(HBĐT) - Về quê Bác, những ngày tháng 5 này rạo rực, náo nức bởi lẽ mọi người dân xứ Nghệ, Nam Đàn đến làng Sen đều đón chờ ngày sinh 125 năm của Bác, vị lãnh tụ kính yêu, người con thân yêu của mảnh đất truyền thống yêu nước, hiếu học.

 

Qua làng Hoàng Trù, quê ngoại của Bác, nơi cụ Hoàng Đường, một nhà nho, một thầy giáo yêu quý cậu học trò nghèo có tư chất thông minh đã nhận về nuôi dạy và tác thành gia thất. Nhân dân Hoàng Trù vẫn nhớ mãi lời cụ bà Hoàng Đường nói với con rể Nguyễn Sinh Sắc khi đậu phó bảng “làm quan thì phải thương dân”, đó là một lời dạy, lời dăn.

Vòng quanh đường làng sang làng Sen, nơi Bác đã sống và lớn lên trong vòng tay cha, anh chị và bạn bè. Chính những năm tháng cất tiếng chào đời ở Hoàng Trù quê ngoại rồi lớn lên quê nội làng Sen mà bao kỷ niệm vẫn trọn đầy trong lòng Bác.

Đảng bộ và nhân dân Nghệ An nhớ mãi, khắc sâu thư Bác gửi cho quê hương vào ngày 21/7/1969 - trong thư Bác động viên, nhắc nhở nhiều nhưng tập trung nổi bật là ba vấn đề then chốt: Thứ nhất tích cực thực hiện dân chủ, thứ hai khôi phục phát triển kinh tế, thứ ba chăm lo đời sống nhân dân. Lá thứ Bác gửi cho Đảng bộ nhân dân Nghệ An cách đây 46 năm, kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Bác - Đảng bộ, nhân dân Nghệ An lại xúc động tự hào và nguyện phấn đấu làm theo lời Bác dạy, lời Bác dặn trong thư. Lá thư cuối cùng trước lúc đi xa chỉ cách nhau 42   ngày. Thật là xúc động, tình cảm của Bác, một tình cảm thiêng liêng đối với quê hương.

Những ngày tháng 5 này về làng Sen, băng cờ, khẩu hiệu đỏ rực đường làng, ngõ xóm. Đường vào nhà Bác như rộng hơn, phong quang hơn mở lòng với khách thập phương, hành hương về làng Sen. Trên sân trường, đường vào trạm xá phượng vĩ đã ra hoa thắm đỏ bầu trời. Bầu trời làng Sen như cao hơn, xanh hơn đi dưới những hàng cây, nắng nóng như dịu lại du khách thấy mát lòng mà nhẹ bước đôi chân. Nhìn những cây phượng vĩ lại nhớ năm 1961, trong một chuyến ra Hà Nội công tác, đồng chí Nguyễn Sỹ Quế, Chủ tịch ủy ban Hành chính tỉnh Nghệ An cùng đoàn được gặp Bác Hồ ở nhà đồng chí Nguyễn Duy Trình, Bộ trưởng Ngoại giao quê ở Nghi Lộc, Nghệ An. Sau những lời thăm hỏi thân mật, nặng tình quê hương, ra về, Bác trao cho đồng chí Chủ tịch tỉnh Nguyễn Sỹ Quế một gói hạt phượng và dặn: “Các chú mang về, chia cho mỗi nơi một ít và nhớ là phải trồng cây nào sống cây ấy”. Chính vì vậy, ngày nay, về Kim Liên những hàng cây phượng xen với xà cừ xanh tốt, đó là gói hạt giống năm nào Bác cho.

Về làng Sen tháng 5, đầm sen xanh tốt, hoa sen nở, hương thơm làm bịn rịn lòng người phương xa. Nhớ lại câu ca:

“Nhất vui là cảnh quê mình

Kim Liên sen tốt, Ngọc Đình chuông kêu”.

Sau khi dự lễ 40 năm ngày giải phóng miền Nam, má Tư quê Bến Tre, quê hương đồng khởi, luôn chuyến đi, ra làng Sen thăm quê Bác mà bao năm mong ước. Đứng bên chiếc vòng gai, bên khung dệt vải, má xúc động, không nói được trào nước mắt và  chắp tay lạy trước bàn thờ đơn sơ của nhà Bác.

Ông Triệu Phì Sòn từ Mã Pí Lèng (Hà Giang) vừa kỷ niệm 50 năm con đường Hạnh Phúc, có đường xuôi về Hà Nội vào quê Bác để thắp nén hương nhớ thương Bác bởi quê Hà Giang mới có con đường Hạnh Phúc len giữa những núi đá trập trùng. Ông già người Dao xốc lại áo, chắp tay lạy ngôi nhà gianh mà lòng trào dâng niềm vinh hạnh. Đồng bào miền núi Nghệ An, các học sinh dân tộc Nghệ An qua các thế hệ vẫn mãi ghi nhớ, truyền cho nhau nghe ngày 9/12/ 1961, Bác đến thăm trường miền núi. Bác đi đến nhà ăn, nơi học, nơi nghỉ của các cháu, Bác thấy vui và động viên thầy, trò rồi Bác hỏi thầy Hiệu trưởng trường có bao nhiêu dân tộc. Thầy thưa với Bác trường có 9 dân tộc. Bác quay lại hỏi, sao lại ăn mặc Kinh cả? Bác tươi cười âu yếm gọi các cháu học sinh từng dân tộc đứng lên. Bác lại bảo: “Cháu nào mặc quần áo dân tộc thì ngồi chụp ảnh với Bác, các cháu ngồi vây quanh Bác như một bông hoa”.

Ngày hôm sau 10/12/1961, Bác về thăm Nông trường Đông Hiếu, huyện Nghĩa Đàn. Bác đến, cán bộ, công nhân phấn khởi đón Bác hò vang: “Bác Hồ muôn năm”, Bác đi thăm lô cà phê, trại chăn nuôi và nói chuyện với cán bộ, công nhân, chuyên gia Liên Xô.

Trước khi ra về Bác nói: “Bác về thăm quê, lên thăm nông trưòng, bây giờ Bác phải về Hà Nội. Bác kính chào đồng bào”.

Lần đầu tiên sau 50 năm bôn ba tìm đường cứu nước, sáng ngày 14/6/1957, Bác về thăm quê làng Sen. Nhân dân làng Sen, nhân dân Nam Đàn và cả Nghệ An về làng Sen đón Bác. Bác về làng Sen với tình cảm của người con quê hương. Nhân dân làng Sen, Nam Đàn, Nghệ An tự hào có một vị lãnh tụ của Đảng, của dân tộc, là một người dân của  quê hương.

Buổi về thăm quê sau 50 năm, Bác nói với bà con dân làng:

- Tôi xa quê hương đã 50 năm rồi. Thường tình người ta xa nhà, lúc trở về thì mừng mừng tủi tủi. Nhưng tôi không tủi mà chỉ thấy mừng. Bởi vì khi tôi ra đi, nhân dân ta còn nô lệ, bị bọn đế quốc phong kiến đè đầu, cưỡi cổ. Bây giờ tôi về, đất nước đã được giải phóng, nhân dân đã được tự do. Rồi Bác đọc câu thơ:

“Quê hương nghĩa trọng tình cao

Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”.

Kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Người, nhân dân ta càng biết ơn Người, càng đoàn kết ra sức học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác với một tấm lòng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

“Xin dâng lên Bác một mùa hoa

Cả nước anh em đẹp một nhà

Như khối hoa cương và cẩm thạch

Nghìn năm quanh Bác bản hòa ca”.

 

 

                                                                                 Văn Song

 

 

Các tin khác


Ấn tượng Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ 3 

Xác định vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đến nay, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động văn hóa thường niên, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Năm nay, Hòa Bình chọn tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc tại huyện Lạc Sơn và đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Qua đó, tôn vinh văn hóa đọc và cổ vũ phong trào đọc, làm theo sách.

Gìn giữ điệu xoè Thái Mai Châu

Điệu xoè Thái ở Mai Châu đã có từ lâu đời và được lưu truyền từ thế hệ trước cho thế hệ sau. Múa xòe không chỉ là điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái mà còn là nét văn hóa đặc sắc, hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa và đời sống tinh thần.

Lắng lòng nơi chiến khu rừng Sác

Đến TP Hồ Chí Minh vào thời điểm cuối Xuân, đầu Hè, có nhiều tuyến đường để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chúng tôi đã chọn chiến khu rừng Sác là điểm dừng chân. Để được nghe, được thấy và được cảm nhận những chiến tích anh hùng, sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của những chiến sĩ đặc công Trung đoàn 10 (T10) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vì độc lập, tự do của dân tộc.

Trải nghiệm phiên chợ Bò Chủ nhật ở xã Vân Sơn

Từ chỗ chỉ họp vào thứ Ba hàng tuần, phiên chợ Bò tại xã Vân Sơn (Tân Lạc) chính thức họp thêm Chủ nhật từ ngày 24/3 vừa qua. Qua đó nhằm đưa chợ phiên trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của các xã vùng lân cận, đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm địa phương của du khách khi đến Vân Sơn du lịch vào dịp cuối tuần.

Giới thiệu hai cuốn sách “Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”

Ngày 19/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức giới thiệu hai cuốn sách "Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam” và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”.

Báo Nhân Dân ra mắt MV Kenny G "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV "Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục