Quê nội tôi là vùng đồng chiêm trũng, người dân thật thà, mộc mạc, một nắng, hai sương, quanh năm gắn bó với ruộng đồng, cấy hái. Quê hương luôn hiện hữu trong tôi bởi những dãy tre rợp bóng mát nơi bờ ao cùng những con mương đưa nước vào ruộng. Ngày bé, cứ mỗi dịp hè là bố mẹ lại cho tôi về quê với ông bà. Bởi vậy, tôi rất háo hức, cứ đến độ hoa phượng nở là nhấp nhổm mong sớm được về quê để trải nghiệm cùng lũ trẻ chốn quê nhà.

Tôi có đứa em con nhà chú cùng trang lứa, mỗi lần về, chúng tôi cứ xoắn xuýt, làm gì, đi đâu cũng có nhau. Về quê thú vị lắm, tôi được trải nghiệm với cuộc sống nơi thôn dã như thả diều, bắt châu chấu, mót lúa, bắt ốc, kéo vó... chơi trốn tìm sau những cây rơm, dưới bóng đa, bến nước đầu làng đã gắn liền với hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam. Mỗi lần về quê là tôi “lĩnh trọn” 3 tháng hè, vì vậy, sau dịp hè người đen trũi, giọng nói cũng được pha với chất giọng “đặc quê”. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ rõ những hình ảnh bình dị và gắn bó ấy. Tôi nhớ, có lần thím chuẩn bị đồ để đi chợ huyện cách nhà khoảng 4-5 cây số (ngày đó, tôi mới học lớp 4), tôi đòi đi bằng được, thím đành phải đồng ý. Được chứng kiến cảnh chợ quê thật thích, người mua, người bán tấp nập, tiếng cười nói, chào hỏi cứ râm ran. Tôi hỏi thím, “ở đây ai cũng quen nhau hết ạ?”, thím cười vì sự ngờ nghệch của tôi rồi nói “Người nhà quê thế đấy cháu ạ, gần gũi, thân mật, không khách khí như ở thành phố đâu”... Khu chợ là một khoảng đất rộng, những dãy lều đơn sơ chỉ có vài cái cột dựng lên được lợp bằng rơm, rạ. Chợ quê họp vào ngày chẵn, bởi vậy, 1 tuần chỉ có vài ba ngày nên hàng hóa cũng phong phú, toàn là những sản phẩm cây nhà, lá vườn, mỗi thứ một ít, nhà thì vài ba mớ rau thơm, nhà thì lưng giỏ tôm, cá để lẫn lộn hay con gà, con vịt cùng thóc, gạo, ngô, khoai... Nhưng cuốn hút nhất là bà hàng bánh đúc bởi hương thơm của tương, bánh đúc được nấu bằng tấm mới, ròn ròn, sần sật của lạc cộng với vị ai ai, nồng nồng của vôi chấm với tương Bần, vài ba lát ớt thì thật tuyệt, cắn một miếng man mát, tê tê nơi đầu lưỡi như tan chảy. Ngược lại với bánh đúc là bánh đa lại giòn tan, bùi bùi của gạo, vị đằm đặm của muối, ngầy ngậy của dừa, thơm thơm của vừng... thật ngon và hấp dẫn.

Vui nhất, nhộn nhịp nhất là hôm làng mổ lợn, 4 h, lợn kêu eng éc, tiếng bước chân rậm rịch qua nhà và kiểu gì tôi và cô em cũng phải ra sân kho để xem. Cả HTX có đến hàng trăm nhà, nhà nào ăn thì đăng ký; khi xả thịt tính theo đầu hộ, không cần cân, người chia chỉ ước lượng mỗi thứ một miếng chia đều từng mô, ấy vậy mà suất nào cũng bằng nhau, chuẩn như một bàn cân.

 

Ngày nhỏ, tôi cũng là đứa nghịch ngợm và khá tò mò. Hơn tôi 1 tuổi nhưng cô em họ phải làm đủ mọi việc của nhà nông và tôi luôn bám nó, có những hôm, chị em tôi rủ nhau dậy sớm để đi kéo tôm. Tờ mờ sáng, chúng tôi chuẩn bị nào là gậy, vó, ống thính (được rang bằng cám gạo) rồi kéo nhau ra con mương lớn hoặc một cái chuôm nào đó để đặt vó. Khi kéo vó phải nhẹ nhàng đặt từng cọng vó xuống nước rồi ném thính vào chiếc vó vừa thả để làm mồi cho tôm đến ăn, cứ thế, chúng tôi thả khoảng hai, ba chục chiếc vó rồi quay lại cái đầu tiên, từ từ nhấc lên cũng thật khẽ khàng để tôm không nhao ra khỏi vó, khi chiếc vó được nhấc lên khỏi mặt nước phải nhanh tay đưa vào bờ rồi đổ vào rá để sẵn mấy cành lá trong đó. Hai chị em tôi kéo khoảng 2 tiếng đồng hồ là có thể được rổ tôm kha khá. Tôm đồng vừa kéo lên về rang với lá chanh ăn cùng bát cơm nguội vào buổi sáng thêm vài quả cà muối thì khỏi phải nói. Ngoài ra còn có một món ngon chẳng kém đó là châu chấu đồng được chúng tôi gọi là “tôm bay”. Trưa nắng, lũ trẻ con “diễu” ngoài cánh đồng mỗi đứa một chiếc vỉ ruồi, một cái chai hoặc lọ để đựng, châu chấu đánh về rửa sạch, rút ruột, vặt cánh cho mỡ vào rang vàng, béo ngậy, bùi bùi như món “đặc sản” của quê hương.

 

Mùa gặt, mùi lúa mới thơm nồng, phảng phất của mùi rơm, rạ phơi. ở nông thôn mà hầu hết là các miền quê đều nấu bằng rơm, rạ hoặc quét lá về đun. Rơm, rạ luôn gắn liền với cuộc sống nhà nông; rơm được bện thành chổi, lợp mái nhà, làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò; trời rét trải dưới chiếu cho gió khỏi lùa... Trời mùa hè nóng bức ngồi trong bếp đun đun, nấu nấu bằng rơm thì “tuyệt”; mô hôi nhễ nhại, mặt mũi đỏ bừng, bụi tro bám đầy người. Tôi không biết cách đun nên mỗi lần vào bếp là khói sặc sụa nhưng khi được cô em gái bảo cách “phải vừa đun, vừa nhấc rơm lên, lấy que khều gạt tro ra khỏi kiềng để thoáng khí”, vậy là từ đó tôi thành thạo từ rút rơm ngoài cây cho đến nấu cơm rồi cuốn, vùi nồi cơm dưới tro cứ như một “nhà nông chính hiệu”. Thú vị nhất là được ăn cơm vùi tro, mở nồi cơm hớt một lượt tro trên mặt nồi, mùi cơm chín ngào ngạt lan tỏa, hạt gạo trắng ngần dẻo thơm, đôi khi còn có cả mùi oi oi của khói rơm. Đi làm đồng về đến nhà vừa mệt, vừa đói, bê bát cơm bốc hơi được nấu bằng niêu đất hay nồi gang cuốn rơm, trong mâm là bát canh rau tập tàng hái ngoài vườn nấu với tôm tươi giã ngọt đến tận chân răng... ngon phải biết.

 

Sáng sớm mùa hè được trải nghiệm với đồng ruộng, được chạy nhảy trên đám cỏ còn ướt sương đêm mát mịn như đi trên thảm, được hít hà hương đồng, gió nội, không khí trong lành, mát dịu mới thực sự thú vị. Quê hương bao giờ cũng cho ta những kỷ niệm ngọt ngào, nhẹ nhàng mà da diết như lời bài hát “Quê hương là chùm khế ngọt/Cho con trèo hái mỗi ngày”.... Nhưng giờ đây quê hương đã khác trước nhiều, đường ra ruộng không còn gập ghềnh với những ổ trâu đằm lầy lội, đường bê tông nông thôn chạy từ làng ra đến chân ruộng, bờ mương và không còn cảnh người nông dân vác cày cùng trâu ra đồng. Nhìn cảnh làng quê đổi mới, tư duy con người đổi mới, tôi thật tự hào bởi mình được sinh ra và đã có những ngày tháng gắn bó, được trải nghiệm cùng quê hương.

 

 

                                                                Tùy bút của Thúy Ngọc

 

 

Các tin khác


Công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ đoạt giải thưởng Quy hoạch đô thị quốc gia

Chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), chiều 15/4, tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cùng Sở Xây dựng Điện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên tổ chức lễ gắn biển "GIẢI ĐẶC BIỆT" trong hệ thống Giải thưởng Quy hoạch Đô thị Quốc gia lần thứ III (VUPA) năm 2022 cho công trình Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Gặp mặt cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ

Chiều 15/4, tại TP Việt Trì, Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 2 và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực Trung du, miền núi Bắc Bộ. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì cuộc gặp mặt.

Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay cho lưu học sinh, sinh viên Lào

Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hoà Bình và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hoà Bình (TP Hoà Bình) phối hợp tổ chức Tết cổ truyền Bunpimay năm 2024 cho các lưu học sinh, sinh viên (HS, SV) Lào đang học tập tại 2 trường. 

Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên huyện Lạc Thủy

Huyện Lạc Thuỷ vừa tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang và thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024 với chủ đề "Hát mãi khúc quân hành”. Hội diễn thu hút trên 260 diễn viên, nghệ nhân từ 10 xã, thị trấn.

Rộn ràng Lễ rước kiệu về Đền Hùng

Ngày 15/4 (tức mùng 7/3 âm lịch), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 tổ chức rước kiệu về Đền Hùng tri ân công đức các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.

Nét độc đáo trong lễ hội đình Băng

Đình Băng ở xóm Băng, xã Ngọc Lâu, huyện Lạc Sơn là ngôi đình lớn, thờ thành hoàng chính là Quốc mẫu Hoàng Bà (mẹ đức thánh Tản Viên Sơn), Tản Viên Sơn thánh, ngoài ra còn thờ một số thành hoàng khác: Vua Cả, Vua Hai (thần ở mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn), vua Út, Vua Ả là con gái Quốc mẫu Hoàng Bà. Đình đã được các đời vua thời phong kiến sắc phong nhưng nay thất lạc không còn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục