Những món ăn truyền thống của người Mường tham gia thi ẩm thực trong hội làng ngày xuân.

Những món ăn truyền thống của người Mường tham gia thi ẩm thực trong hội làng ngày xuân.

(HBĐT) - Cô bạn tôi là người Hà Nội gốc, dịp Tết năm ngoái cô cùng theo một người bạn du xuân lên Hoà Bình được vào chơi nhà một người quen trong bản, bữa đó, được thưởng thức các món ăn truyền thống của người bản xứ đã tạo cho cô một ấn tượng khó quên về những hương vị độc đáo của ẩm thực đất Mường. Những ngày cận Tết năm nay, chưa đợi đến chúng tôi mời gọi cô đã “a lô” hẹn hò: Tết này tớ lên, lại đưa tớ đi thưởng thức đặc sản dân tộc nhé!

 

Trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu xuân, nhóm chúng tôi tổ chức chuyến xuất hành đầu năm để khám phá những nét đẹp tiềm ẩn của vùng đất bốn Mường Bi, Vang, Thàng, Động. Cùng với văn hoá trang phục, văn hoá cồng chiêng, nhà ở - kiến trúc, văn học - nghệ thuật..., văn hoá ẩm thực đã góp một phần rất lớn làm nên sự hấp dẫn đặc biệt cho văn hoá Mường. Đối với người Mường, ẩm thực không đơn thuần là đồ ăn thức uống mà chứa đựng trong đó là cả một nền văn hóa lâu đời. Không quá cầu kỳ trong cách chế biến nhưng mỗi món ăn, lại là một đặc sản, một sự hòa hợp tuyệt vời giữa các loại thực phẩm tự nhiên và cách chế biến hợp khẩu vị. Những mâm cơm của bữa ăn ngày thường hay mâm cỗ ngày lễ, Tết đều được chế biến, bầy biện sao cho khéo đúng với cổ truyền. Điều dễ nhận thấy nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của người Mường đó là những món ăn được tạo nên từ những thực phẩm đơn giản, dân dã mang hương vị của núi rừng, sông, suối như các món rau đồ, cá suối, thịt lợn. Ngày nay những món ăn đặc trưng này vẫn được cộng đồng người Mường chế biến trong bữa cơm hàng ngày hay trong mâm cỗ ngày lễ, Tết. Từ những sản vật của núi rừng, ngọn rau, con cá, hay hạt lúa trồng trên nương, người Mường đã chế biến thành những món ăn cực kỳ hấp dẫn mang hương vị đặc trưng.

 

Vừa nhanh tay đổ “cuốp” xôi đồ ra nia trong làn hơi nghi ngút, ông Bùi Văn Hùng, xã Địch Giáo (Tân Lạc) vừa cho biết: Cơm nếp đồ là một trong những món ăn truyền thống của người Mường. Không dùng chõ như người dưới xuôi, người Mường đồ cơm nếp bằng “cuốp” - một loại cây thân mềm, khi đồ cơm không bị nứt. Chiều cao của “cuốp” khoảng 40 - 50cm, đường kính khoảng 25 - 30cm, chứa được chừng vài ba cân gạo một mẻ. Khi đồ cơm nếp bằng “cuốp” vẫn giữ được hương thơm và giá trị dinh dưỡng của gạo. Khi cơm chín được đổ vào thúng, nia hay mủng rồi quạt cho nguội, làm như vậy cơm vừa dẻo, vừa khô, không bị nát, ăn rất ngon. Đặc biệt người Mường còn có món cơm nếp đồ ngũ sắc rất ngon và hấp dẫn. Gạo được trộn với nước màu rồi cho lên đồ. Nước màu được tạo từ các loại lá rừng, lá cây trong vườn nhà để tạo màu vàng cho xôi dùng củ nghệ, màu tím được chiết xuất từ lá cơm đen, màu đỏ từ gấc, màu xanh từ lá cây riềng. Khi đồ cho lần lượt các màu theo từng lớp, xôi chín lấy ra cho vào đĩa cũng theo từng lớp màu hoặc chia đĩa làm 5 góc, mỗi góc một màu tạo thành đĩa xôi ngũ sắc trông rất đẹp mắt. 

 

Bên cạnh cơm nếp đồ, những món ăn cổ truyền trong ngày lễ, tết của người Mường cũng rất đa dạng. Nhiều món ăn được người Mường ưa thích và trở thành món chính trong các bữa ăn như: Cơm nếp đồ, cá ốc đồ, rau trộn đồ, măng đắng đồ, thịt gà, lợn luộc, thịt trâu nấu lá lồm, canh cây chuối rừng, chả lá bưởi, thịt lợn ướp thính, măng chua... Người Mường thường bày cỗ trên lá chuối với cách trình bày món ăn hết sức độc đáo. Sau khi mời khách ngồi quây quần bên mâm cỗ lá chuối ông Bùi Văn Hùng lý giải: Bày cỗ trên lá chuối thịt có mùi thơm, dễ xếp mâm cỗ hơn. Để trên lá chuối ai thích ăn món nào cũng dễ. Trong mâm cỗ lá chuối các loại thức ăn được bày theo hình tròn. Thịt luộc được chấm với muối rang và hạt dổi nướng giã nhỏ. Khi thưởng thức món ăn sẽ cảm nhận được độ ngọt của thịt lợn, giòn của bì và mỡ, mùi thơm của lá chuối, hương thơm của hạt dổi và vị đậm đà của muối rang.Thịt nướng thường được tẩm riềng, sả, mẻ, bột nghệ nên có vị ngậy và thơm. Xung quanh vòng tròn lá chuối thường có hai bát canh xương nấu với bí xanh hoặc thân cây chuối và hai gói xôi đặt đối xứng nhau tạo thành bốn góc của hình vuông. Cách trình bày món ăn vừa đơn giản, hợp khẩu vị mà vẫn thể hiện được tín ngưỡng dân gian trời tròn, đất vuông. Tuy vậy, ở mỗi vùng có thể có cách bài trí riêng chứ không nhất thiết phải sắp xếp theo một khuôn mẫu chung.

 

Đối với mỗi người con xứ Mường dù đi đâu xa, dù cuộc sống hôm nay đã đủ đầy cũng không thể quên những món ăn dân dã truyền thống bởi đó chính là hương vị quê nhà, là bản sắc văn hoá dân tộc không dễ phai mờ. Cũng từ giá trị của văn hoá ẩm thực, ngày nay, nhiều bản làng của người Mường trở thành những điểm du lịch hấp dẫn với nhiều món ăn, nhiều sản phẩm đặc trưng được quảng bá như  khu vực suối khoáng Kim Bôi, bản Giang Mỗ (Cao Phong), Mường Bi (Tân Lạc), Mường Vang (Lạc Sơn)...

 

 

                                                                                   Hà Thu

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục