Mộ góc cảnh quan Hồ Núi Cốc.

Mộ góc cảnh quan Hồ Núi Cốc.

(HBĐT) - Đẹp, bình yên, thơ mộng cùng với sự cuốn hút từ những câu chuyện huyền thoại, hồ Núi Cốc mãi mãi là điểm đến hấp dẫn trong lòng du khách. Lướt trên lòng hồ, dừng chân ở từng điểm nhấn để nghỉ ngơi, thưởng ngoạn phong cảnh, tĩnh tâm nhìn lại mình đó là mong muốn không chỉ của riêng ai. Hơn một lần trở lại hồ Núi Cốc tôi cảm nhận rõ hơn điều này và thầm cảm phục cách mà tỉnh bạn Thái Nguyên phát triển ngành công nghiệp không khói.

 

Đưa chúng tôi thăm hồ Núi Cốc lần này là một phóng viên của Báo Thái Nguyên. Chi tiết đầu tiên mà người bạn đồng nghiệp của chúng tôi gợi mở là: hồ Núi Cốc không phải là hồ tự nhiên mà được tạo ra khi Thái Nguyên xây dựng đập ngăn dòng sông Công . Từ đây, giữa lòng hồ nổi lên 89 hòn đảo lớn nhỏ tựa như một Hạ Long thu nhỏ. Những hòn đảo nổi, đảo chìm ấy được đặt  những cái tên rất đỗi thân quen: đảo Cò, đảo Dê, Đảo Khỉ, đảo Bạch Đàn, đảo Trám…Bằng bàn tay, khối óc của con người, hồ Núi Cốc đã được đầu tư khá cầu kỳ để có được diện mạo như ngày hôm nay- một điểm đến níu chân du khách..Đặt chân đến nơi đây, du khách ngỡ ngàng trước dàn âm thanh và hình ảnh sống động  từ sân khấu nhạc nước. Khu vực sân khấu biểu diễn nhạc nước có tổng diện tích 1 ha với cột nước cao trên 40 m được đánh giá là một trong những sân khấu nhạc nước hiện đại nhất được đầu tư tại Việt Nam hiện nay. Những giai điệu về huyền thoại hồ Núi Cốc, chuyện tình nàng Công - chàng Cốc và và những giai điệu ca ngợi quê hương đất nước…được thể hiện bởi các nghệ sỹ với sự hỗ trợ của 100 loại hình cột nước đem lại cho du khách những giây phút sảng khoái. Con người thật và cảnh vật hiện hữu như bước ra từ trong huyền thoại làm cho du khách luôn bị choáng ngợp với những cảm xúc lạ. Bước qua dàn nhạc nước ấy đến bên bến thuyền khám phá vùng lòng hồ chừng khoảng một giờ, thời gian sẽ như hồ nước lặng trôi theo những đắm say mê mải với phong cảnh hữu tình thắm đượm mối tình huyền thoại. Bước lên bờ, du khách choáng ngợp trước một công trình cao lớn, uy nghi, đó là bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao tới 45m màu vàng rực dưới nắng đã được xác nhận kỷ lục Việt Nam năm 2012. Đây là một pho tượng rỗng, trong lòng tượng Phật là ngôi chùa có tên Thác Vàng lộng lẫy với nhiều huyền tích. Men theo lối nhỏ trong bức tượng Phật ấy du khách sẽ bị hút mắt vào những hình ảnh, âm thanh sống động về thuyết nhân quả của nhà Phật, đây cũng chính là nơi ta có thể tĩnh tâm nhìn lại mình, nhìn lại người vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngoài ra, trong quần thể di tích hồ Núi Cốc còn có động Âm Phủ, một hang động lớn và huyền bí, trong đó trưng bày những hành ảnh mà những người đang sống chỉ nhìn thấy qua sự tưởng tượng. Địa ngục A Tì là chốn mà ai cũng sẽ phải bước qua, với ý nghĩa để trả lại tội lỗi của mình nơi trần gian. Rùng mình, ớn lạnh, cảm giác đó ngự trị trong tất cả mọi người khi bước vào hang động này, nhưng khi trở về mặt đất, nhìn lại luôn cảm thấy đó là một trải nghiệm hết sức thú vị. Có một nơi nữa mang vẻ hoang sơ, tĩnh lặng nhưng vẫn ấm áp tình người đó là Chợ tình Ba cây thông. Trong khoảng không gian rộng, thấp thoáng giữa những hàng cây là 3 cây thông sừng sững được phác họa bằng nét mặt phảng phất buồn của cô gái xinh đẹp và 2 chàng trai trong truyền thuyết…

Phong cảnh đẹp, có nhiều điểm vui chơi giải trí, dịch vụ tiện dụng, nằm trong tuyến tua du lịch đến với thủ đô gió ngàn (ATK Định Hóa), hồ Núi Cốc luôn là điểm đến để du khách có dịp đắm mình cùng huyền thoại.

 

                                                                        Thúy Hằng

 

 

 

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục