Có ai nói rằng tôi yêu phong lan, hồ điệp, tuylip, hoa hồng, hoa ly..., những loài hoa đài các, kiêu sa có cả hương lẫn sắc. Nhưng với tôi, cứ vào độ cuối xuân, khi những loài hoa làm xao xuyến những tâm hồn đa cảm như hoa gạo, hoa bưởi, hoa xoan sắp tàn, trong tôi lại cháy lên một nỗi nhớ như một sự tiếc nuối thì đúng hơn: đó là mùa hoa cải cúc, mùa hoa của tuổi xuân thì.

 

Tháng năm tuổi thơ, tôi sống ở một làng ven sông, sau những buổi học, tôi theo mẹ ra bến sông bạt ngàn bến bãi. Tôi đứng trên con đê ngoằn ngoèo nhìn dòng sông, bờ bãi. Đầu óc non nớt của tôi chỉ thấy bao la và thấy mình bé nhỏ, tôi chạy thỏa thuê đuổi theo bóng nắng. Những bông hoa cỏ bám đầy mảnh quần cộc của tôi, dòng sông hiền hòa ôm trọn lòng tôi. Tôi thấy lòng mình rộn rã thủa hồn nhiên.

 

Những bước chân bé nhỏ của tôi chạy chán rồi ra chỗ mẹ, mẹ vẫn đang gánh nước tưới những luống cải xanh non, cải vừa là cho rau, vừa cho hoa đẹp. Tôi thích những bông hoa dại mùa xuân, chúng nhỏ bé, khiêm nhường mà cũng vô cùng mạnh mẽ, mưa xuân tưới tắm khắp ruộng đồng, bến bãi, những bông hoa dại cũng đủ sắc màu trắng, vàng, tím, đỏ bé xíu cùng vươn mình trong nắng mai  xen với biển vàng cải cúc của mẹ tôi. Mẹ đã hái tỉa hết những lứa cải cúc xanh non đem chợ bán. Mẹ hiểu rất tường tận về loài rau này: cải cúc hay còn gọi là rau tần ô có nhiều tác dụng chữa bệnh và ăn rất lành. Tôi chả hiểu ăn lành là thế nào nhưng sau đọc báo tôi biết rau cải cúc chứa nhiều năng lượng và vitamin quan trọng trong bữa ăn. Rau cải cúc còn có thể làm được thuốc chữa bệnh như: ho ở trẻ em, đau mắt, đau đầu, giải cảm, tì vị ăn uống không tiêu, hạ huyết áp, đặc biệt chữa được thiếu sữa sau sinh... Xưa mẹ tôi sinh chúng tôi thời đó còn khó khăn, chả có gì bồi dưỡng, bữa ăn may ra được quả trứng gà là sang và rau hái vườn nhà. Thật trùng hợp là mấy chị em tôi mẹ đều sinh vào mùa xuân, chắc mẹ ăn nhiều rau cải cúc nên nuôi mấy chị em tôi đều sẵn sữa, đứa nào cũng hay ăn, chóng lớn. Vậy là cải cúc đã ngấm vào dòng sữa nuôi lớn chúng tôi.

 

Mùa hoa vào cuối tháng 3 thật rực rỡ, tôi đã quên đi những cây rau xanh non hôm nào, bây giờ là một biển vàng hoa cúc, không chỉ mảnh vườn của mẹ ra hoa mà cả bãi sông ngập trời hoa nắng. Cùng với gió xuân, nắng xuân, hoa đang rung rinh đua vàng với nắng. Những bông hoa vàng tươi nhị vàng cánh trắng mỏng manh như mặt trời nhỏ, như những gương mặt thân quen đang tỏa nắng tươi cười. Thủa nhỏ đã bao lần tôi chạy len lỏi như thế trong những luống hoa mà đùa vui, cùng lũ bướm rập rờn, phấn khởi. Những mùa hoa yên bình cứ thế trôi đi. Dòng sông lại ồn ào uốn mình tạm biệt mùa xuân để mênh mông, sôi sục khi hạ về. Những chân trời hoa nắng vào hạt để mẹ gom hạt giống cho mùa sau. Bãi bờ rồi sẽ không còn ngô, khoai, không còn ngập trời hoa cải mà là đỏ rực nước phù sa ấm nồng. Dòng sông miệt mài gom góp phù sa để mùa sau lại được hóa thân vào xanh non cây, lá và rực vàng những mùa hoa, rực vàng hoa cải cúc thân thương. Những bông hoa như mặt trời bé con thuần khiết, mộc mạc góp chút sắc màu cho những cuộc đời lam lũ!

 

Nắng gió cuối mùa xuân đang mơn man, trốn tìm trên những đợt sóng vàng hoa cải cúc. Màu vàng trong trẻo trong cái nắng tinh khôi của mùa xuân. Tôi đã lớn và liên tưởng cải cúc như những cô gái vùng đất bãi ven sông má ửng hồng ngọt tươi sắc nắng đang cười.

 

Nay lại mùa hoa cải cúc đang xuân, có nhiều cô, cậu nam nữ đang len vào những luống hoa và những chiếc điện thoại đời mới, nhiều chấm để chụp ảnh. Họ cũng thanh xuân, muốn lưu giữ tuổi xanh cùng mùa hoa ở lại, có thể họ không quan tâm nhiều đến nỗi vất vả, cực nhọc của những người vun trồng, tưới tắm cho những mùa hoa thắm sắc bên sông. Mẹ đã và sẽ vẫn đang gieo những mùa xuân rực rỡ. Trước mắt tôi là ngập tràn sắc xuân, những bướm, ong rộn ràng cũng không quên cần mẫn lo công việc. Dáng mẹ tôi khuất dần phía cuối bãi  chìm dần và nhỏ lại trên bạt ngàn hoa. Mùa hoa thì rực rỡ còn mẹ tôi vẫn cười và xếp dần thêm những dấu chân chim trên khóe mắt. Cải cúc nở hoa báo hiệu mùa xuân sắp hết. Tôi nghe như nuối tiếc, nhẩm một mình: những mùa xuân đi qua và cải cúc đã nở vàng hoa.

 

 

 

 

Tản văn của Nguyễn Thị Hải Yến

(Trường THCS Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương)

 

 

Các tin khác


Tuyên truyền cổ động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại Đà Bắc

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hòa Bình phối hợp Trường Cảnh sát nhân dân 1, Trung tâm VH-TT&TT huyện Đà Bắc vừa tổ chức đêm giao lưu văn nghệ tuyên truyền lưu động đợt I, năm 2024.

Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục