Chị Dương Thị Bin (bên trái) và chị Bùi Thị Lán nhặt hoa văn,  mắc khung dệt để giao cho người lao động.

Chị Dương Thị Bin (bên trái) và chị Bùi Thị Lán nhặt hoa văn, mắc khung dệt để giao cho người lao động.

(HBĐT) - Được phòng Việc làm - ATLĐ (Sở LĐ-TB&XH) giới thiệu, chúng tôi đến thăm Công ty TNHH MTV Lục Nghiệp Thành ở xóm Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) - một trong những doanh nghiệp giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

 

Đón khách từ đầu ngõ, chị Dương Thị Bin, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lục Nghiệp Thành chia sẻ: Trước kia, các gia đình trong xóm vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm với quy mô nhỏ, lẻ. Khi tôi còn làm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cũng được dẫn nhiều đoàn về thăm nghề dệt thổ cẩm ở xóm Lục, tôi đã trăn trở làm thế nào để giữ gìn và phát huy được nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Sau này, khi không còn làm công tác Hội Phụ nữ nữa, tôi mới có thời gian để thực hiện ước mơ của mình. Tôi cùng một số chị em trong xóm thành lập hội cùng sở thích nghề dệt thổ cẩm. Sau này, thấy thị trường ngày càng ưa chuộng sản phẩm dệt thổ cẩm, các chị học thêm những mẫu hoa văn mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tháng 5/2010, Công ty TNHH MTV Lục Nghiệp Thành chính thức được thành lập. Công ty trở thành đầu mới cung cấp, thu mua các sản phẩm dệt thổ cẩm cho bà con trong xóm. Đến tháng 1/2013, làng nghề dệt thổ cẩm - làng Lục chính thức được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống.

 

 Đưa chúng tôi đi thăm nhà, khác với những gì tưởng tượng về khung cảnh hàng trăm chiếc khung dệt và công nhân, trong nhà chị Bin chỉ có 1 khung dệt ở bên ngoài và 1 khung dệt tự tạo bên trong ngay trên chiếc ghế gỗ dài. Theo chị Bin, hiện nay, Công ty TNHH MTV Lục Nghiệp Thành chia thành 6 tổ sản xuất với 500 khung dệt ở trong xã Yên Nghiệp, các xã vùng lân cận và cả huyện Yên Thuỷ. Công ty giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương. ở mỗi tổ sản xuất như gia đình chị có một thợ kỹ thuật nhặt hoa văn, mắc khung dệt rồi giao về cho bà con dệt theo mẫu.

 

Đến thăm tổ sản xuất của chị Bùi Thị Lán, xóm Lục được biết: Chị thành thạo nghề dệt từ năm 15 tuổi. Cùng với làm nông nghiệp, lúc rảnh rỗi chị dệt thổ cẩm bán để tăng thu nhập. Khi đã thành lập làng nghề, những người có tay nghề lâu năm như chị cài hoa văn cho các thành viên trong tổ dệt và thu mua sản phẩm về. Dệt mỗi con rồng to dài 1,5 m người lao động được trả 20.000 đồng; con rồng nhỏ 1,5 m trả công 10.000 đồng. Một thợ lành nghề mỗi ngày cũng có thu nhập 100.000 đồng. Thu nhập bình quân của người lao động đạt 2 triệu đồng/người/tháng. Theo chị Lán, những người nông dân không thể bỏ được nghề nông nghiệp, dệt thổ cẩm làm lúc rỗi rãi, nông nhàn để tăng thu nhập. Khi hỏi về vai trò của nghề dệt thổ cẩm với kinh tế gia đình, bà Bùi Thị Rẳm, 76 tuổi phấn khởi: Gia đình tôi chủ yếu là lao động nữ, kinh tế khó khăn lắm. Trước kia, khi nghề dệt thổ cẩm chưa phát triển, các con tôi phải đi gánh gạch thuê tận Phú Xuyên (Hà Nội). Làng nghề được thành lập giúp 3 mẹ con tôi có thu nhập thêm dần ổn định cuộc sống gia đình.

 

Chị Dương Thị Bin cho biết thêm: Công ty, làng nghề được thành lập là niềm vui lớn của không chỉ cá nhân tôi mà cả người dân trong và ngoài xã. Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Mường đã chính thức được bảo tồn và phát huy giá trị. Tuy vậy, vấn đề lo nhất của chúng tôi là đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, thị trường chính vẫn là giao hàng cho lái buôn các chợ nhỏ, lẻ trong tỉnh và nhận đặt hàng ở tỉnh Thanh Hoá theo mẫu. Để mở rộng thị trường, Công ty cũng tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh nhưng đầu ra cho sản phẩn vẫn chưa ổn định. Trong thời gian tới, làng nghề rất mong Nhà nước có sự quan tâm, hỗ trợ về vốn, quảng bá để sản phẩm dệt thổ cẩm xóm Lục vươn xa, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn.

 

 

 

                                                                           Hương Lan

 

 

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục