Đông đảo người dân địa phương tham gia thi đấu giao hữu bóng chuyền tại lễ hội Chùa Hang – Hang Chùa.

Đông đảo người dân địa phương tham gia thi đấu giao hữu bóng chuyền tại lễ hội Chùa Hang – Hang Chùa.

(HBĐT) - Về Yên Trị (Yên Thủy) những ngày đầu năm, cùng với khí thế xuống đồng khẩn trương của bà con nông dân là không khí tươi vui, rộn ràng của các lễ hội đầu năm. Hội Chùa Hang – Hang Chùa là lễ hội lớn nhất của xã được tổ chức từ ngày 13 – 15 tháng Giêng hàng năm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

 

Năm nay, lễ hội Chùa Hang – Hang Chùa được tổ chức quy mô cấp huyện với nhiều hoạt động thu hút đông đảo nhân dân địa phương. Ngay từ sáng sớm, mỗi người một việc khẩn trương chuẩn bị cho phần lễ, phần hội được diễn ra vẹn toàn. Đã là người dân địa phương, ai ai cũng muốn về dự lễ hội Chùa Hang – Hang Chùa bởi lẽ, về đây không chỉ cảm thấy lòng thanh tĩnh mà còn được chung vui với người thân, bạn bè trong các hoạt động VHVN, TDTT sôi nổi.

 

Hang Chùa còn có tên là “Văn Quang Động” có ý nghĩa đó là “Tự nhiên đã bao dung với văn hóa. Văn hóa nương tựa vào tự nhiên”. Tại đây, giới khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy một chiếc chuông cổ và xác định có từ thời Cảnh Hưng, tức thời vua Lê Hiển Tông trị vì (1740-1786). Chiếc chuông là bằng chứng cho thấy, vào thế kỷ 18, Hang Chùa đã được khai thác, hang được biến thành chùa bởi những vị tu hành đạo cao, đức trọng. Gọi là Hang Chùa vì tại 4 động ở núi này thì có tới 2 động có chùa ở trong đó. Theo các nhà khảo cổ học thì Hang Chùa cũng là nơi phát hiện ra dấu vết khảo cổ học thuộc nền “Văn hoá Hoà Bình”. Trong hang 2 và hang 3, đã tìm thấy các trầm tích hoá thạch thức ăn của ngư­ời xư­a như­ vỏ ốc, vỏ sò, mảnh công cụ… Núi Chùa Hang nằm giữa cánh đồng thuộc thôn Đồng Mai, núi Đọc và thôn Á Đồng, xã Yên Trị gồm có 2 chùa là Chùa Hang 1 và Chùa Hang 2. Ngư­ời xư­a đã lợi dụng địa thế mái vòm của hang đá để xây dựng công trình chùa gỗ ở bên trong hang, vì mái đá, vòm hang có sức bền để chống, đỡ mư­a nắng. Chùa Hang được xây dựng trong hang thứ 2, có kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ, trong chùa có hệ thống tượng Phật được tạc từ thế kỷ 18, đây là một di sản độc đáo đối với di tích tỉnh Hoà Bình, trên những bức cốn là những đường nét hoa văn được chạm trổ cầu kỳ mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

 

Đồng chí Nguyễn Phi Diệp, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trị cho biết: Với những giá trị đó, năm 2004, Bộ VH, TT & DL đã công nhận là di tịch lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Từ đó đến nay, hàng năm, trong không khí náo nức của mùa xuân mới, chính quyền và người dân địa phương nô nức mở hội chùa Hang để khơi dậy khí thế rộn ràng và tấm lòng thành kính, tôn nghiêm của người dân địa phương đang hướng về điều thiện, nhớ tới cội nguồn với lòng ngưỡng mộ cảnh chùa, cảnh Phật từ bi quảng đại từ bốn phương hội tụ. Những ngày lễ hội thường thu hút hàng chục nghìn lượt người ở khắp các xã, thị trấn trong huyện và cả người dân các huyện, tỉnh giáp ranh về dự. Trước là chiêm ngưỡng cảnh chùa đã được thiên nhiên ban tặng, các bậc tiền nhân dày công xây dựng, giữ gìn. Sau là có nén hương thành kính thắp lên cầu đức Phật ban lộc tiếp tài và cùng tham gia các cuộc giao lưu văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian vui nhộn.

 

Vào ngày chính hội, chính quyền địa phương chuẩn bị đồ tế lễ dâng hoa, dâng hương lên chùa. Đối với các hộ gia đình, ngay từ sáng sớm họ đã chọn những sản vật ngon nhất trong gia đình để chuẩn bị mâm cỗ dâng lên đức Phật. Sau khi phần lễ kết thúc, tất cả cùng đổ về sân bóng tham gia thi đấu, cổ vũ bóng chuyền, các môn thể thao dân tộc với nhiều phấn khích cho một năm học tập, lao động sản xuất mới.

 

 

                                                                      Hồng Nhung

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục