Nhằm phát triển du lịch cộng đồng, xã Phong Phú (Tân Lạc) xây dựng các đội văn nghệ quần chúng, phục vụ khách thăm quan du lịch. Ảnh: Biểu diễn văn nghệ tại lễ hội Khai hạ Mường Bi năm 2015.

Nhằm phát triển du lịch cộng đồng, xã Phong Phú (Tân Lạc) xây dựng các đội văn nghệ quần chúng, phục vụ khách thăm quan du lịch. Ảnh: Biểu diễn văn nghệ tại lễ hội Khai hạ Mường Bi năm 2015.

(HBĐT) - Homestay là loại hình du lịch cộng đồng dành cho những du khách thích khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu phong tục tập quán của người dân địa phương. Du lịch homestay chọn nhà dân bản địa cho khách du lịch nghỉ chân và "ba cùng": cùng ăn, cùng nghỉ, cùng chơi với gia chủ. Qua đó, khách du lịch có thể tiếp cận, tìm hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, đời sống, con người hay ẩm thực; tận hưởng trọn vẹn không gian văn hóa truyền thống của địa phương, trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm chính mình. Đây được coi là một trong những thế mạnh tạo nên sắc thái mới để du lịch tỉnh ta cất cánh. 

 

Đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH -TT&DL cho biết: Hòa Bình từ lâu được xem là thiên đường hấp dẫn chưa được khám phá với 4 mường lớn: Bi, Vang, Thàng, Động và kho tàng văn hóa phong phú của 7 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống: Mường, Kinh, Tày, Dao, Mông, Hoa. Điều hấp dẫn du khách trong và ngoài nước không chỉ có tiềm năng về đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ với núi non hùng vĩ, những hang động có nhiều thạch nhũ, đến Hòa Bình, du khách được hòa mình vào nếp sống, sinh hoạt truyền thống của các dân tộc vùng Tây Bắc; tìm hiểu và thưởng thức không gian văn hóa qua các điệu thường dang, bọ mẹng của người Mường; điệu khặp của người Thái; điệu khèn của người Mông làm say đắm lòng người...; khám phá những món ăn truyền thống, như: cơm lam, canh đắng, thịt nướng cùng say men rượu cần và thưởng thức những điệu múa... của người Mường, Thái.

 

Trên thực tế, loại hình du lịch cộng đồng mà cụ thể là homestay từ hơn chục năm nay không còn là khái niệm xa lạ đối với nhiều người  dân ở bản Lác, Pom Coọng (Mai Châu), Giang Mỗ (Cao Phong)... Mới đây, nhiều xóm, bản của tỉnh đã liên kết với các công ty dịch vụ lữ hành để phát triển du lịch cộng đồng, đón khách đến nghỉ dưỡng, thăm quan. Tỉnh cũng đã công nhận 7 điểm du lịch địa phương tại các huyện Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Lạc Sơn, Cao Phong Trong đó, đáng chú ý là xóm Ải, xã Phong Phú (Tân Lạc) đã được Bộ VH -TT&DL công nhận là làng truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người và là xóm đại diện dân tộc Mường xây dựng 20 làng truyền thống của cả nước. Đầu năm 2014, xóm Ải được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng. Đây là cơ hội để người dân xóm Ải và vùng Mường Bi tiếp tục bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.

 

Qua khảo sát thực tế, các hộ mới làm du lịch cộng đồng  homestay theo hình thức tự phát nhưng đã đem lại những hiệu quả nhất định cả về góc độ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, lẫn khởi tạo nền móng cho loại hình du lịch này. Theo đồng chí Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở VH -TT&DL, homestay là loại hình du lịch độc đáo, phát huy lợi ích cao nhất ở các vùng nông thôn, miền núi, đặc biệt là những nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Mô hình du lịch cộng đồng có sức cuốn hút với nhiều du khách nước ngoài. Điểm hấp dẫn nhất của loại hình này chính là nét văn hóa độc đáo của dân tộc bản địa, nên không thể làm đại trà mà phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Để mô hình du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả thì phải xác định lấy văn hóa địa phương làm nền tảng, gắn việc khai thác du lịch với bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số để thu hút khách du lịch. Đồng thời, tỉnh ta cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư vào khai thác sản phẩm du lịch homestay trong thời gian tới.

 

Theo ngành VH -TT&DL, việc phát triển loại hình du lịch homestay ở tỉnh ta đang gặp nhiều khó khăn, sự quan tâm, đầu tư đối với loại hình du lịch này vẫn còn khá khiêm tốn và chủ yếu là tự phát, nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, các sản phẩm dịch vụ ít, đơn điệu. Kỹ năng đón tiếp, phục vụ khách du lịch của bà con thiếu tính chuyên nghiệp. Mô hình quản lý hoạt động du lịch của các bản vẫn chưa được định hình. Vai trò của chính quyền cơ sở và các đoàn thể trong việc phát triển du lịch chưa thực sự rõ nét. Nguồn khách hiện nay phụ thuộc phần lớn vào các công ty lữ hành. Qua tìm hiểu, nhiều công ty lữ hành và dịch vụ du lịch trong, ngoài tỉnh đã quan tâm đến loại hình du lịch homestay, tuy vậy, mới chỉ thu hút được một lượng khách nhỏ, chủ yếu là nước ngoài. Vì vậy, các đơn vị lữ hành chưa thực sự mặn mà với loại hình du lịch này và cũng chưa xem đây là một sản phẩm chính thống để khai thác.

 

Phát triển loại hình du lịch cộng đồng không chỉ mang đến lợi nhuận kinh tế cho nhiều phía mà còn góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh về thiên nhiên, văn hoá, con người của vùng đất Hòa Bình một cách hiệu quả và chân thực nhất. Đó là những thuận lợi lớn giúp ngành du lịch tỉnh ta tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, cụ thể là loại hình du lịch homestay, làm nên thương hiệu riêng của Hòa Bình. Tuy nhiên, để phát triển loại hình du lịch này thực sự hiệu quả và bền vững, tạo thành thương hiệu rất riêng của du Hòa Bình, đòi hỏi các ngành, các cấp, các đơn vị quản lý, kinh doanh du lịch và người dân địa phương phải phối hợp chặt chẽ, toàn diện. Cần có những chính sách riêng cho phát triển du lịch cộng đồng, trong đó phải tính đến việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho các hộ gia đình tham gia làm du lịch, quy hoạch, tổ chức xây dựng xóm du lịch cộng đồng, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch, giúp người dân quảng bá và đào tạo nhân lực.

 

Cuối năm 2014, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát đến năm 2020, du lịch tiếp tục giữ vững là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, phấn đấu đến năm 2030 có hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hóa Hòa Bình, thân thiện với môi trường; đưa Hòa Bình trở thành điểm hấp dẫn của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và cả nước. Trong đó, du lịch cộng đồng được xác định là một trong những thế mạnh để phát triển du lịch nhân văn. Trước mắt, tỉnh đang chỉ đạo các huyện, thành phố xây dựng Đề án tổng thể về phát triển du lịch của địa phương mình. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai các bước để lập Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình và điểm du lịch quốc gia Mai Châu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2016. Đây được coi là bước đột phá mới để ngành du lịch tỉnh ta cất cánh trong tương lai.

 

 

 

                                                                                    Ngọc Vinh

 

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục