc, Tự Long, Công Lý..., rất khó lòng để sân khấu chuyển mình hội nhập, không phải với thế giới bên ngoài mà ngay từ công chúng trong nhà.

 

                                                                      Theo Báo ND

 

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục