Cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình thăm quan và tìm hiểu tại Bảo tàng Di tích lịch sử Định Hóa (Thái Nguyên).

Cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình thăm quan và tìm hiểu tại Bảo tàng Di tích lịch sử Định Hóa (Thái Nguyên).

(HBĐT) - Những ngày cuối tháng 4, nhân dịp dự hội thảo báo Đảng các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, chúng tôi may mắn được đến thăm Di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Trong lịch sử, di tích từng được biết đến qua nhiều tên gọi khác nhau như An toàn khu, Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa, Khu di tích lịch sử ATK Trung ương, là nơi ở, làm việc và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, T.Ư Đảng, Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954). Năm 1981, Khu di tích đã được Bộ VH - TT (nay là Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích quốc gia). Tháng 5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.

 

Qua lời kể của Phó trưởng ban quản lý Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa Nguyễn Văn Nương, địa điểm Bác ở và làm việc tại đồi Tỉn Keo (1948 - 1954), thuộc xã Phú Định (Định Hóa) là nơi khởi phát, tổ chức chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi, kết thúc chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương. Tại đây, Bác đã soạn thảo, ký nhiều văn kiện và cùng Bộ Chính trị đưa ra những quyết định quan trọng, đem lại thắng lợi cho chiến cuộc Đông Xuân (1953 - 1954). Đồi Tỉn Keo đáp ứng các tiêu chí của Bác khi giao nhiệm vụ cho các đồng chí giúp việc tìm địa điểm đặt cơ quan, đó là: “Trên có núi, dưới có sông; Có đất ta trồng, có bãi ta vui; Tiện đường sang Tổng bộ, thuận lối tới Trung ương; Nhà thoáng ráo kín mái, gần dân không gần đường". Hiện tại, lán ở của Bác, lán họp Bộ Chính trị và một số hạng mục khác đã được phục dựng lại bằng gỗ, vầu, mái lợp lá cọ.

 

Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Với ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, toàn thể nhân dân Việt Nam đã nhất tề hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ với niềm tin tất thắng. Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, quân dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp. Để cứu vãn tình thế thất bại, bước vào Thu - Đông 1953, thực dân Pháp với sự hỗ trợ của đế quốc Mỹ đã cho ra đời Kế hoạch Na-va, tăng viện lớn về binh lực và chi phí chiến tranh ở Việt Nam. Chúng đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất với ý đồ thách thức quân, dân ta, nghiền nát quân chủ lực của ta trong vòng 18 tháng. Điện Biên Phủ đã trở thành điểm quyết chiến của Kế hoạch Na-va.

 

Nắm chắc mọi âm mưu, hành động của địch, phân tích, đánh giá tình hình một cách khoa học, ngày 6/ 12/1953 tại lán Tỉn Keo, Hồ Chủ tịch đã chủ toạ hội nghị  Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân uỷ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đây là một chiến dịch lịch sử có có nghĩa quân sự, chính trị, ngoại giao rất quan trọng và dặn dò Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi Đại tướng ra mặt trận: Phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Trong chiến dịch lịch sử này, Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng Quân uỷ, Bộ Tổng tư lệnh đã tổ chức, động viên một lực lượng to lớn sức người, sức của cho mặt trận. Hàng vạn người vượt qua muôn vàn gian khó, ngày đêm bạt rừng xẻ núi, mở hàng ngàn km đường giao thông cho bộ đội, dân công chuyển quân, kéo pháo, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, lập nên biết bao kỳ tích.

 

Trên chiến trường, Bộ chỉ huy chiến dịch đã sáng suốt quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ Đánh nhanh, giải quyết nhanh chuyển sang Đánh chắc, tiến chắc vào ngay trước giờ chiến dịch mở màn, thể hiện tài thao lược, tinh thần trách nhiệm cao và lòng quả cảm, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và của toàn dân, toàn quân. Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm của địch, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan ý chí xâm lược của các thế lực thực dân hiếu chiến.

 

Thời gian đã lùi xa, nhưng những dấu ấn của Thủ đô gió ngàn và Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là một mốc son chói lọi trong lịch sử và niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là sức mạnh tinh thần, nguồn cổ vũ, động viên to lớn, đồng thời để lại nhiều bài học quý giá đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

 

 

 

                                                                        Đức Phượng

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục