(HBĐT) - Sau những ngày rét đậm, ngày đầu xuân Ất Mùi, nắng vàng trải dài trên những ngọn đồi và dòng sông Đà một màu nước trong xanh. Con sông Đà ngọn nguồn của vùng quê “Đẻ đất, đẻ nước” vẫn miệt mài dẫn nước về đồng bằng Bắc Bộ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

 

Trên đồi ông Tượng năm xưa, thể theo nguyện vọng của nhân dân các dân tộc, ngày 8/1/1996, công trình Tượng đài Bác Hồ được khởi công xây dựng, sau hơn 1 năm thực  hiện đã khánh thành vào ngày 1/2/1997. Đây là một công trình quy mô của tỉnh và Thuỷ điện Hòa Bình. Tượng đài Bác Hồ hàng năm đón hàng chục nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan, chiêm ngưỡng. Đây cũng là nơi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo tỉnh và các ngành, đoàn thể và dân dân các dân tộc trong tỉnh dâng hương lên Bác mỗi khi đến làm việc, thăm công trình thuỷ điện và báo cáo thành tích, hứa trước Bác những quyết tâm phấn đấu trong công tác và học tập.

 

Nơi đây, mỗi dịp Tết đến, xuân về nhân dân, HS-SV về nghỉ Tết lên thắp hương báo công ơn Bác mong cho năm mới nhiều điều may mắn, tốt lành.

 

Tượng đài Bác Hồ cao 18 m, nặng hơn 400 tấn làm bằng chất liệu bê tông granít (siêu cao), không bị ố mốc, không bị phong hóa mài mòn bởi thời gian. Móng của Tượng đài được khoan trụ sâu xuống đỉnh núi 10 m, đường kính 2,5 m. Tượng Bác đặt trên đồi cao hơn 180 m so với mức nước biển và là vị trí cao đẹp nhất của công trình thuỷ điện Hòa Bình. Nơi đây, Bác hướng về công trình thế kỷ, lòng hồ, dòng sông Đà và thành phố Hòa Bình. Thành phố Hòa Bình có gần 10 vạn dân với 8 phường và 7 xã đang phát triển công nghiệp, dịch vụ và các xã đang phấn đấu thực hiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 

Tượng Bác Hồ được sáng tác theo ý tưởng khi Bác về thăm Hòa Bình năm 1960, Bác chỉ tay xuống dòng sông Đà hung dữ và nói “Phải biến thuỷ tặc thành thuỷ lợi. Mục đích cuối cùng phải chinh phục dòng sông có lợi ích lâu dài cho toàn dân”.

 

Tượng đài do nhà điêu khắc Nguyễn Vũ An, giảng viên trường đại học Kiến trúc Hà Nội phác thảo hình tượng Bác theo ý tưởng đó. Tác giả phần kết cấu công trình do kỹ sư xây dựng Ngô Thanh Cẩn; phần tổng kết kiến trúc xây dựng do kiến trúc sư trưởng người Nga V.M.Sêréprianski đảm nhiệm. Dưới chân tượng Bác là 79 bậc thang tượng trưng cho 79 mùa xuân trong cuộc đời của Bác. Ngay trên bệ đứng dưới chân của Bác được ghi 4 câu thơ của Người.

 

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”.

 

Phần dưới bài thơ là các hoa văn cách điệu tượng trưng cho sóng nước sông Đà. Phía sau Bác là hình tượng những đám mây bồng bềnh hòa quện làm cho hình tượng Bác Hồ nổi lên hoành tráng, nên thơ giữa một vùng thiên nhiên, không gian sông nước, mây trời hùng vĩ.

 

Đứng từ hạ lưu sông Đà, chúng ta ngước nhìn vẫn được ngắm Bác kính yêu với khuôn mặt hiền từ, phúc hậu. Cũng tại nhiều vị trí trong khu vực thành phố Hòa Bình vẫn có thể ngắm nhìn Tượng Bác khi màn đêm buông xuống nhờ hệ thống điện đèn chiếu sáng.

 

Giao thừa có năm được tỉnh lựa chọn là điểm bắn pháo hoa phục vụ nhân dân ngay dưới chân Tượng đài. Đêm giao thừa giữa sự giao thoa trời đất, những màn pháo hoa rực rỡ muôn màu sắc càng làm Tượng đài Bác thêm linh thiêng trong không gian thanh bình của tỉnh miền núi, một thành phố trẻ bên sông Đà.

 

Xuân về, nắng vàng nhè nhẹ, mọi gương mặt, nụ cười dâng hương, hoa kính cẩn bước từng bậc đến bên Người để cảm nhận.

 

 “Đến bên Người ta thở dễ dàng hơn”.(1)

 

 

Ghi chú: (1) Thơ Việt Phương. Trích trong bài “Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương”.

 

 

                                                            Tùy bút của Văn Sơn

 

 

 

Các tin khác


Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Lan tỏa văn hóa đọc và tình yêu sách trong cộng đồng

Do tác động của công nghệ thông tin, mạng internet, các thiết bị điện tử nên đã ảnh hưởng đến việc đọc của thế hệ trẻ, lấn át văn hóa đọc truyền thống. Sau khi có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã chung tay đẩy mạnh phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc trở thành hoạt động lớn trong tháng Tư hằng năm nhằm tôn vinh giá trị của sách trong cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục