Xin chữ đầu năm là nét đẹp văn hoá 

được lưu giữ tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An ở thị xã Chí Linh (Hải Dương).

Xin chữ đầu năm là nét đẹp văn hoá được lưu giữ tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An ở thị xã Chí Linh (Hải Dương).

(HBĐT) - Từ vài năm nay, trong những chuyến du xuân đầu năm, chúng tôi không thể bỏ qua một điểm đến mang giá trị lịch sử, ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đó là đền thờ thầy giáo Chu Văn An, tọa lạc trên núi Phượng Hoàng thuộc địa phận phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đến đây như tìm về cuội nguồn của sự học, đạo học, tỏ lòng thành kính, tri ân trước người thầy vĩ đại, đức nghiệp thanh cao, trong sáng vì sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

 

Trong cuốn sách “Chu Văn An với di tích Phượng Hoàng” viết rằng: Sự nghiệp thầy Chu Văn An là sự nghiệp của nhà giáo mẫu mực của muôn đời. Tư tưởng giáo dục của ông là “Hữu giáo vô loại”, tức là nền giáo dục đi tới muôn dân, không từ chối dạy dỗ đối với bất kỳ loại người nào, miễn là có ý muốn học tập. Quan điểm dạy học của thầy là học đi đôi với hành. Theo thầy: “Học mới chỉ là mắt, hành mới có chân. Có mắt, có chân mới tiến được. Có biết mới làm được, có làm mới biết. Nhưng cái biết trong làm mới là cái biết thiết thực, cái biết sâu sắc nhất”.

 

Thầy giáo Chu Văn An sinh năm 1292, mất năm 1370. Sau khi qua đời, tại nơi thầy làm nhà ở ẩn đền thờ được xây dựng. Trải qua thăng trầm lịch sử, sau nhiều lần tôn tạo, trùng tu, hiện nay, đền thờ thầy giáo Chu Văn An được xây dựng trên một thế đất cao, rộng và linh thiêng. Theo các nhà nghiên cứu, đền xây dựng theo thuyết phong thủy của người xưa, phía trước có núi Ngọc làm tiền án, phía sau có núi Phượng làm hậu trẩm, hai bên là núi Kỳ Lân và núi Phượng Hoàng như sải cánh của con chim Phượng Hoàng. Đền thờ kiến trúc theo kiểu chữa nhị, mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Nghệ thuật trang trí theo đề tài tứ linh, tứ quý. Đền gồm 5 gian tiền tế và 1 gian hậu cung. Phía trong hậu cung đặt tượng thờ thầy. Hàng năm, khu di tích thu hút hàng vạn du khách đến thăm quan, nghiên cứu, phần lớn là giáo viên và HS - SV khắp mọi miền đất nước. Nhiều trường học ở tỉnh Hải Dương, Hà Nội, Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố chọn nơi này là nơi tổng kết năm học, ký giao ước thi đua hay là nơi dâng hương, cầu nguyện trước một kỳ thi quan trọng.

 

Di tích Phượng Hoàng, đền thờ thầy giáo Chu Văn An là nơi tôn vinh sự học, hướng về đạo học nên nơi đây còn lưu giữ một phong tục, nét đẹp văn hóa rất riêng là: xin chữ thánh hiền. Xin chữ, treo tranh chữ ở vị trí trang trọng trong ngôi nhà là nét đẹp văn hóa có từ ngàn xưa của người Việt Nam. Mỗi chữ được chọn để treo thể hiện khát vọng, ý chí, tâm nguyện của người chơi tranh. Xin chữ ở đền thầy Chu Văn An vừa kế thừa những nét văn hóa truyền thống, vừa có một ý nghĩa riêng.

 

Sử sách ghi rằng, khi thầy Chu sống ẩn dật tại núi Phượng Hoàng cũng cho chữ nhiều người. Chữ được viết bằng mực son đỏ tươi. Son được lấy từ Giếng Son dưới núi. Thầy dùng mực son viết chữ cho nhiều người. Người làm quan thầy cho  những chữ “liêm”, “chính”, “tâm”, “đức”. Học trò được thầy cho chữ “thành”, chữ “học”. Người được chữ thầy cho như được một báu vật thiêng liêng, nâng niu suốt đời. Hơn 600 năm thầy giáo Chu Văn An qua đời, nhiều di tích liên quan đến thầy đã mai một. Song, nét văn hóa “xin chữ” những ngày đầu năm ở đền thờ thầy vẫn được bảo tồn. Chữ vẫn được viết bằng màu mực son tươi.

 

Hiện nay, ngay tại khu đền thờ thầy có một khoảng dành riêng cho những ông đồ ngồi cho chữ. Người xin chọn chữ tùy theo ý nguyện, mong ước của mình hay người thân. Song được xin nhiều nhất vẫn là những chữ: liêm, chính, tâm, đức, nhẫn, minh, hiếu, an, thành, trung, đạt, tình.

 

Em Nguyễn Hoàng Lan, học sinh lớp 12 ở Hà Nội đầu năm đến đền thờ thầy Chu Văn An xin chữ “minh”, chữ “thành”. Lan bộc bạch: Những chữ em xin thầy với ước nguyện về trí thông minh, sự minh mẫn, thành công trước kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

 

Người xin chữ thường đem chữ đặt trước ban thờ thầy. Quỳ lạy, khấn rõ tên, tuổi, địa chỉ và tâm nguyện của mình rồi xin chữ đem về treo ở nhà. Đầu năm, ngoài xin chữ, nhiều du khách đến đền thầy Chu Văn An còn muốn xin lộc học hành, thi cử bằng cách dâng sách, vở, bút vào đền rồi xin về cho con, cháu viết lấy khước.

 

 

                                                                  Bình Giang

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục