Nụ cười đen nhánh của cụ bà người Dao xã Toàn Sơn.

Nụ cười đen nhánh của cụ bà người Dao xã Toàn Sơn.

(HBĐT) - Trong cái nắng hanh hao cuối năm, trong tiếng cười nói rộn ràng những ngày giáp Tết, chúng tôi đã có mặt tại chợ vùng cao Mường Chiềng (Đà Bắc). Chợ vùng cao là phiên chợ màu sắc sặc sỡ của khăn áo, màu tươi ngon của thực phẩm, màu ửng hồng trên đôi má những bé thơ và màu đen nhánh của nụ cười các bà, các mẹ vui mừng gặp nhau ngày chợ.

 

Nhuộm răng đen là phong tục đẹp của phụ nữ trước kia. Hiện nay, chỉ còn người già là vẫn giữ tục nhuộm răng đen còn phụ nữ trẻ thì không còn nhuộm răng nữa. Nhuộm răng không chỉ là một truyền thống văn hóa mà còn giúp cho răng chắc, khỏe và thể hiện cái duyên của phụ nữ dân tộc. Người phụ nữ khi mặc trang phục truyền thống dân tộc, đầu đội khăn và nụ cười đen nhánh khỏe mạnh được coi là chuẩn mực của cái đẹp, sự khỏe mạnh, đảm đang và khéo léo.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Lường Thị Miên, xóm Nà Mười, xã Mường Chiềng chia sẻ: Con gái ngày xưa nhuộm răng từ 15 - 16 tuổi. Ai cũng nhuộm răng, răng đều đen nhánh mới đẹp. Trước khi nhuộm phải làm sạch răng bằng cách đánh bằng vỏ cau khô với than bột trộn muối. Sau đó phải dùng quả chua như quả sống thái ra phơi khô, nấu lên thành nước ngậm để làm sạch, tê và mềm răng. Đây là công đoạn khó nhất của nhuộm răng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nếu phụ nữ người Kinh nhuộm răng đen bằng nhựa cánh kiến, nhựa cây sim thì phụ nữ các dân tộc như: Tày, Mường, Dao... lại có bí quyết nhuộm răng đen nhánh bằng quả mè, bồ hóng... Về bí quyết để có hàm răng đen nhánh của người Mường, bà Bùi Thị Ngoan (xóm Kế, xã Mường Chiềng) cho biết: Thuốc nhuộm răng của phụ nữ Mường thường được chuẩn bị trước từ 8 - 10 ngày. Muốn có thuốc nhuộm đẹp phải pha chế đúng công thức và tỷ lệ. Quả mè được dùng để nhuộm răng phải là mè non, có độ chát và “dính răng”. Mè non được đồ lên, đổ ra tách lấy vỏ ngoài và giã nhỏ, phần mè vừa giã được đem lên dán vào các dụng cụ lao động bằng sắt đã được rửa sạch như cuốc, xẻng, dao... với mục đích tạo độ đen cho thuốc nhuộm. Các mảng mè sau khi dán lên cuốc xẻng khô lại được ngâm nước cho mềm rồi gói vào lá chuối tiêu, mỗi lá bằng ngón tay và được đem nướng lên. Mè phải được gói vào lá chuối tiêu vì lá chuối tiêu có vị chát, đắng. Mè nướng xong được bỏ ra giã một lần nữa mới thành bột trộn để trét lên răng.

Phụ nữ Mường dùng quả mè để nhuộm răng thì phụ nữ Tày còn dùng thêm cả bồ hóng bếp. Ngoài việc chế biến quả mè, chị em phụ nữ người Tày còn phải chọn những đoạn ống nứa tươi, mang về gác lên gác bếp, khoảng 10 ngày sau, khi bồ hóng bám đen vào ống nứa thì lấy xuống, cạo bồ hóng để làm thuốc nhuộm. Hợp chất thuốc nhuộm gồm quả mè và bồ hóng đó được pha thành hỗn hợp sền sệt bôi lên răng.

Chị em phụ nữ người dân tộc thường nhuộm răng vào mùa đông, giáp Tết để những ngày Tết có hàm răng đẹp. Việc nhuộm răng diễn ra bên bếp lửa. Chị em vừa trò chuyện, vừa cùng nhau trộn thuốc. Hỗn hợp thuốc nhuộm sẽ được bôi trét lên răng và phải ngậm qua đêm, sáng hôm sau mới bỏ ra. Để răng được đen và bền màu, người phụ nữ phải bôi thuốc nhuộm lên răng và ngậm như vậy trong khoảng từ 3 - 5 đêm. Mỗi sáng thức dậy phải bỏ thuốc nhuộm ra và súc miệng thật sạch.

Sau cả một quá trình chuẩn bị kỳ công, cẩn thận, trải qua cảm giác đau nhức, tê buốt răng thì người phụ nữ mới có được hàm răng đen như ý. Kiến thức, kinh nghiệm về kỹ thuật nhuộm răng đen của mẹ được truyền lại cho con gái như một bí quyết riêng của mỗi gia đình.

Trao đổi về phong tục độc đáo này, ông Sa Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng cho biết: Nhuộm răng đen là một phong tục độc đáo, tạo nên nét riêng của văn hóa dân tộc Tày, Mường, Dao. Hàm răng đen nhánh thể hiện nét đẹp, sự trưởng thành, khéo léo của người phụ nữ. Điều đáng tiếc là phong tục này đang bị mai một và chỉ còn lại của các cụ già vùng cao.

 

 

 

 

                                                                          Dương Liễu

 

 

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục